Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bí thư Đà Nẵng nói về chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”

Đích thân ông Thanh 5 lần 7 lượt mời cho được một vị GS.TS chuyên ngành hàng đầu từ Hà Nội về công tác tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.
 
Ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trong buổi đối thoại với CB, GV ĐH Duy Tân Đà Nẵng ngày 19/9.


“Uy tín thương hiệu của một trường đại học chính là chất lượng đầu ra của sinh viên. Mà muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi” -Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh quan điểm trên trong buổi đối thoại với CB, GV ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) ngày 19/9.

Phát biểu trước khoảng 500 CB, GV ĐH Duy Tân trong buổi đối thoại nhân dịp đầu năm học, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng chất lượng đầu ra của một sinh viên (SV) chưa hẳn phụ thuộc vào cấp bậc bằng cấp. 

Một học viên tốt nghiệp trung cấp y dược Đà Nẵng chẳng hạn có năng lực tốt hơn SV tốt nghiệp hệ Cao đẳng ở một số đơn vị đào tạo khác. Điều đó được kiểm chức ngay trong thực tế, ngay trong năng lực công tác của những học viên, SV sau khi tốt nghiệp. 

Để các đơn vị tuyển dụng tin cậy, để nâng cao uy tín thương hiệu của trường học một cách tốt nhất chính là đào tạo ra những người giỏi, có năng lực. Mà muốn trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Đó là nguyên tắc, là yếu tố quyết định trước hết và trên hết. Cho nên trường học phải trọng thầy giỏi, tìm thầy giỏi, có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” để thu hút nhân tài.

 

Muốn trò giỏi phải có thầy giỏi
Bí Thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh quan điểm "muốn trò giỏi phải có thầy giỏi" trong buổi nói chuyện với CB, GV ĐH Duy Tân.

Ông Thanh dẫn chứng một trường hợp “chiêu hiền đãi sĩ” cụ thể như đích thân ông 5 lần 7 lượt mời cho được một vị GS.TS chuyên ngành hàng đầu từ Hà Nội về công tác tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Muốn xây dựng một tổ chức tốt thì chính tổ chức phải đi tìm những cán bộ giỏi, có năng lực chứ không chỉ việc ngồi đợi các ứng viên tìm tới. 

Một trường ĐH cũng vậy thôi. Khi  mà chất lượng đầu ra của SV được khẳng định, dần dần sẽ tạo nên tiếng tăm cho trường học. Và khi đó, chính các đơn vị tuyển dụng sẽ “đặt hàng” ngay từ khi SV còn ngồi trên ghế nhà trường, chứ SV ra trường không phải vác đơn đi xin việc.

Theo báo cáo của trường ĐH Duy Tân thì tỷ lệ SV, HS tốt nghiệp có việc làm là trên 85%. Song phải thẳng thắn nhìn nhận tỷ lệ SV tốt nghiệp ra trường có việc làm nhờ những mối quan hệ sẵn có là bao nhiêu, tỷ lệ SV được các đơn vị tuyển dụng “trải thảm” dựa vào năng lực thực sự là bao nhiêu. Tỷ lệ SV được tuyển dụng dựa vào năng lực thực sự mới là con số chính xác nói lên chất lượng đào tạo của trường học.

Tư vấn định hướng đào tạo cụ thể cho trường hợp Trường ĐH Duy Tân, ông Thanh cho rằng trường không nên đào tạo tràn lan kiểu hệ nào cũng có, ngành nào cũng có kiểu “bách hóa tổng hợp”, mà phải tập trung vào các ngành mũi nhọn, dựa trên cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thế mạnh của nhà trường và nhu cầu tuyển dụng của xã hội. 

Chẳng hạn như Đà Nẵng đang hướng tới phát triển ngành Công nghiệp công nghệ cao, CNTT; chẳng hạn Đà Nẵng đang thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch..., thì cứ bám vào nhu cầu nhân lực thực tế cho các ngành nghề, lĩnh vực trên mà đào tạo. Đừng để tình trạng phân bổ chỉ tiêu ồ ạt, các trường đào tạo tràn lan không định hướng, không nhắm tới nhu cầu thực tế của xã hội.

