Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Tham nhũng ở Việt Nam vừa tinh vi vừa trắng trợn'

Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng. Năm 2011 có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn là những nước có điểm số thấp và đứng ở phía cuối bảng xếp hạng.

Tại Hội thảo "Vai trò của Quốc hội trong phòng chống tham nhũng" do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Lê Văn Lân có bài tham luận. Bài viết được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, VnExpress xin trích giới thiệu:

Ở Việt Nam cũng như các nước khác, việc đánh giá chính xác về tình hình tham nhũng diễn ra trong thực tế là rất khó khăn, vì tham nhũng cũng giống như một tảng băng trên biển, chỉ có thể nhận biết được phần nổi qua những vụ việc đã được phát hiện, xử lý. Thông qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng trong những năm qua và căn cứ việc đánh giá của các cơ quan chức năng, Đảng và Nhà nước đã khẳng định tình hình tham nhũng ở Việt Nam là nghiêm trọng.

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tham nhũng chủ yếu diễn ra trong việc quy hoạch; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị; giao đất, cho thuê đất; định giá đất khi thu hồi, đền bù; cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản… Một số người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giao đất không đúng thẩm quyền; lập hồ sơ khống hoặc khai tăng diện tích đất khi đền bù. Điển hình là vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại dự án phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì (Hà Nội) thiệt hại ước tính khoảng 14 tỷ đồng; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, gây thiệt hại gần 11 tỷ đồng; vụ tham nhũng về đất đai tại Đồ Sơn và tại Quán Nam, thành phố Hải Phòng...

Dư luận cho rằng việc cấp đất cho các dự án đều có hiện tượng bôi trơn cho những người có thẩm quyền (vụ Công ty Phát triển nhà tỉnh Bạc Liêu; vụ Nguyễn Văn Khỏe, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, TP HCM nhận hối lộ để cấp đất sai quy định).

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nổi lên tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ trong ngành ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại hoặc cán bộ trong ngành ngân hàng tiếp tay, móc nối với người bên ngoài thông qua các hoạt động cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, đầu tư tài chính, ủy thác cho vay, ủy thác đầu tư… để chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát lớn. Ví dụ như vụ Lê Hoài Phương, cán bộ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh Cầu Giấy (Hà Nội) tham ô 24 tỷ đồng; vụ Phan Văn Tưởng, cán bộ Ngân hàng Techcombank cùng các đồng phạm tham ô trên 10 tỷ đồng; vụ Đoàn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam nhận của khách hàng 5 tỷ đồng, là khoản trích 3-10% trong số tiền mà khách hàng được vay của ngân hàng này; vụ Nguyễn Thị Thùy Vân tham ô hơn 24 tỷ đồng ở Ngân hàng cổ phần Thương mại Sài Gòn; vụ Hoàng Thị Thu Hà, Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Tổng công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thất thoát 19 tỷ đồng; vụ Vũ Việt Hùng, Giám đốc ngân hàng Phát triển chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, nhận 92 tỷ đồng, 100.000 USD và một ôtô BMW của Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân để cho vay không đúng quy định...

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản phần lớn các công trình xây dựng đều xảy ra thất thoát tài sản, chủ yếu do tham ô và cố ý làm trái. Sai phạm xảy ra ở hầu hết các khâu, từ việc lập dự án, thiết kế, dự toán, phê duyệt kế hoạch cấp vốn đến đấu thầu, tư vấn, giám sát, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình. Thủ đoạn chủ yếu là không chấp hành đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; gian lận, thiếu minh bạch trong đấu thầu; khai khống khối lượng và giá trị vật tư, thiết bị; đưa vật liệu kém chất lượng, sai quy cách vào sử dụng; thi công sai quy trình để giảm chi phí...

Điển hình như vụ tham ô, cố ý làm trái và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ban quản lý dự án di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ; vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây, TP HCM nhận hối lộ 260 nghìn USD để xét thầu, nghiệm thu có lợi cho người đưa hối lộ; vụ tham ô xảy ra tại dự án xây dựng cầu Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh...

Trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, thủ đoạn tham nhũng chủ yếu là giấu bớt và định giá trị tài sản, đất đai thấp hơn giá trị thực khi cổ phần hóa hoặc bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp; lập các hợp đồng mua bán, vận chuyển hoặc hóa đơn khống để chiếm đoạt; nâng khống giá hoặc gửi giá khi mua bán tài sản công để trục lợi. Ví như vụ Nguyễn Bi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc và Nguyễn Thanh Huyền, Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng của Công ty Vifon - TP HCM, đã lập chứng từ khống chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng và không thu về cho công ty 59,9 tỷ đồng nhằm chiếm đoạt khi cổ phần hóa công ty này; vụ Trần Văn Khánh, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp tham ô, cố ý làm trái, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng; vụ Công ty xăng dầu Hàng không khai khống tỷ lệ dầu hao hụt nhằm chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng; vụ Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn nâng khống giá thiết bị lặn từ 100 triệu lên 130 tỷ đồng...

Trong công tác cán bộ, dư luận về tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy công chức” vẫn còn nặng nề, nhưng trong thực tế chưa phát hiện, xử lý được trường hợp nào. Dư luận nói nhiều đến hiện tượng một số cán bộ tiến thân bằng con đường chạy chọt, nịnh bợ cấp trên (tìm hiểu sở thích, nhu cầu cá nhân của cấp trên và gia đình họ để tìm cách đáp ứng; sẵn sàng biếu cấp trên những món quà có giá trị lớn như nhà ở, đất ở, cổ phần trong các dự án, công ty...).

Nhiều người nói rằng, hiện nay mọi thứ đều “có giá”, từ việc tuyển dụng, phân công công việc đến bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Báo chí đã đưa tin về 2 trường hợp cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh nhận quà, nộp lại quà và sử dụng quà tặng không đúng quy định, là ông Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau và ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng (trước đây).

Trong lĩnh vực tư pháp, hành vi tham nhũng chủ yếu là cán bộ tư pháp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ nhằm bỏ lọt hoặc giảm nhẹ tội phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ví như vụ Vũ Văn Lương, thẩm phán quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận hối lộ 70 triệu đồng trong vụ tranh chấp 2,7 m2 công trình phụ; Hà Công Tuấn, thẩm phán TAND tỉnh Quảng Ninh bị bắt quả tang nhận hối lộ 200 triệu đồng nhằm xử nhẹ tội cho bị cáo…

Ngoài những lĩnh vực trên, tình trạng nhũng nhiễu còn khá phổ biến trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và công chức nhà nước với người dân và doanh nghiệp, giữa nhân viên các cơ sở dịch vụ công với khách hàng, như: cảnh sát giao thông, cán bộ thuế, các cơ quan cấp phép, cơ sở khám, chữa bệnh, các trường học… gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng. Năm 2011 có những tiến bộ nhất định nhưng Việt Nam vẫn là những nước có điểm số thấp và vẫn đứng ở phía cuối bảng xếp hạng. Theo TI, ở châu Á, tình hình tham nhũng ở Việt Nam nghiêm trọng hơn so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... nhưng ít nghiêm trọng hơn Mông Cổ, Philippines, Lào, Nepal, Campuchia, Myanmar.

Theo Lê Văn Lân

VnExpress

  • Có quản nổi lương ở tập đoàn nhà nước?
  • Mỗi người Việt Nam hiện đang gánh số nợ công gần 760 USD
  • Người dân nặng gánh thuế, phí cao chót vót
  • Mỗi người Việt Nam 'gánh' bao nhiêu nợ công?
  • Lo Việt Nam “hạ cánh cứng”
  • Cả nước có 63 nền kinh tế!
  • Rớt 10 bậc, Việt Nam đứng thứ 75 về năng lực cạnh tranh toàn cầu
  • Các điều kiện hoạt động sản xuất tại Việt Nam tiếp tục giảm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi