Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ba trụ cột phát triển bền vững

Con đường để đi đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của Việt Nam chắc hẳn còn rất dài và gian nan.

Nhìn vào kinh nghiệm từ các nước, dường như cách thức duy nhất để đạt được mục tiêu này là cần phải tạo ra (1) một môi trường kinh doanh tự do và ổn định để các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, làm ra nhiều của cải cho xã hội; (2) một nhà nước hiệu quả để tạo lập một môi trường kinh doanh tốt cũng như bổ khuyết những thiếu sót hay thất bại của thị trường; và (3) một xã hội công dân cởi mở để giám sát các hoạt động của khu vực kinh doanh và nhà nước, cũng như thực hiện những công việc mà cả nhà nước hay thị trường không thể thực hiện hoặc làm không hiệu quả.

Dân giàu = Môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng và ổn định

Đối với mỗi cá nhân, có hai cách thức để làm giàu. Thứ nhất, sử dụng các nguồn lực của mình như tiền bạc, sức lực hay trí tuệ để tạo ra của cải cho mình bằng việc tạo thêm nhiều giá trị cho xã hội. Thứ hai, tìm cách lấy bớt của người khác. Cách thứ nhất sẽ làm cho cả xã hội khấm khá lên. Trong khi cách thứ hai, về bản chất sẽ làm cho cả xã hội nghèo đi, do nguồn lực không được sử dụng một cách tốt nhất và còn tạo ra bất công trong xã hội nên không khuyến khích lao động sáng tạo.

Điều mà ai cũng mong ước là có một nhà nước có thể lo cho tất cả mọi người đều được ấm no và hạnh phúc.

Cách duy nhất để hầu hết người dân trở nên giàu có hơn là một môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng và ổn định. Mỗi một người có quyền và được pháp luật bảo vệ bất kỳ hoạt động kinh doanh nào mà họ muốn miễn là nó không gây tổn hại cho xã hội hay người khác. Những hoạt động tạo thêm của cải cho xã hội sẽ được khuyến khích, trong khi những hoạt động chỉ đem lại lợi ích cho một số ít cá nhân nhưng gây ra nhiều tổn hại cho toàn xã hội cần phải được loại bỏ hay giảm thiểu.

Cần phải thừa nhận rằng con người là duy lý, ích kỷ và ngại rủi ro. Nếu môi trường ổn định và tin cậy thì họ sẽ quan tâm đến những thứ xa hơn. Nếu ngược lại, họ chỉ lo cho những vấn đề trước mắt. Kết quả của hai hành động này là trái ngược nhau. Nếu chỉ nhìn vào ngắn hạn thì sẽ có một môi trường kinh doanh chụp giật đắp đổi. Nếu ngược lại, sẽ có một môi trường kinh doanh ổn định, trí tuệ cũng như các nguồn lực khác được phát huy hiệu quả. Do vậy, sự ổn định của môi trường kinh doanh là tối quan trọng. 

Ở hầu hết các hoạt động kinh tế, khi tất cả mọi người đều được tự do theo đuổi mục tiêu cá nhân của mình thì cả xã hội sẽ khấm khá lên. Đây chính là “Bàn tay vô hình” mà Adam Smith đã phát hiện ra vào năm 1776. Tuy nhiên, khi mỗi cá nhân được tự do làm việc mình thích thì hầu hết mọi người chỉ tập trung vào những công việc đem lại lợi lộc cho cá nhân. Lúc này, chẳng ai quan tâm đến việc xây dựng các luật lệ chung; những người nghèo, thấp cổ bé họng không được chăm lo, bảo vệ; Vedan sẽ vô tư gây ô nhiễm môi trường... Do vậy, một thị trường hoạt động tự do chưa đủ mà cần có một nhà nước hiệu quả để sửa chữa những thất bại của thị trường, những vấn đề mà bản thân thị trường không thể giải quyết được.

Nước mạnh = Một nhà nước hiệu quả

Vấn đề lớn nhất của nhà nước là kém hiệu quả và tham nhũng khi quan chức chính quyền câu kết với khu vực kinh doanh.

Điều mà ai cũng mong ước là có một nhà nước có thể lo cho tất cả mọi người đều được ấm no và hạnh phúc. Mỗi người có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình để tạo ra của cải cho xã hội và được hưởng thụ theo nhu cầu tối đa của mình. Tuy nhiên, đây là điều chưa thể trở thành hiện thực, ít nhất là ở thời đại của chúng ta.