Trả lời trực tiếp câu hỏi của một giảng viên trong buổi đối thoại về việc trường ĐH Duy Tân có nên mở ngành đào tạo Y dược không, ông Thanh thẳng thắn nói không, đồng thời chỉ ra nguyên nhân đây không phải là thế mạnh đào tạo của trường, trường chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng đào tạo tốt. Ngay thực tế ở Đà Nẵng, Trường CĐ Y tế có triển vọng phát triển đào tạo tạo các ngành này bởi họ thực sự có nền tảng, có thế mạnh đào tạo chuyên ngành này. ĐH Đà Nẵng cũng mở ngành này nhưng lại không có tiến triển.

Một giảng viên khác đưa ra vấn đề các doanh nghiệp còn phân biệt tuyển dụng giữa sinh viên trường công và trường tư, họ chê SV ngoài công lập và đặt câu hỏi làm thế nào để thay đổi thực trạng này. Ông Thanh quay trở lại vấn đề uy tín thương hiệu của trường học dựa trên chất lượng đầu ra. Để khẳng định mình, để SV ra trường được tiếp nhận, trọng dụng, nhà trường phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo ra những người giỏi thì không bị doanh nghiệp phân biệt đối xử.

Theo Khánh Hiền

Dân trí
-------------

“Đà Nẵng không có chuyện mua quan bán chức”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Bá Thanh - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - tại buổi nói chuyện với gần 800 cán bộ, giảng viên Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) sáng 19-9.

“Ở Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt, mua quan bán chức. Hàng từ phó giám đốc sở trở lên tôi quản lý được hết. Có người nói họ chạy qua vợ con, thư ký của ông thì sao? Tôi khẳng định vụ nớ tôi kiểm soát được. Tôi đi vắng, bà xã ở nhà không dám nhận bất cứ thứ gì. Việc nhận hay không thì phải có tôi ở nhà” - ông Thanh nói.

Tại buổi nói chuyện, ông Thanh còn cho biết hướng phát triển của Đà Nẵng là chọn du lịch, dịch vụ làm mũi nhọn, sau đó mới đến công nghiệp, nông nghiệp, với quyết tâm xây dựng thành phố môi trường, văn minh, đáng sống. Lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, trên địa bàn đang có gần chục trường ĐH cũng là điều kiện thuận lợi.

Ông Thanh cho rằng Đà Nẵng nổ phát súng đầu tiên từ chối nhận hệ tại chức cũng bị phản ứng dữ lắm, nhưng sau đó nhiều địa phương làm theo.

“Tôi từng nói chuyện với lãnh đạo Bộ GD-ĐT nếu các anh nói không được phân biệt, hai bằng ĐH là như nhau, sao văn phòng bộ cũng không chấp nhận tuyển tại chức? Anh sản xuất ra sản phẩm kém sao bắt người ta nhận được” - ông Thanh kể.

Theo ông Thanh, các hành động như miễn thủy lợi phí cho nông dân, không thu tiền giữ xe ở bệnh viện, mỗi năm miễn thuế chợ một tháng cho tiểu thương do buôn bán ế ẩm vào tháng giêng được xem là những “chính sách” riêng của Đà Nẵng.

“Tôi khẳng định không phải cứ trước bầu cử là đi hứa hẹn với dân, mà đã nói thật là làm thật. Thành phố đã đối thoại từ cán bộ, báo chí đến xích lô, xe thồ, thiếu niên hư... Chỉ có qua công khai đối thoại mới nói rõ vấn đề được” - ông Thanh nhấn mạnh.

Theo Đoàn Cường

Tuổi trẻ



 

  • Việt Nam tụt hạng về chỉ số trí tuệ
  • 'Tham nhũng ở Việt Nam vừa tinh vi vừa trắng trợn'
  • Có quản nổi lương ở tập đoàn nhà nước?
  • Mỗi người Việt Nam hiện đang gánh số nợ công gần 760 USD
  • Người dân nặng gánh thuế, phí cao chót vót
  • Mỗi người Việt Nam 'gánh' bao nhiêu nợ công?
  • Lo Việt Nam “hạ cánh cứng”
  • Cả nước có 63 nền kinh tế!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi