Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam
(Theo Nguyễn Thịnh //VOVNews)
Trên thế giới, việc liên kết để tạo thành các tập đoàn khổng lồ có sức mạnh chi phối thị trường đã được tiến hành từ rất lâu. Thế nhưng ở Việt Nam, điều này dường như vẫn không được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Vẫn kiểu mạnh ai nấy làm
Còn nhớ, hồi còn học trong trường đại học, thầy giáo dạy tôi đã từng nói: “Nếu so sánh giữa người Việt Nam và người Nhật về khả năng làm việc độc lập thì người Nhật kém người Việt, nhưng nếu làm việc theo nhóm từ 3 người trở lên thì người Việt Nam không thể so sánh với người Nhật được”. Điều này minh chứng thêm cho thực tế là khả năng làm việc theo nhóm của người Việt Nam rất kém. Cứ độc lập tác chiến thì không sao, nhưng hễ làm việc theo nhóm là thể nào cũng không ai chịu ai, mỗi người một kiểu.
Từ đó nhìn rộng ra hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) thì thấy, dường như lối làm ăn theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ đã ngấm sâu vào tâm lý của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Câu tục ngữ xưa: “Buôn có bạn, bán có phường” dường như ngày nay không được nhiều DN coi trọng bởi lối tư duy ngắn hạn. Hậu quả là rất nhiều cơ hội lớn đã bị bỏ qua do đối tác nước ngoài đặt hàng lớn nhưng DN không có khả năng đáp ứng, trong khi lại không chịu liên kết với DN khác cùng làm. Mới nhất là việc giá cà phê liên tục giảm khiến DN cà phê nước ta bị thiệt hại nặng, là do các DN của ta thiếu liên kết với nhau nên để các nhà nhập khẩu nước ngoài có cơ hội lũng đoạn thị trường, làm giá.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam cho biết: “Hiện Hiệp hội có 146 DN nhưng việc liên kết với nhau rất kém, DN nào cũng chỉ chọn phương thức bán hàng có lợi nhất cho DN mình, không có sự phối hợp để điều tiết lượng hàng bán ra, điều tiết thị trường. Thậm chí, việc “gà nhà đá nhau” không phải là chuyện hiếm. Chuyện DN này cố tình bán phá giá thị trường, làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của DN khác là bằng chứng về lối làm ăn tư lợi”.
Việc các DN không chịu liên kết với nhau có nhiều lý do, như sợ lộ thị trường, mất khách hàng, lộ thông tin; ngư dân không chịu liên kết, không kết nối bộ đàm vì sợ lộ ngư trường… Đó là lối suy nghĩ, cách nhìn ngắn hạn, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không thấy được lợi ích dài hạn của việc liên kết giữa các DN. Bởi lẽ, kinh doanh trong một thế giới sôi động và chuyển biến không ngừng với đầy rủi ro và không ít cơ hội hiện nay đòi hỏi sự chia sẻ thông tin rất lớn giữa các DN. Lối làm ăn theo kiểu win – win, có nghĩa là cả hai cùng thắng là lối làm ăn nên được phát huy để cùng hưởng lợi và cùng chia sẻ khó khăn.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, nếu liên kết lại thành một khối sẽ tạo thành sức mạnh to lớn, còn nếu DN cứ đơn thương độc mã thì rất khó vươn ra thị trường thế giới thành công.
Chỉ liên kết khi khó khăn
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, chỉ khi gặp khó khăn thì nhu cầu liên kết giữa các DN mới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ: “Trước đây, trong thời điểm thuận lợi, nhu cầu liên kết của các DN trong ngành dệt may không rõ ràng, trong khó khăn (của nền kinh tế – PV), sự liên kết trở thành một xu thế tất yếu để giảm bớt rủi ro và chia sẻ kinh nghiệm”. Đại diện Hiệp hội chè cũng từng cho biết, bình thường, các DN thuộc hiệp hội không có khái niệm liên kết với nhau, thậm chí còn dè chừng, cảnh giác nhau; nhưng khi bị đối tác nước ngoài điều tra kiện bán phá giá, các DN bỗng “thân” nhau lạ, liên kết, chia sẻ với nhau một cách tự nhiên.
