Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đập thủy điện trên sông Mêkông: Không còn là nguy cơ

Năm nay, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như không còn thấy lũ, mùa nước nổi dòng Mêkông hàng năm đem lại tôm cá, rửa mặn và phù sa cho những cánh đồng... Vào mùa mà người dân thường đánh bắt cá, chờ cho các cánh đồng thấm đẫm phù sa chuẩn bị cho vụ lúa tiếp theo, nay nhiều người dân không có việc làm, càng túng thiếu hơn. Những câu chuyện này, phải về vùng ĐBSCL mới thấm thía. Những đập thủy điện dọc sông Mêkông không còn là nguy cơ, mà đang gây tác hại thực sự.

Câu chuyện về những đập thủy điện của các nước dọc sông Mêkông và ảnh hưởng của nó tới môi trường sống của hàng triệu người dân, trong đó có người dân vùng ĐBSCL, không còn mới nữa. Thế nhưng năm 2010, khi tình trạng thiếu nước của sông Mêkông lên tới mức báo động, thì nhiều quốc gia tiểu vùng sông Mêkông đã phải lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng của những con đập dọc sông. Hạn hán là một lý do, nhưng bên cạnh đó, không thể chối cãi được, việc xây dựng quá nhiều con đập từ thượng nguồn đến hạ nguồn của dòng sông góp một phần lớn vào tình trạng này. Gần như tất cả các quốc gia dọc sông đều có trách nhiệm với những thay đổi về môi trường của khu vực Mêkông.

Theo International Rivers, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu bảo vệ các con sông, chỉ riêng phần thượng nguồn của sông Mêkông ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã và đang xây dựng tám đập thủy điện lớn. Các nhà khoa học cho rằng những con đập khổng lồ được xây dựng ở thượng nguồn là nguyên nhân gây ra những xáo trộn về nguồn nước và đời sống sinh thái của vùng hạ lưu đang xảy ra hiện nay. Myanmar cũng đang xem xét một dự án thủy điện lớn trên dòng. Tại Lào, có khoảng 30 dự án đập thủy điện ở các con sông nhánh và bốn dự án đập ở sông chính, trong đó có các dự án thủy điện của Điện lực Việt Nam. Thái Lan có khoảng 15 dự án đập thủy điện và Campuchia cũng đang tính chuyện xây đập. Ngay tại Việt Nam, nhiều dự án thủy điện được xây dựng trên những sông nhánh của dòng Mêkông, như Sê San, Yali… Tính tổng cộng, có 11 dự án đập thủy điện đang được xem xét trên dòng chính sông Mêkông ở ba nước Thái Lan, Lào và Campuchia.

Tại một cuộc hội thảo tổ chức ở Cần Thơ hồi tháng 2 năm nay, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng những dự án này sẽ ảnh hưởng rất xấu tới khu vực ĐBSCL, là vựa lúa chiếm 50% sản lượng lúa của cả nước, 75% sản lượng cá và 70% sản lượng trái cây. Sự thay đổi về lượng nước và chất lượng nước làm giảm sút nguồn cá cũng như nguồn dinh dưỡng phù sa mà dòng Mêkông đem lại. Cùng với ảnh hưởng của tình trạng mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, gây ngập mặn, ĐBSCL đang trở thành một trong những vùng đồng bằng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy về môi trường nhất.

Những nghiên cứu nói trên cho thấy, ĐBSCL đang trở thành nạn nhân của các dự án đập thủy điện của các nước thượng nguồn sông Mêkông, và có thể của cả những dự án thủy điện mà ngành điện lực Việt Nam đang xem xét đầu tư ở Lào, và các nhánh sông Mêkông trên địa phận Việt Nam. Đánh giá về việc này, ông Jonathan Ermes, một chuyên gia về bảo tồn thiên nhiên thuộc tổ chức Bird Life International, cho rằng đây chẳng khác gì với hành động tự hại mình.

Trong khi đó, những tháng qua, Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng. Một trong những nguyên nhân chính, theo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là tình trạng lệ thuộc vào các đập thủy điện. Khoảng 40% sản lượng điện trong nước là từ thủy điện, và các đập thủy điện đều đang cạn nước. Trong thông cáo về tình hình điện chín tháng đầu năm, EVN cho biết: Tổng lượng nước thiếu hụt ở các hồ thủy điện so với trung bình nhiều năm ước đã tương ứng khoảng 5,94 tỉ kWh thủy điện, tương đương giảm hơn 6% so với tổng sản lượng điện cả năm, và giảm 14,9% sản lượng thủy điện.

Phía Trung Quốc, hồi giữa năm nay, đã một mực chối bỏ những cáo buộc rằng hạn hán ở lưu vực sông Mêkông là do các con đập của họ, cho rằng đó là do hạn hán kỷ lục. Dù vì lý do nào đi nữa, việc phụ thuộc quá nhiều vào các đập thủy điện chắc chắn đặt Việt Nam vào một bài toán năng lượng khó giải. Thủy điện, tưởng như là một giải pháp thay thế rất thân thiện với môi trường so với các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, lại gây ra những nguy hại cho môi trường theo cách khác. Sự phụ thuộc vào các đập thủy điện cũng dẫn đến tình trạng thiếu điện khi có những xáo trộn thiên nhiên, mà nhiều khả năng do tác động của con người.

Câu chuyện đập thủy điện cũng như giải pháp thay thế nó chắc chắn sẽ còn được bàn đến nhiều, và là sự lựa chọn khó khăn mà các quốc gia phải đặt lên bàn cân.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Đất hiếm - khó có 'cửa' cho Việt Nam
  • “Chính phủ không nên đi vay về rồi cho vay lại”
  • Công ty cổ phần nông nghiệp
  • Nên để “cửa” cho tàu điện một ray
  • Thủ tướng: “Nhất quán giữ vững an ninh và chủ quyền lãnh thổ”
  • Sao không vì một nền kinh tế xanh?
  • Đề xuất công bố lộ trình khí thải Euro 3 vào năm 2011
  • Phát triển đất nước: Việt Nam học được gì từ Hàn Quốc?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi