Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bội chi ngân sách: Vì sao tăng mà vẫn... giảm?

picture
Vì sao bội chi tăng về mặt giá trị tuyệt đối, nhưng lại giảm trong giá trị tương đối với GDP, khi mà tăng trưởng năm nay hụt hơi so với năm trước?

Về mặt con số, bội chi ngân sách năm 2011 được công bố chính thức bằng 4,9% GDP, đã giảm rất nhiều so với mức 5,8% của năm trước, cũng thấp hơn mức 5,3% dự kiến cho năm nay. Phải chăng, chính sách tài khóa đã không “thờ ơ” với Nghị quyết 11?

Ở góc nhìn đó, con số tăng trưởng GDP 5,9% được công bố tại hội nghị Chính phủ mở rộng hôm 22/12 vừa qua cũng có thêm lý do để giải thích, rằng vì giảm chi, với hàm ý là có đóng góp từ giảm đầu tư công, nên tăng trưởng có kém đi!

Nhưng cũng từ thực tế các con số, được đặt trong tương quan cùng mức so sánh, đã xuất hiện nhiều điểm cần được nhìn nhận thấu đáo hơn, nhất là với chỉ tiêu thuộc số ít đạt kế hoạch trong năm nay - bội chi so với GDP.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp tại hội nghị Chính phủ mở rộng, ước cả năm 2011, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 674,5 nghìn tỷ đồng và tổng chi đạt 796 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, tạm tính bội chi ngân sách thực tế năm nay là 121,5 nghìn tỷ đồng, tức là cao hơn mức dự toán của năm nay, theo Bộ Tài chính là 120,6 nghìn tỷ đồng.

Một câu hỏi đặt ra từ con số kể trên là vì sao bội chi tăng về mặt giá trị tuyệt đối, nhưng lại giảm trong giá trị tương đối với GDP, khi mà tăng trưởng năm nay hụt hơi so với năm trước?

Lý do là vì, tăng trưởng giá trị gia tăng dù thấp xuống, nhưng GDP theo giá thực tế, có tính cả tác động từ lạm phát, đã tăng khoảng 24-25% so với năm trước, đạt xấp xỉ mức 2,5 triệu tỷ đồng.

Do mẫu số tăng “chóng mặt”, nên dù tử số có tăng chút ít thì kết quả vẫn thấp. Đây là lý do chính khiến bội chi ngân sách so với GDP năm nay giảm.

Nhưng đó chưa phải là vấn đề đáng quan tâm nhất. Trong năm Chính phủ chỉ “ngắm” một mục tiêu ổn định vĩ mô, giải pháp giảm chi dường như không thấy xuất hiện ở dữ liệu ngân sách nhà nước được công bố.

Con số tổng chi 796 nghìn tỷ đồng ước tính cho cả năm nay, so ra đã cao hơn khoảng 9,7% so với dự toán năm, theo Bộ Tài chính là 725,6 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm cả phần chi trả nợ gốc); còn so với thực hiện năm 2010, con số trên cao hơn gần 24% (so với 642,2 nghìn tỷ đồng).

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ các con số này, việc giảm chi thường xuyên 10% có tác động thế nào đến con số trên? Chi đầu tư từ ngân sách thực tế là bao nhiêu và có giảm về mặt con số so với dự toán? Nhiều lần tiếp cận với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng ở điểm này câu trả lời vẫn “tắc”.

Hay một khác, các cơ quan chức năng gần đây đều “đánh đồng” cắt giảm đầu tư với điều chuyển vốn, không làm rõ thực chất đầu tư, chi tiêu công giảm cụ thể bao nhiêu cho đúng với chính sách giảm tổng cầu.

“Tổng số vốn cắt giảm, điều chuyển là 81.500 tỷ đồng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong báo cáo tại cuộc họp Chính phủ mở rộng. Nhưng cũng bộ này thông tin thêm, số vốn cắt giảm nêu trên được điều chuyển cho các dự án hoàn thành, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ...

Một lưu ý khác là chi ngân sách tăng rất mạnh nhưng đã được hỗ trợ giảm nhẹ tác động lên bội chi nhờ thu có một năm đạt kết quả ấn tượng.

Con số công bố 674,5 nghìn tỷ đồng, so ra đã tăng khoảng 8,2% so với dự toán năm, bao gồm cả thu chuyển nguồn, nếu không tính thu chuyển nguồn như quy định cho năm nay thì mức tăng tương ứng là 13,4%. So với thực hiện năm 2010, con số nêu trên tăng tới 27,5% (so với 529,1 nghìn tỷ đồng).

Mức tăng thu trong năm nền kinh tế khó khăn như vậy là khá cao. Dự tính, tổng thu ngân sách năm nay đã vào khoảng 26-27% GDP theo giá thực tế.

Tất nhiên, thu từ dầu thô, từ xuất nhập khẩu, thu tiền sử dụng đất trong năm nay là rất cao, nhưng không có nghĩa doanh nghiệp và người dân được “khoan sức” như chủ trương của ngành thuế.

Theo dữ liệu từ cơ quan thuế, tổng thu nội địa không kể tiền sử dụng đất năm 2011 ước đạt 381,5 nghìn tỷ đồng, bằng 108,4% dự toán pháp lệnh và tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2010.

Đáng chú ý là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 111,3% dự toán và tăng 24,8% so cùng kỳ; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 110,6% dự toán, tăng 26,7%; thuế thu nhập cá nhân đạt 128,6% dự toán, tăng 41,4%...

Và, thu ngân sách tăng cao nhưng được đưa hết vào chi mà không sử dụng để giảm bội chi. Nhìn ở góc độ này, con số 4,9% GDP của bội chi ngân sách mới thể hiện đúng giá trị mà nó đem lại cho sự ổn định của nền kinh tế.

(Theo Vneconomy)

  • Kinh tế Việt Nam: Trễ pha với thế giới
  • Những câu hỏi đặt ra từ mức lạm phát cả năm
  • Chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2011 là 18,12%
  • Lạm phát mục tiêu và khả năng áp dụng tại Việt Nam
  • Hai phương án mới cho lương công chức
  • Trung Quốc và Việt Nam: Những tương đồng từ bất ổn
  • 'Sóng' ngày càng dữ: Sức ép dồn lên tái cấu trúc
  • Môi trường kinh doanh tại Việt Nam bị xói mòn?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi