Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ba bộ có trách nhiệm trong sai phạm của Vinashin

Để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng tại Vinashin, ngoài trách nhiệm của các cá nhân nguyên là lãnh đạo tập đoàn như ông Phạm Thanh Bình, ông Trần Quang Vũ và các cán bộ liên quan, Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định: Còn có trách nhiệm của ba bộ là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.

Ba bộ... không kiên quyết


Theo kết luận thanh tra, để Vinashin có những khuyết điểm, sai phạm và lâm vào tình trạng đặc biệt khó khăn, ngoài các nguyên nhân khách quan như khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới; mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đang trong giai đoạn thí điểm, chưa được tổng kết đánh giá đầy đủ; thể chế, cơ chế quản lý đối với tập đoàn còn thiếu hoặc chưa đủ rõ; việc giao quyền tự chủ cho HĐQT tập đoàn rất lớn nhưng chưa có cơ chế, quy định kiểm soát tương ứng... còn có nhiều nguyên nhân chủ quan cơ bản.

Vinashin thực hiện mô hình thí điểm, nhưng trong thời gian dài hoạt động thiếu các quy định quản lý tương ứng với mô hình thí điểm; trong nhiều năm hoạt động cấp tín dụng của Cty mẹ không đúng và không có cơ cấu tổ chức tương ứng theo quy định của pháp luật, dẫn đến không quản lý được dòng tiền cho vay và trả nợ... Trong một thời gian ngắn lãnh đạo tập đoàn đã mở rộng quá nhanh quy mô tập đoàn với trên 286 Cty con, Cty liên kết. Trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Cty mẹ và các đơn vị thành viên chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị, đặc biệt là người đứng đầu và một số cá nhân còn hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, tuỳ tiện, báo cáo không trung thực, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật.

TTCP kết luận: Để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài trong nhiều năm, có trách nhiệm của ba bộ là: Giao thông Vận tải, Tài chính và Nội vụ. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải được xác định là chưa kiên quyết có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để yêu cầu HĐQT Vinashin xây dựng, trình Thủ tướng ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động; bổ nhiệm hoặc thuê tổng giám đốc điều hành. Là cơ quan quản lý nhà nước theo lĩnh vực, nhưng trong nhiều năm, Bộ Giao thông Vận tải chưa phát hiện kịp thời những yếu kém và cố ý làm trái trong hoạt động của tập đoàn để chủ động đề nghị các cơ quan chức năng báo cáo Thủ tướng ngăn chặn, xử lý.   

Bộ Tài chính có trách nhiệm phê duyệt quy chế tài chính của tập đoàn, nhưng chưa có những giải pháp kịp thời và hiệu quả yêu cầu HĐQT Vinashin xây dựng quy chế tài chính, để trong nhiều năm không ban hành được quy chế này. Theo TTCP, Bộ Tài chính chưa có giải pháp kiên quyết, hiệu quả trong kiểm soát việc sử dụng có hiệu quả trái phiếu quốc tế do Chính phủ cho tập đoàn vay lại.

Bộ Nội vụ chưa kiên quyết có những giải pháp kịp thời để HĐQT Vinashin thực hiện đúng quy định về bổ nhiệm hoặc thuê tổng giám đốc điều hành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để tình trạng chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm tổng giám đốc điều hành kéo dài nhiều năm tại Vinashin.

Tổng kết những phát hiện qua thanh tra

TTCP kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật 7 vụ việc. Cụ thể, vụ cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc dùng 1.000 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu quốc tế để mua nợ của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, trong đó có nhiều khoản nợ xấu. Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm trong dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất giai đoạn 1, gây thiệt hại 59 tỉ đồng.

Vụ thiếu trách nhiệm và có dấu hiệu tham nhũng trong chuyển nhượng cổ phiếu Ngân hàng Nhà Hà Nội. Vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong đầu tư, quản lý tài chính và tổ chức doanh nghiệp của ông Ngô Tùng Lâm - nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CNTT Hoàng Anh; ông Lưu Văn Hợp - Trưởng ban Kiểm soát Vinashin...

Vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng; việc sử dụng vốn vay 300 tỉ đồng của Vinashin dẫn đến nợ quá hạn, mất vốn với ông Nguyễn Tuấn Dương - nguyên Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần đầu tư Cửu Long. Vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính và trong bố trí nhân sự, gây thất thoát, lãng phí số tiền lớn tại Dự án KCN tàu thủy Lai Vu. Vụ việc sai phạm trong đầu tư, gây thiệt hại nghiêm trọng tại Cty TNHH MTV CNTT Cái Lân.

Về xử lý kinh tế, TTCP yêu cầu Vinashin phối hợp với Tập đoàn Dầu khí, TCty Hàng hải Việt Nam thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thành viên thu hồi lại số tiền 615,652 tỉ đồng đã chi sai tại các đơn vị thành viên. Rà soát để giảm trừ số tiền 138,328 tỉ đồng khi tiến hành nghiệm thu quyết toán tại một số dự án.

Trong kết luận, TTCP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt trong việc tổng kết thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong đó, nhiều vấn đề phát hiện qua thanh tra Vinashin cần phải được tổng kết nghiêm túc như: Việc giao quyền tự chủ cho HĐQT tập đoàn rất lớn nhưng chưa có cơ chế, quy định kiểm soát tương ứng hiệu quả; việc phân định và phối hợp có hiệu quả trong thanh tra, giám sát nội bộ và từ bên ngoài...

Theo TTCP, cùng với việc tái cơ cấu toàn diện Vinashin, Thủ tướng cần chỉ đạo bộ quản lý ngành có liên quan giúp tập đoàn trong việc rà soát, đối chiếu, đánh giá thực trạng tài sản, nợ phải thu, phải trả nhằm xử lý đúng những tồn đọng, tạo cơ sở minh bạch và lành mạnh hoá tài chính của Cty mẹ và các thành viên. Yêu cầu Bộ Tài chính và Vinashin ban hành ngay quy chế tài chính của tập đoàn.

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng giao cho một đầu mối có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ quá trình thoái vốn mà tập đoàn đã đầu tư vào các lĩnh vực không trực tiếp gắn kết có hiệu quả với hoạt động đóng tàu và vận tải; rà soát để bán hoặc chuyển giao các dự án, di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất để  sử dụng quỹ đất cho mục tiêu có thêm nguồn vốn để phục vụ sản xuất, đồng thời tránh lợi dụng thoái vốn, chuyển nhượng dự án để vụ lợi hoặc làm thiệt hại đến tài sản, tiền vốn của Nhà nước, doanh nghiệp.

Liên quan đến việc chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, TTCP kiến nghị cần lưu ý vào việc rà soát, đánh giá những sơ hở, bất cập để kịp thời có những quy định về nội dung và quy trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ quản lý nhà nước, quyền chủ sở hữu đối với tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước.

(Báo Lao Động)

  • Việt Nam cải thiện nhiều thủ tục thuế
  • Những “nghịch lý” lạ lùng của kinh tế Việt Nam
  • GDP 6 tháng năm 2011 có thể đạt 5,6%
  • Cách nào tránh bẫy thu nhập thấp?
  • Biển miền Trung có điều kiện chiến lược quan trọng
  • Sau động đất, sóng thần: Nhật rộng cửa đón tu nghiệp sinh Việt Nam
  • Các nhà đầu tư nước ngoài cảnh báo Việt Nam: Những rào cản làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế
  • Thí điểm PPP: Nhà nước đã chìa tay, dù còn dè dặt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi