Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm nay bộc lộ 4 điểm cần được xem xét và phân tích.
![]() Trong tháng 6 đầu năm nay, giá của nhóm hàng lương thực chỉ tăng 0.5% - Ảnh: Đức Thanh |
Quốc hội đã quyết định điều chỉnh mức tăng giá tiêu dùng trong năm nay từ dưới 15% xuống dưới 10% (tức là chỉ còn bằng một nửa tốc độ tăng của năm trước).
Đây là sự điều chỉnh cần thiết, khi mục tiêu hàng đầu hiện nay là ngăn chặn suy giảm kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay cũng được điều chỉnh từ 6,7% xuống còn 5%. Tuy nhiên, việc điều hành và thực hiện cả hai mục tiêu trên đều không dễ dàng, nếu không theo dõi sát sao diễn biến và những yếu tố tác động đến tốc độ tăng GDP và tốc độ tăng giá tiêu dùng, bởi chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Dựa trên các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, có thể nhận thấy 4 điểm đáng lưu ý của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 như sau:.
--Thứ nhất, theo nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, giá nhóm hàng lương thực tăng thấp hoặc giảm, còn giá nhóm hàng ngoài lương thực đã tăng cao hơn. Tháng 6, giá chung tăng 0,55%, nhóm lương thực giảm 1,1%, tính ra các nhóm hàng còn lại tăng 0,8%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, giá chung tăng 2,68%, nhóm hàng lương thực tăng 0,5%, các nhóm hàng còn lại tăng xấp xỉ 3%. Đặc điểm này cho thấy, sản xuất lương thực vụ đông - xuân năm nay được mùa, có thể đạt 18,6 triệu tấn, tăng 322.000 tấn và đã "cứu" giá cho cả nước.
--Thứ hai, trong tháng 6/2009, giá tiêu dùng ở khu vực nông thôn tăng 0,5%, thấp hơn khu vực thành thị (0,62%), còn trong 6 tháng đầu năm con số tương ứng là 2,47% so với 2,94%. Điều này chứng tỏ việc kích cầu ở nông thôn còn chậm hơn ở thành thị.
--Thứ ba, tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 6 không cao, nhưng đã có xu hướng cao hơn các tháng trước (trong 5 tháng đầu năm tăng bình quân một tháng là 0,42%), nếu tính chung 6 tháng mức tăng là 2,68%.
Tuy nhiên, cần quan tâm đến xu hướng khác nhau giữa năm ngoái và năm nay. Năm 2008, giá tiêu dùng tăng cao trong 6 tháng đầu năm (tăng 18,44%), còn 6 tháng cuối năm tăng thấp (1,22%). Năm nay, diễn biến giá tiêu dùng có xu hướng ngược lại: tăng thấp vào đầu năm và có thể sẽ tăng cao hơn trong 6 tháng cuối năm.
Xu hướng khác nhau này do nhiều yếu tố quyết định. Năm ngoái, chính sách tiền tệ, tài khoá chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt; còn năm nay lại chuyển từ thắt chặt sang linh hoạt, đặc biệt các gói cấp bù lãi suất không chỉ làm giảm chi phí vay vốn đối với các DN mà còn kéo một lượng vốn lớn từ các ngân hàng thương mại (đến nay đã lên đến gần 350.000 tỷ đồng).
Năm trước, thương mại trong nước chuyển từ tăng với tốc độ cao (gấp gần 2 lần tốc độ tăng GDP) sang "co lại" với tốc độ tăng thấp và tính chung cả năm tăng 6,5%, cao hơn một chút so với tốc độ tăng GDP và chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của năm 2007. Năm nay, tốc độ tăng (đã loại trừ yếu tố giá) đã cao lên qua các tháng (3 tháng tăng 6,6%, 4 tháng tăng 7,4%, 5 tháng tăng 8,4%, 6 tháng ước tăng trên 8,8%-cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong thời gian tương ứng).
Năm 2008, giá nhập khẩu tăng cao vào đầu năm và giảm nhanh vào cuối năm; năm nay giá nhập khẩu lại thấp vào đầu năm, đang có xu hướng tăng lên vào cuối năm. Đáng lưu ý, giá nhập khẩu cuối năm có thể tăng kép do giá tính bằng USD tăng và do giá USD ở trong nước tăng (bình quân 6 tháng so với cùng kỳ năm trước đã tăng 9,62%).
Một yếu tố cần quan tâm là khi việc cấp bù lãi suất cho vay vốn lưu động 4%/năm hết hạn vào cuối năm nay, thì hoặc là chi phí vay vốn tăng lên nếu giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 7%/năm như hiện nay, hoặc là lãi suất cơ bản hạ xuống để hạ lãi suất trần cho vay.
Thứ tư, theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá tiêu dùng sau một năm (tức là các tháng năm nay so với cùng kỳ năm ngoái còn gọi là mặt bằng giá) của 6 tháng năm nay vẫn tăng 10,27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đó chứng tỏ mặt bằng giá năm nay vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước; nếu các tháng tới đây, giá hàng tháng tăng cao hơn, thì mặt bằng giá sẽ còn tăng với tốc độ cao hơn so với tốc độ tăng trong 6 tháng đầu năm (trong khi năm 2008, mặt bằng giá đã tăng khoảng 23% so với năm 2007).
(Theo Minh Nhung // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com