Có được chính sách đúng đã khó, nhưng thực thi có hiệu quả chính sách đã được đề ra càng khó hơn. Thực tế cho thấy, những yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện đã khiến cho nhiều chính sách đúng mà Chính phủ đề ra chậm hoặc kém phát huy hiệu quả.
Có thể kể rất nhiều những ví dụ để thấy rằng, khoảng cách giữa chính sách và thực thi chính sách còn quá xa. Các biểu hiện lệch lạc trong thực thi các chính sách như hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân, hỗ trợ người nghèo ăn Tết... trong thời gian gần đây là những minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này. Vì thực thi kém hiệu quả, mà hàng tỷ đồng hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân không đến được đúng đối tượng.
Tương tự như vậy, chuyện ăn chặn tiền hỗ trợ người dân ăn Tết đã xảy ra ở một số địa phương. Một chính sách đúng đắn, nếu không được thực thi một cách hiệu quả sẽ không đạt được mục tiêu và làm mất đi ý nghĩa của nó.
Kích cầu nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế là một chính sách lớn và đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, làm thế nào để gói kích cầu này đến đúng đối tượng cũng đang là một vấn đề cần quan tâm. Nông dân không tiếp cận được vốn vay. Doanh nghiệp nhỏ cũng khó đến được với ngân hàng. Tất nhiên, không thể không loại trừ sự thụ động của những đối tượng này, cũng như không thể không tính đến sự chưa rõ ràng của một vài quy định trong văn bản pháp quy, song sự nhũng nhiễu, gây khó dễ của cán bộ ngân hàng không phải là không có. Đó là lỗi của người thực thi, không phải từ chính sách.
Ở đây, không thể không nhắc tới sự yếu kém của bộ máy quản lý cấp cơ sở, nhất là huyện, xã, cùng với sự buông lỏng công tác quản lý, giám sát. Vì buông lỏng quản lý, giám sát, nên những lỗi đã từng mắc ở nhiều năm trước đây vẫn tiếp tục xảy ra trong hiện tại.
Bởi vậy, để một chính sách đúng đắn phát huy hiệu quả, đòi hỏi phải đặc biệt quan tâm khâu triển khai thực hiện, tăng cường công tác quản lý, giám sát một cách chặt chẽ hơn. Không chỉ là giám sát của các cơ quan nhà nước, mà còn là sự giám sát của cộng đồng. Một chuyên gia kinh tế đã từng nêu kinh nghiệm rằng, ở những dự án kiểu như Dự án xóa đói giảm nghèo 135, có sự giám sát của cộng đồng những người được hưởng lợi, thì hiệu quả lớn hơn nhiều, ít có thất thoát, lãng phí. Có cơ chế rõ ràng và có sự giám sát của xã hội, đồng vốn sẽ đến được đúng đối tượng, đúng mục đích và tạo hiệu ứng tốt tới nền kinh tế.
Nền kinh tế đang còn nhiều thách thức, khó khăn ở phía trước. Sắp tới, còn rất nhiều chính sách nữa được triển khai, như hỗ trợ 61 huyện nghèo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân nông thôn, rồi xây dựng nhà ở xã hội, kích cầu đầu tư và tiêu dùng... Ở tầm vĩ mô, các chính sách điều hành tài chính - tiền tệ, đề phòng tái lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế... cũng sẽ tiếp tục được thực hiện. Do vậy, yêu cầu thực thi chính sách một cách hiệu quả, đúng hướng càng cần phải được đặt lên hàng đầu.
Trong câu chuyện thực thi chính sách, còn một yếu tố rất quan trọng khác, đó là phải đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của cải cách hành chính, nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất cán bộ các cấp.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com