Trong 8 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 của Chính phủ đề ra thì phục hồi kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng là giải pháp hàng đầu.
![]() |
Ảnh minh họa |
Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận về tăng trưởng kinh tế, với 29 năm liên tục tăng trưởng dương, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1981 - 2009 đạt 6,74%/năm.
Nhờ vậy, GDP của Việt Nam đã tăng từ mức 7,79 tỷ USD (năm 1990) lên 93,7 tỷ USD (năm 2009); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 118 USD (năm 1990) lên 1.074 USD (năm 2009).
Đã đến lúc tính đến chất lượng tăng trưởng
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong tổng tốc độ tăng trưởng kinh tế, yếu tố tăng số lượng vốn đã đóng góp tới 57,5%, yếu tố tăng số lượng lao động đóng góp khoảng 20%; cộng hai yếu tố trên đóng góp tới 77,5%; yếu tố còn lại chỉ đóng góp khoảng 22,5%. Như vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu vẫn là về số lượng, theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng vẫn thấp.
Kinh nghiệm lịch sử của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy, để đạt được mục tiêu trong dài hạn, cần có sự tăng trưởng bền vững, mà muốn tăng trưởng bền vững thì tăng trưởng phải có chất lượng.
Số liệu thống kê cho thấy, với tăng trưởng GDP năm 2009 vào khoảng 5,32% và năm 2010 dự kiến ở mức 6,5%, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 sẽ chỉ dừng lại ở mức 6,9%/năm (kế hoạch đề ra là 7,5 - 8%/năm).
Ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định, con số trên là không đạt được mục tiêu kế hoạch 2006 - 2010, nhưng đó vẫn không phải là điều đáng lo ngại nhất, mà vấn đề là chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng của Việt Nam không chỉ chủ yếu theo chiều rộng mà cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao. ”Hiện nay, trung bình tỷ trọng đóng góp của nhân tố vốn và lao động trong GDP ở Việt Nam cao gấp 3 lần tỷ trọng đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp. Điều này phản ánh tính chất tăng trưởng của nền kinh tế còn chủ yếu nặng về chiều rộng và nhẹ về chiều sâu”, ông Ân nhận xét.
TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, đã đến lúc “chúng ta phải tính đến tăng trưởng bằng chất lượng, nâng cao hiệu quả của sản xuất kinh doanh thì tăng trưởng mới ổn định được”.
“Tôi cho rằng, năm nay nhất quyết chúng ta phải bắt tay ngay vào việc “đi hai chân”, tức là phải làm sao để giữ được sự cân bằng trong tăng trưởng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu”, ông Cung nói.
Cụ thể, theo TS Nguyễn Đình Cung, điều đáng quan tâm trong năm nay là làm sao chúng ta phải đảm bảo việc giảm dần được cán cân thanh toán, rồi sau đó mới tính đến giảm thâm hụt ngân sách. Ổn định được kinh tế vĩ mô song không phải theo nghĩa là ổn định theo từng tháng, từng quý mà là ổn định trong dài hạn. Chính điều này củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp, từ đó cũng cố giá trị đồng tiền, tránh được một số rủi ro cho nền kinh tế.
Cần quyết liệt thực hiện các giải pháp của Chính phủ
![]() |
Cơ sở hạ tầng là một trong yếu tố quan trọng của môi trường đầu tư, kinh doanh |
Nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2010 với trọng tâm là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định qua Nghị quyết số 03/NQ-CP (ngày 15/1/2010) về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.
Trước đó, trong 2 ngày 6 và 7/1, Chính phủ đã họp với các bộ ngành, địa phương thảo luận về nội dung nghị quyết này.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của năm 2010 là nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2006 - 2010.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2010, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp chính với 132 giải pháp cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, UBND tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp mà Chính phủ đã đề ra.
Đặc biệt, nhóm giải pháp thứ nhất mà Chính phủ yêu cầu triển khai là phục hồi kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Năm 2010, phấn đấu đạt mức cao hơn năm 2009. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục hướng dẫn và tổ chức thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế theo hướng vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, nông thôn, đầu tư trung và dài hạn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng phát triển các ngành và vùng kinh tế.
Gắn liền với ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ coi trọng giải pháp điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, thận trọng để kiểm soát nhập siêu và ngăn chặn lạm phát cao trở lại; phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi NSNN, giảm bội chi NSNN năm 2010 xuống dưới 6,2% và giảm dần trong các năm sau.
Tiếp đó, nhóm giải pháp có tác động hỗ trợ tăng trưởng chất lượng là đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng GD-ĐT, KH-CN. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, nhất là lao động kỹ thuật công nghệ có tay nghề cao. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 40% lao động qua đào tạo trong năm 2010. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh phát triển KH-CN, đồng thời có biện pháp thích hợp để ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
(Theo Vũ Trọng // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com