Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp FDI: Tiêu thụ tại chỗ bao nhiêu, nội địa hóa thế nào?

Trên thực tế, các doanh nghiệp FDI thường yêu cầu tiêu thụ hoặc không ngừng tăng tỷ trọng tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.

Lâu nay, chuyện tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và vấn đề nội địa hóa sản xuất của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tồn tại như một phần chưa hoàn chỉnh của chính sách thu hút đầu tư Việt Nam. Tại Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam 2011 tổ chức ngày 8/6 tại Nha Trang (Khánh Hóa), TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị thế giới đã có bài viết khá bao quát về vấn đề này, dựa trên phân tích trường hợp tương tự của nhiều quốc gia trên thế giới. VnEconomy xin trích đăng một phần nội dung này, các title nhỏ trong bài do tòa soạn đặt.

Thông thường, các sản phẩm do doanh nghiệp liên doanh, đặc biệt là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sản xuất tại khu kinh tế tự do phải là những sản phẩm hướng đến xuất khẩu. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lại thường yêu cầu tiêu thụ hoặc không ngừng tăng tỷ trọng tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.

Vấn đề này không chỉ gây ra những tranh cãi giữa doanh nghiệp FDI và nước chủ nhà, mà ngay cả bản thân nước chủ nhà cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh những vấn đề như những sản phẩm này có thể tiêu thụ tại chỗ nhưng sản phẩm kia không thể, hay về quy định cụ thể tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu...

Có người không chủ trương dùng biện pháp hạn chế tiêu thụ sản phẩm trong thị trường nội địa để đạt mục đích bảo hộ các ngành nghề trong nước. Họ cho rằng nếu làm như vậy (cho phép tiêu thụ sản phẩm tại chỗ - PV) thì từ đầu đã không nên cho ngưòi nước ngoài vào đầu tư xây dựng nhà máy. Những người kiên trì quan điểm này cho rằng, khu kinh tế tự do cần thực hiện sự tự do hoàn toàn về cả con người, tài chính và nguồn vốn.

Có người lại cho rằng cần cho phép một phần sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiêu thụ trong nước. Làm như vậy có thể khiến một số ngành và doanh nghiệp chịu chút tổn hại, nhưng về phương diện kỹ thuật sản xuất thì lại có lợi vì những doanh nghiệp an phận thủ thường, không chú ý đến chất lượng sản phẩm, không chú ý đổi mới phương thức sản xuất sẽ bị “chạm nọc”. Kết quả là thúc đẩy họ quan tâm hơn đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như sức cạnh tranh, mở rộng thị trường quốc tế.

Lại cũng có người cho rằng, việc tiêu thụ sản phẩm tại chỗ hay xuất khẩu cần có quy định mang tính linh hoạt, phàm là những sản phẩm cung cấp kỹ thuật mới thì nên cho phép tiêu thụ ở thị trường trong nước mà không có bất cứ hạn chế nào. Những sản phẩm hay linh kiện mà ngành công nghiệp trong nước cần nhập khẩu, nếu những sản phẩm của khu kinh tế phù hợp với yêu cầu và tiêu chuẩn thì cũng có thể cho phép tiêu thụ trong nước. Như vậy các doanh nghiệp trong nước vừa có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển, lại có thể bớt được khâu thủ tục hoàn thuế.

Hiện nay rất nhiều nước đang phát triển đã áp dụng chính sách tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu linh hoạt đối với các sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thế là lại nảy sinh vấn đề quy định chính sách và sách lược thế nào về tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và xuất khẩu. Đây là vấn đề rất nhạy cảm.

Tính tỷ lệ tiêu thụ tại chỗ thế nào?

Về vấn đề này, cách giải quyết của các nước cũng có rất nhiều khác biệt, tỷ lệ tiêu thụ tại chỗ nhỏ, tỷ lệ xuất khẩu lớn, thông thường ảnh hưởng đến ý muốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại sẽ làm tổn hại đến sự phát triển công nghiệp của nước chủ nhà.

Từ kinh nghiệm của các nước đang phát triển cho thấy, xác định tỷ lệ hàng tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu cần tính đến các nhân tố sau:

- Những sản phẩm có tính sáng tạo, trong nước không có, cung cấp kỹ thuật tiên tiến, do không làm nguy hại đến các ngành nghề trong nước, nên cho phép tỷ lệ tiêu thụ nội địa lớn và thời hạn dài hơn.

- Những sản phẩm mà thị trường trong nước đã bão hoà hoặc những sản phẩm sắp lỗi thời, thông thường không nên để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nữa. Nếu không, những sản phẩm đó chỉ để xuất khẩu. Do vậy, khi phê duyệt các phương án đầu tư, cần tính đến vấn đề tiêu thụ tại chỗ, hay xuất khẩu sản phẩm và tỷ lệ của chúng.

- Những nước có tố chất kỹ thuật tốt, giá nhân công rẻ có thể yêu cầu doanh nghiệp FDI nâng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm lên cao hơn một chút. Ngược lại, khi giá thành nhân công tăng lên, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chủ yếu mở rộng thị trường ở nước sở tại. Trong tình hình đó, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm bị giảm, tỷ lệ tiêu thụ  tại chỗ sẽ tăng lên.