Rõ ràng, biết liên kết với nhau để cùng vượt khó là điều tốt, nhưng không thể chỉ dừng lại ở đấy. Các DN cần phải nhận thức được lợi ích to lớn của liên kết để coi đây là nhu cầu tự nhiên, thiết yếu của mình trong quá trình thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường, bởi “một cây làm chẳng nên non”. OPEC (Hiệp hội các Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ) là một ví dụ điển hình về sức mạnh to lớn của liên kết. Nhờ sự liên kết chặt chẽ mà OPEC đã thao túng thị trường dầu mỏ thế giới, thu lợi nhuận khổng lồ cho các quốc gia thành viên. Hay bài học về sự liên kết giữa các tập đoàn, thương hiệu mạnh của nước ngoài khi vào Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường cũng cần được các DN nghiên cứu kỹ.
Ông Phan Hữu Đễ, TTK Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam cho rằng: “Giờ là lúc các DN cần phải liên kết với nhau thành một khối để đối phó với việc làm giá, với lượng cà phê hằng năm như vậy cần phải tính toán được thời điểm bán ra cho phù hợp. Tới đây, định hướng của Hiệp hội là yêu cầu các DN phải thông báo và cập nhật thường xuyên về lượng bán ra và có sự cân đối điều hòa lượng bán ra để tránh tình trạng làm giá như hiện nay”.
Thứ nhất, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không được đào tạo đầy đủ, cơ bản kiến thức về kinh tế thị trường cạnh tranh và hội nhập toàn cầu.
Thứ hai, do hoàn cảnh đất nước mới mở cửa và hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm trên thương trường, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các cơ hội cũng như nguy cơ mang tính toàn cầu, khả năng chịu đựng các va đập, rủi ro trong kinh doanh thấp, chưa thực sự am hiểu các thông lệ, luật phát kinh doanh quốc tế...
Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam thiếu kinh nghiệm quản lý, nhất là quản lý các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, phạm vi hoạt động trải rộng trên nhiều quốc gia, trong đó, một số lại tự ti hoặc tự thoả mãn với những kết quả hiện tại.
Thứ tư, tầm nhìn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, chưa có chiến lược kinh doanh phù hợp, rõ ràng. Thứ năm, khả năng liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp kém, thậm chí là không có. Các điểm yếu này không phải là quá trầm trọng, những rõ ràng nếu không được khắc phục có hiệu quả sẽ có ảnh hưởng xấu và ngày càng lớn đối với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc cải tạo môi trường kinh doanh ngày càng phát triển, thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp như: cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật, các chính sách chế độ liên quan; hệ thống thông tin quốc gia;... Có chính sách, chiến lược phát triển kinh tế phù hợp, nhất quán, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ, lãi suất, tỷ giá hợp lý, linh hoạt. Chính phủ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh các mối quan hệ ngoại giao để thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, doanh nhân vươn ra thế giới; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp vào Việt Nam.
Nguồn nhân lực: Thừa thầy - thiếu thợ
( Theo AP)
Cuối năm 2009, Hãng tin AP (Mỹ) có bài phản ánh yếu điểm của kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Kinh tế Việt Nam đang đạt được bước tiến đầy ấn tượng, nhưng vẫn còn bị vướng mắc bởi những rào cản như cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đội ngũ kỹ sư lành nghề và hệ thống giáo dục đại học chưa đủ để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Ông Thân Trọng Phúc - Tổng Giám đốc Intel ở Việt Nam, Lào, Campuchia - cho biết tập đoàn muốn Chính phủ Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo đội ngũ kỹ thuật.
Ông Phúc nói: “Có nhiều sinh viên chọn ngành học về kinh doanh, marketing và tài chính hơn là kỹ thuật. Chúng tôi muốn hợp tác với Chính phủ để khuyến khích nhiều sinh viên theo học ngành kỹ thuật". Ông Phúc cũng cho biết, tập đoàn Intel cũng muốn làm việc cùng các trường đại học và Bộ Giáo dục Đào tạo để hiện đại hoá các môn học bao gồm cả những khóa học tập trung vào kinh nghiệm thực tế, ít dựa vào lý thuyết.
Việt Nam hy vọng đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,2% trong năm nay, mức cao nhất ở Đông Nam Á, và chính quyền cần tăng tốc các cải cách về thị trường. Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam, cho rằng Việt nam cần phát triển “văn hoá đổi mới”, đặc biệt ở các trường đại học. Ông Pincus nói: “Hệ thống trường đại học phải phản ứng nhanh nhạy hơn trước yêu cầu đổi mới của các ngành công nghiệp”.
Ông Christoph Wiesner - Thành viên Phái đoàn Ủy ban châu Âu, nhận định rằng việc gia nhập WTO sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên toàn khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Wiesner, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và đó là rào cản với các nhà đầu tư. Chuyên gia từ Ủy ban châu Âu phân tích: “Cầu cảng là vấn đề đau đầu nhất. Dù đã có một số cải thiện, nhưng việc vận chuyển container vẫn mất nhiều thời gian và đắt hơn những nơi khác trong khu vực”.
Ba điểm yếu lớn của hệ thống bán lẻ Việt Nam
( Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Tài chính: Đây là yếu tố không cần bàn cãi nhiều.
Hậu cần (logistics): Kinh doanh siêu thị hiện đại đòi hỏi một hệ thống hậu cần chuyên nghiệp. Tổng giám đốc của Metro Cash&Carry cho biết Metro đã chi gần 20-25 triệu euro trang bị hệ thống cung ứng hàng (kho lạnh, xe chuyên dụng, thiết bị kiểm tra, bảo quản hàng hóa...) theo chuẩn của Metro toàn cầu và chi gần 800.000 euro cho công tác huấn luyện.
Trong khi đó, ở các siêu thị của Việt Nam, các giám đốc siêu thị vẫn còn tranh cãi với nhau về việc trung tâm phân phối hoặc nhà cung cấp không giao đủ hàng bán trong dịp lễ, Tết mà chưa có biện pháp nào để khắc phục tình trạng này. Việc điều phối các xe giao hàng đúng loại, đúng nơi, đúng thời điểm vẫn còn được điều hành, quản lý khá đơn giản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà còn làm gia tăng chi phí lao động cũng như quản lý.
Tính chuyên nghiệp: Kinh doanh bán lẻ hiện đại đòi hỏi nhà quản lý có những công cụ hỗ trợ để đưa ra các quyết định. Đối với một hệ thống siêu thị, bộ phận mua hàng đóng vai trò khá quan trọng. Chuyên viên mua hàng chuyên nghiệp có thể điều đình với nhà cung cấp trên tất cả mọi phương diện từ giá cả, số lượng, thời gian giao nhận hàng, các chương trình tiếp thị, khuyến mãi, quy cách bao bì, đóng gói... Thậm chí họ có thể tư vấn lại cho nhà cung cấp nên sản xuất hàng như thế nào, tiếp thị, quảng bá ra sao... Tuy nhiên, ở khâu này, dường như các chuyên viên mua hàng của các nhà bán lẻ nước ngoài tỏ ra lấn lướt.
Giám đốc một doanh nghiệp dệt may kể rằng ông chào hàng ở Metro, bộ phận mua hàng ở đây trình bày cho ông xem tất cả những quy chuẩn của ngành hàng, mẫu mã, màu sắc, kích cỡ, phần trăm cho tiếp thị quảng cáo, những điều khoản hỗ trợ của bên mua và những yêu cầu với nhà cung cấp... Tất cả được vi tính hóa, cập nhật và trình bày rõ ràng, minh bạch cho nhà cung cấp tham khảo.
Trong khi đó, khi ông làm việc với các siêu thị Việt Nam, quá trình thương lượng diễn ra rất sơ sài. Cho nên khi bộ phận mua hàng từ chối bán hàng của doanh nghiệp, ông hoàn toàn cảm thấy không thể nào “tâm phục, khẩu phục”.
Hệ thống cảng biển Việt Nam: Dịch vụ hậu cần là điểm yếu
(Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu)
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2008 lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam là 196,58 triệu tấn, hàng container là 5.023 triệu TEU. Nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn thiếu các công trình hạ tầng cơ sở quan trọng, đặc biệt là điện năng, cảng biển và công trình hạ tầng cơ sở trên mặt đất liền kề với cảng như đường xá và cầu. Nếu tình trạng này chậm được giải quyết thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn FDI đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
CÁC DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI “SỐT RUỘT”
Nhiều nhà đầu tư tiềm năng của Mỹ đánh giá, tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu dịch vụ hậu cần là một điểm yếu hiện nay của Việt Nam. Để khắc phục những điểm yếu trên, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cảng biển và các đường giao thông nối cảng với các khu công nghiệp để nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam cho biết, hiện nay nhu cầu vận chuyển container ngày càng tăng, đặt ra thách thức với năng lực bến bãi, tình trạng các cảng biển Việt Nam. Vấn đề này sẽ làm hạn chế đầu tư trong tương lai nếu như không được giải quyết một cách toàn diện. Ông cũng cho rằng, cho đến nay các dự án hỗ trợ cho các cảng container như luồng dẫn nước sâu và hệ thống đường giao thông nối với các cảng chưa được đầu tư đầy đủ.
