Trước những thua thiệt đủ đường của nghề nông, một bộ phận nông dân trẻ của ĐBSCL đang bon chen đổ về các thành phố lớn trong cuộc mưu sinh.
Theo những người già ở miền Tây, nhiều đời nay, cứ vào đầu vụ gặt, lao động thời vụ từ các nơi hăng hái đổ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), họ dựng lều gần các thửa ruộng để tiện cho việc cắt lúa thuê tới khi kết thúc mùa thu hoạch mới rời đi. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước.
Cuối tháng 6 vừa rồi, Đồng bằng sông Cửu Long vào lúc cao điểm thu hoạch lúa hè thu, nhưng hầu như nhà nào cũng gặp khó khăn trong thuê mướn nhân công. Không có người từ nơi khác đến làm thuê, thậm chí ngay cả lao động tại chỗ, lao động trong từng gia đình cũng trở nên khan hiếm. Trên các cánh đồng miền Tây, hầu như chỉ thấy người già và trẻ con. Chuyện này đã xảy ra trong nhiều năm.
Dường như chuyện thiếu nhân công cắt lúa đang ngày càng trầm trọng.
"Đầu vụ gặt giá công cắt lúa đã là 140.000 đồng/công (1.000 m2), hiện nay đã tăng lên 200.000 đồng/công đối với lúa đứng. Và khoảng 250.000 đồng/công để thu hoạch lúa đổ, lúa ở vùng xa kênh mương. Giá cao ngất ngưởng như vậy mà tìm vẫn không kêu được người làm". Trở về từ một trung tâm giới thiệu việc làm trong vùng, lão nông Bảy An ở xã Láng Biển (Đồng Tháp) không khỏi lo lắng.
Không muốn làm nông dân
Chuyện nông dân ly hương không còn là chuyện mới mẻ gì. Cách nay mấy năm, tại một cuộc hội thảo qui mô, TS. Phạm Duy Nghĩa đã khuyến cáo 3 nguy cơ rất rõ ràng đối với những người dân quê. Theo ông, đó là "chuyện nông dân mất ruộng, nông dân chán ruộng và nông dân chán thôn quê".
Dường như chuyện thiếu nhân công cắt lúa đang ngày càng trầm trọng. Ảnh minh họa: Thu Hà |
Các báo cáo khoa học được thông tin rộng rãi cũng xác nhận thực tế một bộ phận nông dân không muốn làm nông dân nữa. Thậm chí có người còn lý giải không né tránh, "do lợi nhuận từ làm lúa không đủ trang trải cuộc sống. Với người già, nhu cầu thường không cao nên cố co kéo thì cũng tạm đủ. Nhưng với giới trẻ thì khác, họ rất nhạy cảm trước những thiệt thòi do chênh lệch mức sống giữa nông thôn - thành thị. Đi tìm một cuộc mưu sinh tốt đẹp hơn đó là tâm lý rất đời thường".
Điều đó giải thích vì sao "ngày càng có nhiều nông dân trẻ hoặc di cư vào thành phố hoặc đi lấy chồng nước ngoài với mong ước có thu nhập cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Họ mong kiếm được chút tiền trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình", như quan sát của ông Nguyễn Văn Sơn, một nghiên cứu viên có uy tín của Trung tâm nghiên cứu Phát triển ĐBSCL.
Chưa được làm thị dân
Có điều, lực lượng lao động đang hăng hái nhập cư vào các đô thị một cách bất đắc dĩ này lại đang gặp một số vấn đề do chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, ví dụ như trình độ lao động, văn hoá, lối sống... nên họ phải chấp nhận làm những công việc giản đơn cực nhọc chẳng kém làm nghề nông, sống co cụm trong những khu vực nhếch nhác, thiếu thốn đủ đường, hầu như chưa cải thiện được cuộc sống.
Ông Sơn kể, có những cô gái trẻ vào thành phố làm thợ may công nghiệp, một tháng được 2 triệu, gửi về cho gia đình 800.000, chỉ còn lại 1.200.000. Khoản tiền ít ỏi này khiến họ rất chật vật trong bối cảnh lạm phát.
Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng nhận thấy, lực lượng lao động trẻ đang làm việc tại các khu công nghiệp chỉ là bán sức lao động bằng cơ bắp, thu nhập không hơn gì ở nông thôn với công việc cắt lúa mướn".
Vậy mà chẳng mấy người muốn quay về làm nông dân. Vì lý do thứ nhất là kiếm sống. Lý do thứ 2 là tự trọng lại càng phải đi kiếm tiền, vì quan niệm làm công nhân vẫn hơn là làm nông dân. Và, thứ 3, ở nông thôn không có gì để giải trí, để chơi nên đi lên thành phố vẫn là cơ hội để người trẻ có thể tiếp xúc với văn minh.
Bài học của người Bulgari
Vẫn còn nguyên bài học của Bulgari. Khi không còn nông nghiệp nữa, đồng ruộng bỏ hoang... và nông dân chán làm nông nghiệp, kéo ra thành thị đã biến một quốc gia có nền móng nông nghiệp tốt thành một quốc gia phải nhập khẩu gần như toàn bộ lương thực.
Theo các nhà chiến lược, việc giảm thiểu tỷ lệ nông dân, gia tăng tỷ lệ thị dân sẽ được ghi nhận như một kết quả của phát triển. Vì nếu kéo được nông dân ra thành thị đồng nghĩa với việc sẽ tăng được ruộng đất ở nông thôn, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển hơn, và nếu làm được như vậy thì quá tốt. Nhưng ở ĐBSCL, việc di cư ra thành thị đang xảy ra một cách tự phát, không có quy hoạch, chưa có một sự chuẩn bị nào của Nhà nước, của thị trường...
Quá trình đang diễn ra chủ yếu hiện nay là "nhân khẩu nông nghiệp thừa" đang hăng hái di chuyển ra thành thị với khát vọng thoát nghèo. Chính điều này đang tạo ra áp lực lên các đô thị lớn như TP.HCM. Thực tế từng diễn ra ở nhiều nước đã cho thấy, nếu chính phủ không ứng xử tế nhị, trong chừng mực, những cuộc di cư bất đắc dĩ như vậy sẽ kéo theo những phiền toái xã hội khó lường.
Vì vậy, TS. Phạm Duy Nghĩa tư vấn chính sách, "muốn dân không chán ruộng, phải xem lại các chính sách tác động tới nông sản nhằm giúp nông dân được lợi. Nông dân chỉ bám ruộng khi nông sản được giá, nông sản chỉ có giá khi được người mua tin dùng, cái vốn xã hội lớn lao dành cho nông sản Việt Nam chỉ có thể tạo ra với một thái độ rõ rệt của nhà nước.
Không ai muốn và có lẽ cũng chẳng ai có thể chối bỏ quê hương, song nếu mức sống đô thị và nông thôn quá xa khác thì nước ta còn chứng kiến những cuộc di dân to lớn hơn nữa hướng ra phố. Điều này phá nát đô thị và cũng xô đổ văn hoá nông thôn. Việc điều tiết lớn lao này không thể do thị trường, đó là trách nhiệm của Nhà nước, càng bắt đầu muộn càng thêm tốn kém", ông Phạm Duy Nghĩa nói trong một cuộc hội thảo.
------------------------------------------------------------
Tác giả: Thu Hà // Tuần Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com