Báo cáo khảo sát về môi trường kinh doanh lần thứ 3 vừa được Tập đoàn nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam công bố, đã đưa ra những khuyến nghị về cách thức mới trong tiếp cận người tiêu dùng.
Từ thay đổi thói quen tiên dùng
Tinh thần lạc quan của các doanh nhân tại Việt Nam tiếp tục bỏ xa những thị trường khác khi họ kỳ vọng mức tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng GDP trong năm 2010. Theo ông Darin Williams, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam, bất chấp niềm tin của người tiêu dùng giảm nhẹ trong thời gian gần đây, các doanh nhân hy vọng doanh nghiệp của họ sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi doanh nghiệp đang tuyển dụng thêm nhân viên và luôn tìm kiếm những giải pháp kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Sau hơn một năm gồng mình vượt qua cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những mối quan tâm hiện nay của người làm kinh doanh (xếp theo thứ tự từ cao đến thấp) chính là: Áp lực tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh và cạnh tranh từ các đối thủ trong ngành; Khả năng tăng giá và lạm phát. Trong khi đó, mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay chính là sức khỏe, giá thực phẩm tăng và giá điện nước tăng. Trong kinh doanh, đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển. Với thái độ của người tiêu dùng hiện nay, các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe sẽ là lựa chọn hàng đầu của họ. Những áp lực trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cũng khiến họ quan tâm về giá nhiều hơn khi đi mua sắm (dĩ nhiên sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng). Theo khảo sát của Nielsen, trong 6 - 12 tháng tới, người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua những sản phẩm có kích cỡ bao bì lớn hơn, mua hàng khuyến mãi nhiều hơn và đi mua sắm ở nhiều kênh để có nhiều lựa chọn về giá hơn (mua ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống...).
Một sự thay đổi quan trọng nhất của người tiêu dùng tại Việt Nam là chuyển từ mua sản phẩm cao cấp sang mua những sản phẩm trong nước và “nghiện khuyến mãi”. Những ngành hàng chịu ảnh hưởng mạnh (tích cực lẫn tiêu cực) từ xu hướng này chính là: nước giải khát, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh và củng cố vị thế trên sân nhà trước sự “xâm thực” của các sản phẩm đến từ những tập đoàn đa quốc gia. Vì lẽ đó, doanh nghiệp cần cải tiến công nghệ để đưa ra những sản phẩm có chất lượng, giảm biên độ lợi nhuận để có thêm nhiều người mua. Điều này cũng góp phần giúp doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng nhanh hơn, tạo đà cho các mục tiêu thị trường khác.
Đến con đường tăng trưởng chiến lược
Hiện nay, theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, doanh nghiệp đang xem thị trường nông thôn là phần quan trọng trong các mục tiêu tăng trưởng của họ. Trên thực tế, doanh nghiệp trong nước đang tiến về những thị trường mà họ đã lãng quên trước đây bằng cách đưa hàng về tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa trong chương trình hàng Việt về nông thôn. Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đang mang lại những kết quả tích cực khi người tiêu dùng nông thôn vẫn dang tay đón nhận những cái tên như kem đánh răng Dạ Lan, nhôm Kim Hằng... Rõ ràng, người Việt yêu quý hàng Việt.
Những khuyến nghị đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt cần làm gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2010? Theo Nielsen Việt Nam, có thể có những giải pháp như sau:
Về sản phẩm: Theo khảo sát về thái độ người tiêu dùng đối với hàng Việt của công ty nghiên cứu thị trường FTA, 82% người chọn hàng nội vì giá vừa phải, 68% người chọn hàng nội vì chất lượng chấp nhận được. Từ những thực tế trên, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm là nhiệm vụ đầu tiên của doanh nghiệp trong nước vì đây là lý do thuyết phục người dân dùng hàng Việt. Giá cả sản phẩm phải hợp lý vì thu nhập của người dân nông thôn và thành thị còn chênh lệch khá cao.
Chăm sóc khách hàng: Theo điều tra về thái độ của nhà bán lẻ đối với người tiêu dùng của Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Vinastas), 62% người tham gia khảo sát công nhận họ từng mua nhầm hàng giả, kém chất lượng. Khi người tiêu dùng phát hiện và hoàn trả sản phẩm, có đến 31% vụ việc không được giải quyết và 49% chủ cửa hàng đồng ý đổi sản phẩm chứ không hoàn tiền. Cuộc điều tra trên cũng cho thấy, 42% chủ cửa hàng tỏ ý khó chịu khi người tiêu dùng yêu cầu bảo hành. Những con số nói trên đã lý giải một phần nguyên nhân người tiêu dùng dễ quay lưng với sản phẩm (doanh nghiệp trong nước và nước ngoài) là do không thỏa mãn nhu cầu của họ. Vì lẽ đó, chế độ hậu mãi là vấn đề cần được cải thiện.
Quản trị kênh phân phối: Điều tra của Vinastas cho thấy, doanh nghiệp trong nước cần quản trị chặt chẽ hệ thống phân phối, bán lẻ nếu muốn củng cố lòng trung thành của người tiêu dùng. Quản trị kênh phân phối tốt cũng giúp nhà sản xuất có chính sách hậu mãi phù hợp, giúp giữ chân khách hàng vì người tiêu dùng sẽ trở lại nếu họ được tôn trọng.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh bán hàng ở nông thôn để tìm hiểu thị trường, thói quen mua sắm của người dân. Thay vì chỉ bán hàng, doanh nghiệp nên tổ chức những buổi tọa đàm về cách bán hàng, tổ chức quầy kệ, trưng bày hàng hóa cho các chủ tiệm tạp hóa. Đây là lực lượng nòng cốt trong kênh phân phối của doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, nơi tiệm tạp hóa là nơi mua sắm hàng hóa chủ yếu của người dân.
Truyền thông: Với người dân nông thôn, quảng cáo cũng là cách họ có thêm kiến thức tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần chọn hình ảnh gần gũi với đời sống, ngôn từ dễ hiểu khi dùng truyền thông đại chúng để tiếp cận người dân nông thôn. Ngoài ra, tần suất của các chương trình truyền thông cũng cần theo kiểu “mưa dầm thấm đất” với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Khoảng 2/3 dân số Việt Nam đang sống ở nông thôn, đồng nghĩa với một thị trường có gần 60 triệu người tiêu dùng. Doanh nghiệp Việt tiến về nông thôn là điều hợp lý. Chiếm lĩnh được số đông sẽ tạo lợi thế lớn cho doanh nghiệp Việt Nam “đánh ngược” về thành thị. Với sự ủng hộ của người tiêu dùng hiện nay, doanh nghiệp trong nước sẽ tạo được thế cân bằng trên thị trường trong vài năm tới.
(Theo Lê Trần // Báo Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com