Ông Thomas Siebert, Chủ tịch AmCham ( Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam) cho rằng, Việt Nam vẫn thiếu các công trình hạ tầng cơ sở quan trọng, đặc biệt là cảng biển và công trình hạ tầng cơ sở trên mặt đất liền kề với cảng như đường sá và cầu, những thiếu thốn này sẽ đe dọa dòng vốn FDI đầu tư vào xuất khẩu và công nghiệp. Còn theo ông Barry Akbar, Tiểu ban cảng biển thuộc Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) thì Quốc lộ 51 là cửa ngõ chính của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng không đủ khả năng để bảo đảm thông suốt cho vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng và hiện thường xuyên trong tình trạng tắc nghẽn. Quốc lộ 51 phải được coi là một ưu tiên phát triển và cần hoàn thành trước năm 2011 để đáp ứng việc vận chuyển hàng hóa cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - ông Barry Akbar nhấn mạnh.
VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM PHẢI ĐƯỢC ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN
Theo ông Nguyễn Ngọc Huệ, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, kế hoạch tổng thể phát triển cảng biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 có thể sẽ được trình Thủ tướng phê duyệt trong quý 3-2009, khi đó sẽ hình thành nhóm cảng biển hiện đại nhất Việt Nam tại khu vực sông Thị Vải, góp phần thúc đẩy kinh tế tại khu vực phía Nam và cả nước phát triển. Hiện tại, Bộ Giao thông-Vận tải đã chuẩn bị cho triển khai dự án mở rộng quốc lộ 51 với chiều dài 72km, quy mô 6 làn xe với số vốn đầu tư là 2.000 tỉ đồng và dự kiến công việc sẽ bắt đầu vào quý 4-2009. Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dự kiến cũng sẽ được khởi công vào quý 3-2009 và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ năm 2011, với quy mô từ 4 đến 6 làn xe. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng sẽ sớm khởi công khu cảng Lạch Huyện, là khu chính của cảng Hải Phòng và có thể tiếp nhận tàu có sức chở 4.000 - 6.000 TEU, trọng tải 5-8 vạn DWT…
Ông Barry Akbar kiến nghị, dự án mở rộng quốc lộ 51, nối Biên Hòa với Vũng Tàu và đáp ứng lưu lượng giao thông xe container ngày càng tăng, cần thêm đường nhánh huyết mạch cho tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, và đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nối liền các khu công nghiệp chính ở Đồng Nai với các cảng nước sâu.
Theo kế hoạch, từ nay đến 2015 Chính phủ sẽ tập trung đầu tư phát triển các cảng và luồng vào cảng: Hải Phòng (trọng điểm là cửa Lạch Huyện), Cái Mép - Thị Vải, cảng TP. Hồ Chí Minh theo sông Soài Rạp, cảng Cần Thơ theo sông Hậu. Xây dựng các bến cảng tổng hợp, container tại khu bến Cái Mép-Thị Vải, khu Hiệp Phước, các bến chuyên dùng phục vụ xuất sản phẩm nhập dầu thô nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Long Sơn; các cảng tiếp nhận than phục vụ nhà máy nhiệt điện…
4 điểm yếu của hệ thống giám sát tài chính
( Theo vneconomy)
Cuộc khủng hoảng tài chính gần đây tại các thị trường phát triển và các giai đoạn khó khăn của hệ thống ngân hàng Việt Nam cho thấy những yếu kém trong hệ thống hiện hành.
Đánh giá về công tác điều tiết và giám sát đối với hoạt động của các tổ chức tài chính, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính), nói:
- Trong hệ thống tài chính của Việt Nam, công cụ điều tiết và giám sát chủ yếu là cấp phép. Theo đó, các tổ chức tài chính phải được cấp phép và hoạt động theo giấy phép. Cấp phép đem lại một số rào cản trong việc tham gia thị trường của các định chế tài chính tại Việt Nam thông qua các yêu cầu về vốn, thẩm định chủ sở hữu và quản lý để kiểm tra tính phù hợp.
Việc cấp phép còn được thực hiện chi tiết đến các sản phẩm của các tổ chức tài chính. Sau cấp phép, việc giám sát được thực hiện chủ yếu trên quá trình kiểm tra giấy tờ và thanh tra tại chỗ, cũng như quá trình thanh tra thuế.
Cuộc khủng hoảng tài chính gần đây tại các thị trường phát triển và các giai đoạn khó khăn của hệ thống ngân hàng Việt Nam cho thấy những yếu kém trong hệ thống hiện hành.
Điểm yếu thứ nhất là sự thiếu phối hợp điều tiết giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý các vấn đề tài chính. Điểm yếu thứ hai là sự yếu kém trong quá trình theo dõi và giám sát, bao gồm tính thiếu minh bạch và chất lượng các báo cáo. Sự phát triển, đổi mới của hệ thống tài chính tạo ra những sản phẩm lai ghép, do đó, công tác giám sát cũng gặp khó khăn hơn.
