Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam bị xói mòn?

VN cần những chính sách đáng tin cậy và ổn định lâu dài thay vì những biện pháp tạm thời, cứng nhắc, ngắn hạn, có khả năng xói mòn niềm tin vào môi trường kinh doanh tại VN.

 

 

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) 2011 do Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp tổ chức ở Hà Nội.

Theo ông Alain Cany, sự lạc quan của các DN châu Âu đối với môi trường kinh doanh tại VN đã có sự suy giảm nhất định. Nguyên nhân do tỷ lệ lạm phát cao và những quan ngại về triển vọng của đồng tiền VN. Bên cạnh đó là sự không chắc chắn về những chính sách và hành động kinh tế tương lai của VN.

EuroCham đã ra mắt Sách Trắng 2012 đề cập những vấn đề ảnh hưởng tới việc kinh doanh của khoảng 800 doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo đó, Chỉ số Môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) đã giảm từ 78 xuống còn 52 điểm, thể hiện sự sụt giảm lòng tin. Cùng với sự sụt giảm 28% của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 9 tháng đầu năm 2011 và tỷ lệ lạm phát cao, các doanh nghiệp châu Âu còn quan ngại về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Điều này không chỉ là do bất ổn kinh tế vĩ mô, mà còn xuất phát từ những hạn chế đối với thương mại.

Đồng thời, Việt Nam đã tụt 8 bậc trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2012 của Ngân hàng Thế giới (WB), xếp vị trí thứ 98 trong tổng số 183 nền kinh tế. Theo báo cáo này, xếp hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam bị giảm trong năm nay do hệ thống điện chưa mấy cải thiện và tốc độ cải cách hành chính còn chậm. Xét về tổng thể, Việt Nam chỉ cải thiện được 3 trong số 10 lĩnh vực được đánh giá, bao gồm: cấp phép xây dựng, bảo vệ nhà đầu tư và thực thi hợp đồng. Những lĩnh vực kém đi là: khởi sự doanh nghiệp (giấy phép), đăng ký tài sản, trả thuế và thu giữ tín dụng.

Theo Sách Trắng 2012, nguyên nhân của sụt giảm lòng tin này là một sự kết hợp của tiến trình thay đổi chậm chạp trong nhiều vấn đề được đề cập trong Sách Trắng năm 2011, kết hợp với một số vấn đề mới làm suy giảm lòng tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Tỷ lệ lạm phát cao kèm theo khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, một loạt vấn đề mới liên quan đến tiếp cận thị trường ảnh hưởng đáng kể đến việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đã tiếp tục ảnh hưởng đến suy nghĩ của châu Âu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Điều này đặc biệt đúng với Thông báo số 197/TB-BCT ban hành ngày 6/5/2011 về thủ tục nhập khẩu rượu, mỹ phẩm và điện thoại di động vào Việt Nam và yêu cầu về việc cấp phép nhập khẩu tự động vẫn diễn ra theo Thông tư 24/2010/TT-BCT.

EuroCham cho rằng, khả năng để Việt Nam duy trì sức cạnh tranh và giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong thời gian dài phụ thuộc vào việc Chính phủ Việt Nam nỗ lực điều hành trong một số lĩnh vực trọng yếu.

Thứ nhất, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà đầu tư.

Thứ ba, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thực thi hiệu quả các trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và đảm bảo nguồn cung năng lượng đáng tin cậy.

Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng lực lượng lao động thông qua việc khuyến khích giáo dục cấp cao hơn và đào tạo nghề.

Thứ sáu, quyết liệt chống tham nhũng, thói quan liêu, tiếp tục giảm và đơn giản hoá thủ tục hành chính tại tất cả các cấp.

Đại diện của EuroCham tin tưởng VN có khả năng duy trì cạnh tranh và tăng trưởng bền vững trong một thời gian dài. Tuy nhiên khả năng này phụ thuộc vào việc VN có hành động trong những lĩnh vực chủ chốt hay không. Cụ thể là việc hoàn thiện khuôn khổ quy định cho đầu tư (đảm bảo việc cấp phép cho các dự án đầu tư đúng hạn và trong thời gian xác định), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao cơ sở hạ tầng (CSHT) và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định. Bên cạnh đó là việc nâng cao chất lượng nguồn lao động và giải quyết nạn quan liêu tham nhũng với việc tiếp tục cắt, giảm các thủ tục hành chính phiền hà.

Ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề rất quan trọng để Việt Nam có thể tiếp tục đà tăng trưởng. Cho dù hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 5-6%/năm và đang thu hút vốn đầu tư khá mạnh, nhưng cũng phải thấy rằng, kinh tế toàn cầu vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nguồn vốn đầu tư cũng trở nên khan hiếm hơn.

IFC khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục thực hiện các chương trình cải cách, như Đề án 30 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và các chương trình khác nữa. Tái cơ cấu khu vực ngân hàng là một mục tiêu và cũng là một nguồn lực giúp Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế. Khu vực này được kỳ vọng sẽ phân bổ nguồn lực tốt hơn trong tương lai, hỗ trợ cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đã là quốc gia có thu nhập trung bình và khi đã ở tầm phát triển như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức mới. Chẳng hạn, cơ cấu nguồn vốn sẽ thay đổi, đòi hỏi Việt Nam phải sử dụng hiệu quả hơn. Việt Nam cũng cần nhiều hơn lực lượng lao động có kỹ năng cao, để làm gia tăng giá trị cho sản xuất. Cơ sở hạ tầng cũng vậy, nhu cầu cũng đang tăng lên rất nhanh. Đây là những lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam phải quan tâm trong thời gian tới để có thể tạo nền tảng cho tăng trưởng trong thực tế.


Thanh Hà// Tầm Nhìn

  • 'Sóng' ngày càng dữ: Sức ép dồn lên tái cấu trúc
  • 5 năm vào WTO: “Doanh nghiệp thủ đô thụ động”
  • TS. Nguyễn Minh Phong: Điểm mặt những cú sốc kinh tế năm 2011
  • TS. Alan Phan: Cơ hội đột phá của kinh tế Việt Nam
  • Mức sống của người nông dân ngày càng giảm
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Góc nhìn của chuyên gia
  • DNNN: Chỗ ngon thì cố giữ
  • Thưởng Tết Nhâm Thìn sẽ giảm mạnh?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi