Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp là trung tâm!

Phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường đang là yêu cầu bức thiết. Trong đó, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò rất lớn trong đầu tư bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Không tuân thủ nguyên tắc sản xuất, Công ty Vedan đã xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Thị Vải

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược - Chính sách công nghiệp (IPSI, Bộ Công thương), nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường của các DN cho 18 ngành và lĩnh vực kinh tế ảnh hưởng lớn tới môi trường hiện lên tới 120.000 tỷ đồng (tương đương 7,6 tỷ USD).

Ví dụ, ngành dầu khí cần tới 23.400 tỷ đồng để đầu tư xử lý chất thải từ hoạt động khoan, tìm kiếm, thăm dò và khai thác; xử lý mùn khoan thải và dung dịch khoan; xử lý cặn dầu từ các thùng chứa xăng dầu; xử lý nước vỉa. Hay như ngành dệt may cần tới 5.220 tỷ đồng để đầu tư xử lý nước thải nhuộm, xử lý bụi của nhà máy sợi. Ngành khai thác than và khoáng sản cần 10.800 tỷ đồng đầu tư xử lý bụi trong khai thác than, khôi phục và hoàn thổ khu vực khai thác.

IPSI cũng công bố, ngành hoá chất cần 7.400 tỷ đồng, ngành giấy cần 8.770 tỷ đồng, ngành thép cần 12.000 tỷ đồng, ngành điện lực cần 12.420 tỷ đồng, ngành xi măng cần 2.600 tỷ đồng, ngành thủy sản cần 16.000 tỷ đồng... để đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường trước những tác động từ mặt trái của sản xuất, kinh doanh.

Đây là nguồn kinh phí khổng lồ và Nhà nước không thể sử dụng ngân sách cho toàn bộ khoản đầu tư này. Bên cạnh đó, theo ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng IPSI, đầu tư cho bảo vệ môi trường nếu chỉ sử dụng ngân sách nhà nước, thì không đem lại hiệu quả. “Các chính sách hiện tại vẫn nặng về bao cấp, hoặc chưa làm rõ trách nhiệm của DN. Mọi nỗ lực sẽ là rất nhỏ, nếu không được cộng đồng DN hưởng ứng.

Giả sử, Nhà nước chi tới 5.000 tỷ đồng (một con số rất lớn trong chi ngân sách), thì cũng chỉ bằng việc huy động 2,5 triệu đồng/DN/năm”, ông Tuất nói và cho rằng, về dài hạn, nếu vẫn sử dụng ngân sách trong bảo vệ môi trường, thì sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng DN xả thải ra môi trường, đe doạ tới sự phát triển bền vững.

Phân tích vai trò của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường trước áp lực sản xuất ngày càng phát triển, ông Tuất khẳng định, cộng đồng vừa là lực lượng, vừa là nguồn lực hết sức quan trọng. Chỉ có sự tham gia của cộng đồng DN (chia sẻ các đóng góp) mới có cơ sở để giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay.

“Thực tế qua điều tra tại các làng nghề, nơi mà các quan hệ dòng họ quan trọng hơn những định chế bắt buộc khác, thì vai trò của cộng đồng địa phương là rất quan trọng. Cộng đồng chính là đối tượng bị ảnh hưởng trước hết, ở gần nhất, trở thành nhân tố giám sát tốt nhất và chính họ hiểu rõ nhất cách thức giải quyết những vấn đề môi trường và sức khoẻ liên quan.

Sự tham gia của cộng đồng trên thực tế còn tạo ra sự cảm thông chia sẻ (đất đai, sự chấp thuận và cả nguồn lực đáng kể khác) mà thiếu nó, DN không thể giải quyết những vấn đề môi trường trong nhiều trường hợp”, ông Tuất nói.

IPSI phân tích, trong các chính sách bảo vệ môi trường công nghiệp, việc phòng ngừa từ DN là quan trọng nhất. Điều này được lý giải rằng, bản chất của những vấn đề môi trường trong DN cũng chính là những vấn đề của sản xuất, như năng lượng, nguyên vật liệu... Vấn đề là năng lực lựa chọn của DN với các công nghệ phù hợp nhất.

Cơ quan này cũng cho rằng, để DN thực sự quan tâm tới đầu tư bảo vệ môi trường, Nhà nước cần cho phép DN hạch toán môi trường trong bảng cân đối chung như là những chi phí hợp pháp trước thuế. Nếu không có cơ chế phù hợp, thì DN sẽ không thể giải quyết vấn đề tự đầu tư cho bảo vệ môi trường.

Một thực tế đáng mừng là, ngày càng có nhiều các DN trong nước quan tâm tới vấn đề đầu tư cho sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, cũng như cung ứng các sản phẩm bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng. Đáp ứng nhu cầu đó, năm nay, Triển lãm và Hội thảo quốc gia về sản phẩm và công nghệ thân thiện môi trường (Vietnam EFProtech 2009) sẽ được tổ chức từ ngày 17 đến 20/3, tại Hà Nội.

Tại đây, các loại sản phẩm, công nghệ thân thiện môi trường của các DN Việt Nam và nước ngoài sẽ được giới thiệu. Triển lãm cũng trưng bày công nghệ và thiết bị kiểm soát ô nhiễm không khí xử lý thải và bụi, hoá chất và thiết bị nước, thiết bị và hệ thống quan trắc... Cùng với đó là các dịch vụ quản lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại, xử lý nước thải cũng như các phương án để quản lý tài nguyên nước, tái tạo tài nguyên…

Trong khuôn khổ Triển lãm, sẽ diễn ra Hội thảo quốc gia về sản phẩm và công nghệ thân thiện môi trường, thu hút sự quan tâm của giới chuyên ngành, cũng như đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Triển lãm sẽ mở ra nhiều cơ hội, cũng như sẽ có nhiều cơ chế mở hơn cho các DN trong chủ động đầu tư cho bảo vệ môi trường

 

 

( Theo báo Đầu tư )

  • Quý I, GDP cả nước tăng 3,1% so cùng kỳ
  • Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Năm 2010: Việt Nam sẽ phục hồi đà tăng trưởng
  • Đang xây dựng đề án tái cấu trúc kinh tế Việt Nam
  • Đã thấy những tín hiệu phục hồi kinh tế đầu tiên
  • Suy giảm kinh tế đã chậm lại
  • Phải xuất phát từ lợi ích chung
  • Chiếm lĩnh thị trường nội địa: Từ “biên giới mềm” đến “thưởng thức cuộc sống”
  • Để tái cấu trúc nền kinh tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi