Dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1 công suất 600 MW do Tập đoàn Điện lực (EVN) đầu tư lẽ ra đã có thể khởi công từ cách đây 6 tháng thay vì đầu tháng 7 vừa qua. Và đây không phải là dự án điện duy nhất chậm tiến độ.
Lý do dự án bị triển khai chậm này là bởi EVN không thu xếp được 15% vốn đối ứng trong tổng mức đầu tư 22.260 tỷ đồng, cho dù 85% vốn vay ODA của Nhật Bản đã xong xuôi thủ tục từ lâu. Nhưng không chỉ có dự án Nghi Sơn 1 mà trong suốt 3 năm qua, EVN cũng không khởi công được dự án nào. Lý do vẫn là không thu xếp được vốn.
Vốn khó vay…
Không chỉ EVN khó thu xếp vốn vay cho các dự án điện mà ngay cả các doanh nghiệp nhà nước khác như Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) hay các dự án lớn của tư nhân như Tập đoàn Tân Tạo cũng gặp khó khăn trong việc triển khai đầu tư các dự án điện.
PVN ngày nào rất dũng cảm đứng ra “xin nhận” 13 dự án điện mà EVN trả lại nhưng giờ đây dù chỉ thực hiện khoảng 1/4 số dự án nói trên, PVN cũng phải rất vất vả thu xếp nguồn vốn để triển khai. Thậm chí, trong lần kêu gọi đầu tư mới đây của PVN tổ chức tại Nhật, mục tiêu tìm vốn cho các dự án điện mà Tập đoàn này đang triển khai cũng được đặt lên hàng đầu, nhưng xem ra chưa có tiến triển.
Thẳng thắn cho rằng thiếu điện là do đầu tư chậm, đầu tư chậm là bởi không có tiền, ông Đậu Đức Khởi - Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, với nhu cầu đầu tư khoảng 33 tỷ USD trong Tổng sơ đồ điện VI, giai đoạn 2006 - 2015 nhưng tới nay EVN - dù đã xoay xỏa đủ cách - cũng mới chỉ được 20 tỷ USD. Các dự án ngoài EVN trong Tổng sơ đồ VI có nhu cầu vốn đầu tư khoảng 50 tỷ USD nữa nhưng cũng chỉ có khoảng 10 tỷ USD đã được thu xếp. “Không ai đi vay 14 - 15%/năm để làm nhà máy điện khi phải mất 4 - 5 năm mới có sản phẩm mà giá hiện tại thì thấp, giá bán tương lai thì chưa đàm phán được nên các dự án điện khó thu xếp được vốn”, ông Khởi nói. Ngay cả kênh đầu tư nước ngoài được xem là một giải pháp gỡ khó về vốn đầu tư cũng chưa thể kỳ vọng nhiều. Trên thực tế, từ năm 1997 tới nay chưa có thêm nhà máy điện nào của các nhà đầu tư nước ngoài. Dự án điện theo hình thức đầu tư BOT của Tập đoàn AES (Mỹ) liên doanh với TKV được cấp phép cách đây 2 tháng hẹn ngày khởi công sau… hơn 1 năm nữa để còn đi thu xếp vốn. Hàng loạt các dự án BOT khác cũng được các nhà đầu tư nước ngoài giành giật để “nhào vô” nhưng đều chưa đi đến chung kết.
Ông Bùi Kiến Thành - chuyên gia kinh tế cho hay, 80 tỷ USD cho ngành điện không phải là khó thu xếp bởi đó là một con số không lớn trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, không có tổ chức tài chính nào sẵn lòng cho vay nếu doanh nghiệp không làm ra lợi nhuận để có tiền trả vốn vay và lãi.
Với tỷ suất lợi nhuận mà EVN công bố mỗi khi đề nghị tăng giá điện chỉ ở mức dưới 5% thì câu chuyện vay vốn cho các dự án điện xem ra còn khó dài dài.
Tất cả do giá điện?
“Các nhà đầu tư nước ngoài đều chào giá điện khoảng 7 - 8 cent/kWh và không ai đầu tư vào lĩnh vực mà gần như tất cả mọi yếu tố đầu vào đều theo giá thị trường trong khi đầu ra lại chưa theo thị trường. Nếu giá điện vẫn chưa có sự thay đổi đột biến thì giai đoạn 2015 - 2020 vẫn cứ thiếu điện bởi bây giờ không có dự án nào triển khai được thì lấy đâu ra lúc đó có điện. Trong khi một dự án điện cần khoảng 5 - 6 năm để xây dựng” - ông Khởi phân trần.
Trong vòng 10 năm qua, chúng ta đã bỏ qua nhiều thời điểm lẽ ra phải tăng giá điện do không muốn làm xáo động lớn tới sinh hoạt và sản xuất của các ngành khác. Cũng bởi thực tế này nên áp lực tăng giá điện ngày càng lớn khi nhu cầu đầu tư ngày càng tăng. Với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.059 đồng/kWh, khoảng 5,3 cent/kWh mà giá chào bán điện của các nhà đầu tư đều ở mức 6 - 7 cent/kWh thì không phải không có cơ sở khi chuyện thiếu điện lại được đổ cho giá điện.
Dĩ nhiên, giá điện là một tác nhân chính khiến cho các nhà đầu tư không “mặn mà” đầu tư vào ngành điện, nhưng công bằng mà nói, việc chậm trễ đưa các nhà máy điện vào hoạt động không thể không nói tới. Rất nhiều dự án điện dù đã được xây dựng nhưng mãi vẫn chưa đi vào hoạt động suôn sẻ như Nhiệt điện than Uông Bí 1 mở rộng, Nhiệt điện than Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn Động… Không ít các dự án điện khác dù được rất nhiều ưu đãi của Chính phủ về chỉ định thầu chủ đầu tư, đơn vị thi công hay tạo điều kiện thuận lợi về vốn đầu tư nhưng vẫn chậm trễ trong thi công, đưa các công trình vào hoạt động.
(Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com