"Muốn thị trường phải có cạnh tranh, muốn cạnh tranh, phải xoá độc quyền…”, một chuỗi điều kiện tiền đề cho một ước muốn đơn giản: “thị trường hoá giá xăng dầu”.
Ngày 29.7 vừa qua, liên bộ Công thương, Tài chính đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung nghị định 55/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
![]() |
Tâm điểm thảo luận vẫn là cơ chế điều hành giá xăng dầu. Việt Nam đã bước đầu thực hiện cơ chế giá thị trường đối với xăng dầu. Nhưng trên thực tế, Nhà nước vẫn can thiệp rất nhiều. Phương án do bộ Công thương đưa ra, sẽ chỉ có một giá bán lẻ, và người tiêu dùng khó có thể nhìn thấy sự cạnh tranh nằm ở đâu khi thị trường chỉ có một giá.
Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, cục trưởng cục Quản lý giá, chưa thể áp dụng cơ chế giá để thị trường lên xuống giá hàng ngày như các nước. Phía bộ Tài chính đã đưa ra các phương án, mà ở đó, đều cố gắng xác định, Nhà nước can thiệp tới đâu, mức nào. Để từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động tính toán cạnh tranh trong khuôn khổ cho phép. Trong đó, các phương án đưa ra đều nhấn mạnh: can thiệp trong trường hợp giá bất thường. Và doanh nghiệp có thể linh động trong khuôn khổ các nguyên tắc thống nhất.
Phương án của bộ Tài chính, có vẻ như thị trường sẽ có nhiều giá bán lẻ khác nhau, và người tiêu dùng có thể nhìn thấy sự cạnh tranh. Phía bộ Tài chính cũng đưa ra công thức tính giá bán lẻ xăng dầu, trong đó có chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức áp dụng theo mức khoán do Nhà nước hướng dẫn.
Có thể thấy sự can thiệp của Nhà nước đang được hoạch định lại, và việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến là một việc cụ thể, trong nỗ lực từng bước chuyển kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, vấn đề vẫn là làm thế nào để thực sự có cạnh tranh. Việc xác định công thức giá bán lẻ xăng dầu, mà ở đó, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức được áp dụng theo mức khoán do Nhà nước hướng dẫn, có thể sẽ có lợi cho những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả theo kiểu “cứ đảm bảo định mức là ổn”, phần còn lại Nhà nước – thông qua quỹ bình ổn giá sẽ bù. Doanh nghiệp có chi phí thấp, thì cũng “không dại gì” khai, vì như thế, về lâu dài có thể sẽ không được bù lỗ, vì việc Nhà nước xây dựng chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức cũng phải dựa trên một mặt bằng chung của nhiều doanh nghiệp. Và các doanh nghiệp cứ nhìn nhau, tìm cách hạch toán để giữ giá cao.
Ngoài ra, do một thời gian dài Nhà nước độc quyền kinh doanh xăng dầu, đã tạo thành những doanh nghiệp rất lớn, đủ sức chi phối thị trường. Và nay, khi từng bước chuyển sang cơ chế thị trường, những doanh nghiệp lớn của Nhà nước này trở thành những đơn vị giữ thị phần chi phối, như Petrolimex hiện chiếm tới 60% thị phần. Và họ trở thành những đơn vị chi phối giá.
Để thực sự có cạnh tranh, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích, cần xoá độc quyền. Các đơn vị kinh doanh nhập khẩu xăng dầu vẫn nằm trong tay Nhà nước, nên cách đơn giản nhất để xoá độc quyền là Nhà nước có thể thực hiện việc chia tách, sáp nhập để hình thành các đơn vị có thể cạnh tranh với nhau trong hoạt động kinh doanh… Có cạnh tranh, thì giá cả mới vận hành theo cơ chế thị trường.
( Theo Kim Văn // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com