Sự không tương thích giữa các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn thế giới trong việc giám sát dựa trên rủi ro đã góp phần làm bộc lộ tính yếu kém của công tác điều tiết và giám sát. Ngoài ra, cơ chế cảnh báo và giám sát hệ thống sớm cũng là một điểm yếu của hệ thống điều tiết hiện nay.
Điểm yếu thứ ba là yếu kém trong việc quản lý các công ty tài chính có vốn nước ngoài. Thứ tư là yếu kém trong việc giám sát dòng vốn đầu tư trực tiếp. Ngoài ra, việc giám sát cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân viên cũng chưa được hiệu quả.
Theo ông, nên có những thay đổi, bổ sung và điều chỉnh gì để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giám sát điều tiết thị trường tài chính hiện nay?
Cần bổ sung các yêu cầu về tính minh bạch và chế độ báo cáo, đặc biệt đối với chế độ kiểm toán hai lần một năm.
Bước thứ hai là tăng cường tái cơ cấu các cơ quan giám sát tài chính hiện tại, bao gồm, cơ quan giám sát trong lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán để hướng tới một hệ thống giám sát tích hợp và độc lập.
Về giám sát bảo hiểm, cần tái cơ cấu hoa hồng bảo hiểm. Văn phòng giám sát cần được thành lập tại Ngân hàng Nhà nước kết hợp với các phòng chức năng cùng với chức năng chống rửa tiền.
Bước thứ ba là thực hiện giám sát và điều tiết dựa trên rủi ro theo các tiêu chuẩn quốc tế. Thứ tư, nâng cao tầm quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường theo dõi các tổ chức tài chính lớn một cách có hệ thống.
Một thực thể mới đã được ra đời đó là Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp và giám sát hệ thống. Đồng thời, tăng cường hợp tác và phối hợp quốc tế.
Việc nâng cao hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giám sát và điều tiết hệ thống tài chính đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
“Hợp tác quốc tế” là cụm từ mà tất cả hệ thống giám sát trên thế giới đều hướng tới, như thỏa thuận đã đạt được của các nước trong nhóm G20.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác điều tiết và giám sát hệ thống tài chính của Việt Nam kỳ vọng vào sự hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong giám sát và theo dõi những hoạt động xuyên biên giới của các tổ chức tài chính hoặc ngân hàng.
Một cơ quan giám sát của Việt Nam có thể chia sẻ thông tin cần thiết liên quan đến những hoạt động xuyên biên giới thông qua các tổ chức ở trong nước.
Ví dụ một công ty ở nước ngoài muốn vào Việt Nam đầu tư, để cấp phép hoạt động cho công ty này, chúng tôi có thể viết thư trao đổi thông tin với cơ quan giám sát của nước đó, để có thể khẳng định rằng công ty đó hoạt động tốt không, có uy tín không. Dựa vào những thông tin được cung cấp, chúng tôi có cơ sở để cấp phép cho công ty đó hoạt động tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện hợp tác điều tiết và giám sát này trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN +3. Đồng thời, quan chức và chuyên viên về giám sát tài chính giữa các nước trong khu vực cũng có giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Một điểm yếu của công tác giám sát và điều tiết hệ thống tài chính của Việt Nam là giám sát các công ty tài chính có vốn nước ngoài, cơ quan chức năng gặp khó khăn gì, thưa ông?
Merrill Lynch, AIG là những công ty tài chính có vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Khi cấp phép cho các công ty này, cơ quan giám sát cũng rất tin tưởng vào vị thế của họ trên thị trường thế giới và không thể dự đoán trước được sự sụp đổ có thể xảy ra.
Đây là một điểm yếu mà cơ quan chức năng cần chú ý đến bên cạnh việc tập trung vào các ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước. Ngoài ra, hệ thống soát xét khách hàng đầu tư cũng chưa đủ mạnh.
Một yếu tố khác cần tính đến là nâng cao năng lực của cán bộ giám sát. Đây là đội ngũ vẫn còn thiếu về lượng và yếu về chất, với một nguyên nhân là chênh lệch mức lương giữa khu vực nước ngoài và tư nhân. Qua đó có thể thấy Việt Nam còn phải đi qua một chặng đường dài để nâng cao năng lực giám sát.
( Cổng thông tin kinh tế Việt Nam và thế giới - tinkinhte.com )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com