Những ý tưởng xây dựng một nhà nước như vậy theo mô hình kinh tế kế hoạch như ở các nước Liên Xô và Đông Âu cũ đã thất bại.

Giữa hai thái cực, nếu để cho thị trường hay khu vực kinh doanh làm tất cả thì sẽ xảy ra những thất bại của thị trường; còn nếu nhà nước làm tất cả thì sẽ dẫn đến thất bại như mô hình kinh tế kế hoạch. Vì vậy, nhà nước chỉ nên làm những phần việc mà ở đó có các thất bại thị trường, ví dụ như đảm bảo an ninh quốc phòng, cung cấp hay hỗ trợ cung cấp các dịch vụ căn bản như y tế, giáo dục...

Nhà nước nên tránh cám dỗ muốn làm tất cả vì nguồn lực và khả năng của nhà nước có hạn. Hơn nữa, khi quy mô của bộ máy nhà nước quá lớn, thì phần lớn thời gian và nguồn lực phải dành để giải quyết những vấn đề của bản thân bộ máy đó nên không thể giải quyết tốt các vấn đề khác.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, để đạt được mục tiêu trở thành một nước phát triển, với nguồn lực và khả năng giới hạn của mình, chính phủ chỉ nên tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng nhất gồm: (1) ổn định vĩ mô; (2) cải thiện môi trường kinh doanh; (3) đảm bảo các vấn đề về an sinh và phúc lợi xã hội.

Một xã hội công dân (*) cởi mở

Vấn đề lớn nhất của hầu hết các nhà nước là kém hiệu quả và tham nhũng, nhất là trong bối cảnh mà các cơ quan công quyền có thể cấu kết với khu vực kinh doanh. Ở đâu cũng vậy, những người kinh doanh đều mong muốn có thể kiếm được càng nhiều tiền càng tốt và những quan chức nhà nước thì muốn càng tại vị lâu và lên được vị trí càng cao càng tốt. Nếu không có những cơ chế giám sát độc lập, tiền và quyền sẽ cấu kết với nhau và gây tổn hại cho xã hội. Do vậy, cần một xã hội công dân, cùng với truyền thông, đóng vai trò kiểm tra và giám sát chống lại việc lạm quyền và cấu kết của các doanh nhân và các quan chức nhà nước.

Hơn thế nữa, nhu cầu của xã hội và của cộng đồng rất đa dạng. Trong khi đó, không phải hoạt động nào cũng đem lại lợi nhuận để khuyến khích các doanh nghiệp và không phải việc nào nhà nước cũng có thể làm, do nguồn lực có hạn. Vì vậy, cần có sự tham gia của xã hội công dân trong việc giải quyết những vấn đề của xã hội và cộng đồng. Cứ nhìn vào các hoạt động từ thiện ủng hộ miền Trung trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua thì thấy rõ vai trò của các tổ chức phi chính phủ, phi kinh doanh, cá nhân.

Tóm lại, một môi trường kinh doanh năng động và ổn định, một nhà nước hiệu quả, và một xã hội công dân cởi mở là ba trụ cột nòng cốt của một quốc gia mà ở đó dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Muốn có được một xã hội tốt đẹp, ba trụ cột nêu trên phải được phát triển hài hòa và cân bằng.

______________________________________

(*) Trong cuốn “Mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị một số nước trên thế giới” do PGS.TS. Tô Huy Rứa chủ biên, một trong những khuyến nghị mà nhóm tác giả đề xuất là: “Cần phải thiết lập đồng bộ ba yếu tố kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội công dân ở nước ta”. Các tác giả nhấn mạnh “tất yếu cũng phải xây dựng xã hội công dân của nhân dân” và trích lời C. Mác rằng: “Xã hội công dân là trung tâm thực sự, vũ đài thật sự của toàn bộ lịch sử”.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Vốn rẻ cho người nghèo và giải pháp công nghệ cao
  • Việt Nam “về đích” trong lạc quan phục hồi kinh tế
  • Nguy cơ động đất - sập đổ nhà cao tầng: Có thể chủ động phòng chống
  • Tái cơ cấu đầu tư công: Đột phá từ đâu?
  • Kinh tế vĩ mô: “Năm 2010 đã có một cơ hội để ổn định”
  • Năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là 2,88%
  • Việt Nam là nền kinh tế mới nổi đáng chú ý
  • 2010: năm của những bài học về kinh nghiệm phát triển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi