Báo cáo không phân tích điểm mạnh yếu, đánh giá hay khuyến nghị để các tỉnh, thành rút kinh nghiệm vì... không có kinh phí.
Với báo cáo dài 124 trang, trình bày rất bắt mắt, Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương 2010 đã được Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế công bố vào chiều 25-3.
TS Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, cho biết mục đích của báo cáo này là: Xây dựng công cụ đo lường năng lực hội nhập của các địa phương, không nhằm mục tiêu xếp hạng, không phải để các địa phương ganh đua nhau mà để họ có thể nhìn thấy mình đang ở đâu trên con đường hội nhập.
Đây là lần đầu tiên chỉ số hội nhập được nghiên cứu và công bố. Tuy nhiên, báo cáo này vẫn còn nhiều nội dung chưa như mong đợi của các nhà kinh tế.
Thiếu khuyến nghị vì hết tiền
TS Minh Anh cho biết chỉ số này được đánh giá dựa trên tám trụ cột: thể chế, cơ sở hạ tầng, văn hóa, đặc điểm tự nhiên, đầu tư, du lịch, thương mại và con người. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu tại 50 tỉnh, thành, đồng thời thực hiện điều tra khảo sát ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Nhóm nghiên cứu căn cứ vào định chế pháp lý, các cam kết gia nhập, các mô hình nước ngoài đã thực hiện kết hợp với việc khái quát tình hình thực tiễn Việt Nam để tiến hành điều tra.
Do không xếp hạng năng lực hội nhập của các tỉnh, thành như chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành), báo cáo chia các địa phương vào bốn nhóm: có năng lực hội nhập kém, hội nhập trung bình, hội nhập khá cao và hội nhập tốt. Ngoài ra, ở mỗi trụ cột, nhóm nghiên cứu cũng chia các tỉnh, thành theo bốn nhóm tương tự và kèm theo đó là số liệu minh họa cùng với biểu đồ, thang điểm của từng địa phương. Mặc dù ở mỗi trụ cột đều có phân tích, đánh giá nhưng chỉ dừng ở mức độ chung chung.
Nhận xét về báo cáo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng báo cáo này còn nặng về học thuật, nghiên cứu hơn là công bố một chỉ số mang tính thực tiễn. Đặc biệt, phần giải trình, kết luận để chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương như thế nào và cần những khuyến nghị gì để các địa phương có thể rút kinh nghiệm, hoàn thiện chính sách hội nhập tốt hơn đúng như mục tiêu “để các địa phương nhìn thấy mình” thì lại không có.
Giải thích về sự “không đầy đủ” của báo cáo, TS Minh Anh cho biết đây là một chương trình trong dự án nâng cao năng lực quản lý và điều phối hội nhập kinh tế quốc tế. Theo dự án đã được phê duyệt, hoạt động xây dựng chỉ số hội nhập có hai phần. Một là xây dựng mô hình và hệ thống chỉ số đánh giá năng lực hội nhập kinh tế cấp địa phương. Hai là điều tra, khảo sát, thu nhập dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu và đánh giá xếp hạng năng lực hội nhập. “Nhưng vì kinh phí không đủ nên chúng tôi chỉ mới thực hiện báo cáo mà chưa có phần đánh giá, giải trình và các khuyến nghị cần thiết. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện phần này” - Tiến sĩ Minh Anh nói. Ông cũng cho rằng thật sai lầm nếu cứ quan tâm đến thứ hạng khi nói về chỉ số năng lực hội nhập.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, trưởng nhóm nghiên cứu, chỉ số này hoàn toàn khác biệt với chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Chỉ số năng lực hội nhập là một phương tiện giúp cho việc đánh giá hiệu quả hội nhập của địa phương, còn nội hàm PCI là năng lực điều hành của địa phương.
Hội nhập là phải cạnh tranh
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế không đồng tình với việc xem nhẹ tính cạnh tranh trong chỉ số năng lực hội nhập. “Tôi không đồng tình với quan điểm chỉ số này khác hoàn toàn PCI và không kế thừa gì từ PCI. Vấn đề hội nhập liên quan rất lớn đến năng lực cạnh tranh. Nếu xác định năng lực hội nhập không có sự cạnh tranh là sai về phương pháp” - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nói.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng phản đối: “Tại sao trên thế giới những chỉ số xếp hạng có giá trị rất ghê gớm. Yếu kém như thế nào là việc của địa phương, còn việc xếp hạng là phải khách quan. Thứ hạng sẽ cho mọi người thấy những điểm mạnh yếu, nhất là xét trên quan điểm của các nhà đầu tư thì phải có sự cạnh tranh”. Theo ông Thiên, năng lực thể chế là rất quan trọng và đáng tin cậy. “Chưa chắc cơ sở hạ tầng tốt đã bằng tính đồng bộ của hạ tầng. Mà tính đồng bộ ở đây là từ thể chế mà ra. Thực tiễn cho thấy 15 khu kinh tế Việt Nam chưa thành công đều do thể chế cả. Địa phương nào có thể chế tốt thì chắc chắn địa phương ấy hội nhập tốt”.
Các chuyên gia cũng cho rằng để chỉ số hội nhập có chất lượng và chính xác hơn, cần bám sát những vấn đề then chốt trong hội nhập. Đó là những chỉ số liên quan đến năng lực cạnh tranh như nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới công nghệ. Những vấn đề này chỉ số hội nhập có thể kế thừa từ chỉ số PCI.
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com