Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Để tái cấu trúc nền kinh tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án "Tái cấu trúc nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế thế giới suy giảm" và đề xuất các giải pháp nhằm tái cấu trúc nền kinh tế

Bao gồm cả tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản phẩm ngành nghề, sắp xếp và cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước… Theo kế hoạch, ngay trong tháng 3/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ đề án quan trọng này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, TS. Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định rằng, đúng là Việt Nam đang có cơ hội cực kỳ quan trọng để tái cấu trúc nền kinh tế. Theo ông, khi khủng hoảng, chúng ta sẽ biết được điểm yếu, biết được "bệnh" của nền kinh tế, để từ đó có biện pháp "xoay chuyển cuộc chơi thị trường".

Và không chỉ riêng Việt Nam, mà trên thế giới, sau mỗi lần khủng hoảng kiểu 100 năm mới có một lần, thì "trò chơi thị trường" sẽ thay đổi rất nhiều. "Không đơn giản khi một loạt hệ thống sụp đổ. Thế giới cũng tự phát hiện ra điểm yếu của thị trường, phát hiện ra sản phẩm nào, mặt hàng nào, công nghệ nào không còn phù hợp nữa. Mỗi lần khủng hoảng, thế giới sẽ cho ra hướng công nghệ mới, dòng sản phẩm mới. Việt Nam cũng phải nhìn theo đấy để đánh giá lại nhu cầu của thị trường", ông Thiên nói.

Đồng quan điểm này, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cũng khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay trên thế giới có rất nhiều yếu tố tác động, trong đó có việc cơ cấu sản xuất, tiêu dùng dư thừa và không còn thích hợp. "Phải tính toán được cơ cấu tiêu dùng sẽ thay đổi thế nào sau khi thế giới ra khỏi khủng hoảng, để tránh tình trạng 'đâm vào bụi rậm', nhảy vào những lĩnh vực mà nhu cầu của thế giới không còn nhiều nữa", ông Doanh bày tỏ quan điểm.

Cũng theo ông Doanh, việc đánh giá lại nhu cầu thị trường thế giới để tái cấu trúc cơ cấu sản xuất cần được đặc biệt quan tâm, bởi lẽ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bằng tới 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). "Chúng ta xuất khẩu tới 95% sản lượng cà phê, 90% sản lượng hồ tiêu. Không thể nói quay về với thị trường nội địa là phải tiêu dùng hết cà phê, hồ tiêu. Điều đó là không hiện thực. Vì thế, phải tính toán nhu cầu cụ thể thế nào để tránh tình trạng ồ ạt trồng rồi lại chặt, vừa tốn kém, vừa gây thiệt hại không đáng có", ông Doanh nói.

Không chỉ là tái cấu trúc cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành, theo ông Thiên, cũng phải tính tới việc tái cấu trúc lại thể chế, chính sách. Bình luận về vấn đề này, ông Thiên cho rằng, thị trường sẽ đóng vai trò quyết định đối với việc tái cơ cấu ngành nghề sản xuất, nhưng Chính phủ cũng phải có những nghiên cứu để đưa ra các định hướng chiến lược.

"Thị trường sẽ tự thân điều chỉnh, nhưng Chính phủ phải tìm cách để thị trường phát triển đồng điệu, nhịp nhàng hơn. Trong khi đó, về thể chế, Chính phủ phải đóng vai trò quyết định. Tái cấu trúc thể chế phải được hiểu là hệ thống thể chế phải chuẩn mực hơn, được điều chỉnh bằng luật là chính, chứ không phải bằng nghị định. Ví dụ, muốn thành lập mới ngân hàng thì cần bao nhiêu vốn và bao nhiêu điều kiện kèm theo nữa.

Tất cả phải được luật hóa", ông Thiên nói và cho rằng, đã gọi là tái cấu trúc nền kinh tế, thì phải cấu trúc lại toàn bộ, chứ không riêng một lĩnh vực nào. Và rằng, tái cấu trúc nền kinh tế không phải là một bài toán ngắn hạn, mà phải được dựa trên những luận cứ cơ bản: thực lực của nền kinh tế trong thời điểm hiện nay và thế giới sẽ có những thay đổi.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng thuận từ phía ông Doanh, khi ông này cho rằng, tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề rất quan trọng, cần đưa ra thảo luận, bàn bạc công khai với các chuyên gia trong và ngoài nước. Không chỉ cần tái cấu trúc cơ cấu sản xuất, mà việc đổi mới thể chế cũng rất quan trọng.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang gấp rút chuẩn bị Đề án và giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc đánh giá, phân loại doanh nghiệp theo chủ sở hữu, theo mức độ đóng góp vào nền kinh tế, theo mức độ cạnh tranh, cũng như cơ chế tự đào thải của doanh nghiệp, sản phẩm. Bên cạnh đó, cần cân nhắc đề xuất cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài trong tổng thể vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn tới…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương và các nhà khoa học trong cả nước để đưa ra phương án tối ưu và khả thi trong thời gian tới.

( Theo báo Đầu tư )

  • Cần sự hợp lực
  • Triển vọng kinh doanh 2009: Cảm nhận từ một cuộc bình chọn
  • “Quả bóng trong tay doanh nghiệp”
  • 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ kề cận nguy hiểm
  • Ai làm chính sách?
  • Đến năm 2020, vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ đóng góp 6,5-7% GDP cả nước
  • Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn sáng sủa
  • Kích cầu để ngăn chặn suy thoái- Tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi