Bị tụt một bậc (xuống vị trí 99 trên tổng số 185 nền kinh tế), lĩnh vực cải cách đáng chú ý, được ghi nhận nhất của Việt Nam năm qua là: Tạo thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp bằng cách cho doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng tự in. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khác.
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế Ảnh : Hồng Vĩnh. |
Tạo nhiều thuận lợi cho DN
Báo cáo thường niên lần thứ 8 “Môi trường Kinh doanh 2013: Các quy định thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) công bố ngày 23-10, cho thấy, các quốc gia khác trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có sự cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn so với Việt Nam.
Do số lượng cải cách ít hơn nền kinh tế khác trong khu vực, Việt Nam bị tụt một bậc so với bảng xếp hạng của năm 2011 và tụt tới 9 bậc nếu so với vị trí xếp hạng của năm 2010.
Trong 11 lĩnh vực được đánh giá, Việt Nam có 5 lĩnh vực xếp hạng tương đối khá, trên trung bình là: Cấp phép xây dựng xếp thứ 28, vay vốn tín dụng xếp 40, thực thi hợp đồng có thứ hạng 44, đăng ký tài sản xếp thứ 48 và thương mại quốc tế xếp 74.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ý nghi ngờ việc đánh giá trên, do thực tế việc cấp phép xây dựng thực chất vẫn khó khăn cho tư nhân muốn xây nhà ở. Ngay với lĩnh vực vay vốn tín dụng dường như cũng chưa sát với thực tế đời sống kinh doanh của Việt Nam do năm 2012 tín dụng đang tắc nghẽn.
Nhờ cải cách về thương mại quốc tế, trong các năm 2011-2012, Việt Nam là một trong 10 nền kinh tế có mức chi phí xuất nhập khẩu tính trên 1 container thấp nhất.
Chi phí cho xuất khẩu của Việt Nam là 610 USD/container và được xếp thứ 10. Trong khi chi phí nhập khẩu là 600 USD/container, xếp thứ 6. Bên cạnh đó, thành lập doanh nghiệp là lĩnh vực có sự cải thiện nổi bật nhất ở Việt Nam.
Minh chứng rõ nhất, Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp sử dụng hóa đơn VAT tự in, giúp giảm thời gian đi mua, xác nhận (hóa đơn VAT). Theo thống kê, Việt Nam chỉ còn 10 quy định thủ tục và 34 ngày để thành lập doanh nghiệp.
Ông Karim Belayachi, đồng tác giả của báo cáo đánh giá, Việt Nam giữ vững tốc độ cải thiện các quy định và môi trường kinh doanh. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã thực hiện 20 cải cách về thể chế trong hầu hết các lĩnh vực thuộc phạm vi đánh giá của báo cáo.
So với các nước trong khu vực, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp sau Trung Quốc (xếp thứ 91), Mông Cổ (xếp thứ 76) và đứng trên Indonesia, Campuchia, Philippines và Lào.
Doanh nghiệp chết không chôn được
Việc doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục trong lĩnh vực thực thi hợp đồng (400 ngày) với chi phí chiếm 29% số tiền phải trả, cho thấy cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong cải cách các thủ tục ở Việt Nam.
Số lượng các thủ tục doanh nghiệp phải thực hiện để tiếp cận điện năng đã giảm đáng kể (6 thủ tục), nhưng thời gian để hoàn thiện và tiếp cận được kéo dài tới 115 ngày. Do thời gian kéo dài quá lâu như vậy, xếp hạng tiếp cận điện năng ở Việt Nam đứng ở vị trí thứ 155.
Các chỉ số cải cách quan trọng khác như bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam cũng bị xếp vào diện kém (169), trong khi xếp hạng về nộp thuế xếp vị trí 138.
Tính trung bình số lần đóng thuế của doanh nghiệp tại Việt Nam mỗi năm là 32 và thời gian để hoàn tất các thủ tục này khá dài, lên tới 872 giờ với tổng mức thuế suất các loại mà doanh nghiệp phải nộp lên tới 34,5% tổng lợi nhuận.
Việc xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ở Việt Nam cũng bị xếp hạng thấp (149) do chi phí xử lý khá cao (15%) và tỷ lệ thu hồi vốn chỉ đạt 13,9 cent/1 USD.
Theo bà Chi Lan, quy trình làm thủ tục phá sản của Việt Nam rất phức tạp khi các doanh nghiệp phải mất tới 5 năm và 15% chi phí tài sản để hoàn tất thủ tục.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải ở tình trạng “chết” mà không “chôn” được, hoặc nhiều doanh nghiệp đã chọn hình thức xin tạm ngừng hoạt động thay vì phá sản theo luật.
“Trong 10 năm qua, thứ hạng của Việt Nam hoặc ở cuối nửa đầu bảng xếp hạng, hoặc dưới mức trung bình của khu vực và thế giới. Điều đó cho thấy, Việt Nam chưa thay đổi được bao nhiêu trong sự cạnh tranh mạnh mẽ và sự nổi lên của nhiều nền kinh tế trong khu vực”- bà Lan nói.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đánh giá: “Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách trong những năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả báo cáo cũng thể hiện rằng cần nỗ lực nhiều hơn để sánh ngang với các nền kinh tế trong khu vực”.
Tính trên phạm vi toàn cầu, Singapore, năm thứ 7 liên tiếp có môi trường pháp lý thuận lợi nhất thế giới cho doanh nghiệp nội địa. Đứng thứ 2 tiếp tục là Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc). Hàn Quốc được xếp vào nhóm 20 nước đứng đầu thế giới về mức độ thuận lợi trong kinh doanh. Mông Cổ là nước có nhiều cải thiện nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com