- Những ngành công nghiệp khoa học kỹ thuật cao mới, đang phát triển trong nước thì cần được bảo hộ nhiều hơn. Do vậy, có thể yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất các sản phẩm khoa học kỹ thuật cùng loại nâng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm lên. Đợi khi những sản phẩm này có sức cạnh tranh trên trường quốc tế thì sẽ không phải tăng cường bảo hộ và cũng không phải hạn chế tiêu thụ sản phẩm tại chỗ nữa.

Tóm lại, quy định tỷ lệ tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu sản phẩm, phải tuân theo nguyên tắc công bằng hợp lý, dựa vào những hạng mục đầu tư khác nhau để đưa ra tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trong nước hay xuất khẩu phù hợp; cùng với những thay đổi của tình hình phát triển kinh tế và những biến động của xu thế cung cầu trong nước, cần có những điều chỉnh phù hợp đối với tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và xuất khẩu.

Như vậy vừa đảm bảo được lợi ích xứng đáng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lại có thể bảo hộ được ngành nghề trong nước của các nước đang phát triển. Cùng với việc lực lượng kinh tế và kỹ thuật của khu kinh tế tự do và đất nước được nâng lên, đặc biệt là sự tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại chỗ sẽ dần dần nâng lên.

5 cách “tính điểm” tỷ lệ nội địa hóa

Trình độ nội địa hoá các sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn gọi là tỷ lệ sản phẩm tự chế. Cũng giống như tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và xuất khẩu, tỷ lệ sản phẩm tự chế vừa liên quan đến lợi ích trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, vừa liên quan đến vấn đề bảo hộ ngành nghề của nước chủ nhà.

Do vậy, khi tận dụng nguồn vốn và kỹ thuật nước ngoài cần phải tính toán và giải quyết thoả đáng các vấn đề này. Hiện nay, trên thế giới có 5 cách tính toán tỷ lệ tự chế.

Một là phương pháp trọng lượng. Tức là chỉ trọng lượng linh kiện được các doanh nghiệp trong nước sản xuất phải chiếm phần trăm nhất định trong tổng trọng lượng của cả sản phẩm. Nam Phi áp dụng cách tính này.

Nhược điểm của phương pháp này là lấy trọng lượng làm căn cứ tính toán, sẽ khiến ngành công nghiệp chế tạo linh kiện tinh xảo cỡ nhỏ khó có thể phát triển trong nước, sản phẩm cuối cùng đương nhiên cũng khó đáp ứng được thị trường quốc tế.

Hai là phương pháp tính điểm. Tức là sau khi toàn bộ linh phụ kiện của một sản phẩm được tính ra, mỗi bộ phận đã có một điểm số cố định, sau đó căn cứ vào linh phụ kiện có thể sản xuất trong nước của sản phẩm đó, điểm số của hai phần này sẽ quyết định tỷ lệ tự chế. Thái Lan là nước lựa chọn biện pháp tính điểm cố định.

Nhược điểm của phương pháp này là thiết kế và chức năng sản phẩm công nghiệp của các nước trên thế giới khác nhau, đưa ra điểm số nhất định cho từng linh kiện sẽ dễ bỏ qua việc thu hút và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, đồng thời ảnh hưởng đến việc đổi mới các phương pháp thiết kế, chế tạo linh kiện, cũng như những thay đổi trong sử dụng nguyên liệu và việc giảm giá thành.

Ba là phương pháp so sánh giá thành. Tức là giá thị trường quốc tế của linh kiện sản xuất trong nước sẽ chiếm phần trăm nhất định trong tổng giá trị linh kiện cần cho cả sản phẩm. Bồ Đào Nha là quốc gia áp dụng phương pháp này.

Nhược điểm của phương pháp này là cần dựa vào giá thị trường quốc tế thực tế, đáng tin cậy do hải quan các nước cung cấp mới có thể tính toán chuẩn xác tỷ lệ tự chế. Ưu điểm của phương pháp này là có thể khuyến khích phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Bốn là phương pháp chỉ định hạng mục. Trong các sản phẩm do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, chỉ định bắt buộc phải sử dụng linh kiện nội địa nào đó. Iceland đã dùng phương pháp này.

Năm là phương pháp tổng hợp. Tức là sử dụng kết hợp cả phương pháp so sánh giá thành và phương pháp chỉ định hạng mục. Do tính năng kỹ thuật của các linh kiện nhập khẩu khá cao nên muốn đạt đến mục đích thu hút kỹ thuật, cách tính tỷ lệ tự chế của nó ngoài việc tính toán giá thành thị trường quốc tế ra, cần quy định các linh kiện quan trọng phải chế tạo trong nước, như vậy mới có thể thúc đẩy sự nâng cấp kỹ thuật và công nghiệp

(Theo Vneconomy)

  • Hệ luỵ, đặc trưng của nền kinh tế thị trường thiếu minh bạch
  • Dự báo CPI đạt đỉnh 22% vào tháng 6 của WB có khả thi?
  • Kinh doanh xăng dầu: Có nên gỡ nút thắt cho nền kinh tế?
  • WB: Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong giai đoạn 2011-2013
  • Xăng dầu Việt Nam sẽ đắt hơn các nước lân cận?
  • Chờ giảm giá xăng dầu
  • Chờ xăng, dầu... nhập lậu
  • “Nghịch lý của sự trù phú”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi