Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

3 mối lo với nền kinh tế: Lạm phát, lãi suất và nhập siêu

Báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội khóa XIII, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng kinh tế đất nước đang đứng trước những khó khăn rất lớn, trong đó có lạm phát, lãi suất và nhập siêu.

Vì vậy, Chính phủ khẳng định sẽ duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ thắt chặt từ nay đến cuối năm, nhưng với các giải pháp linh hoạt hơn trước những biến động của kinh tế vĩ mô

Điểm nổi bật trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và định hướng cho giai đoạn còn lại của năm 2011 là việc chỉ ra những thách thức, cũng như xác định rõ các mục tiêu cần ưu tiên trong hoạt động điều hành.

Kết thúc 6 tháng, tốc độ tăng GDP của cả nước đạt 5,57%, khiến mục tiêu tăng trưởng cả năm khó đạt 7-7,5% như dự kiến. Chỉ số giá tiêu dùng, trong khi đó tăng 13,29%, gấp đôi so với mức Quốc hội phê duyệt cho cả năm là không quá 7%. Tuy vậy, nhập siêu được kiềm chế ở mức 15,72% giá trị xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu dưới 18%. Thu ngân sách, trong điều kiện kinh tế khó khăn vẫn đạt 55,1% dự toán cho cả 2011. Đầu tư phát triển được khống chế ở mức dưới 38,3% trong khi dự trữ ngoại hối được bổ sung khoảng 4 tỷ USD.

Trước những khó khăn lớn của kinh tế thế giới và trong nước. Những kết quả nêu trên được Chính phủ đánh giá là tích cực, đáng khích lệ. Tuy nhiên trong báo cáo trình bày trước Quốc hội, đại diện Chính phủ là Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra những “khuyết tật” lớn của nền kinh tế hiện nay. Trong những vấn đề này, có cái ngắn hạn, cần giải quyết ngay, có những vấn đề dài hạn cần làm trong nhiều năm tới.

Về ngắn hạn, Chính phủ chỉ ra 3 vấn đề lớn, đứng đầu là lạm phát. CPI trong 2 tháng gần đây có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao, vượt xa chỉ tiêu cho phép. Nguyên nhân của hiện tượng này, theo báo cáo, chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài như giá lương thực, xăng dầu, tình trạng lạm phát cao diễn ra ở nhiều nước nên thế giới. Trong nước, dư âm của việc sử dụng gói kích cầu từ năm 2008 đến 2010 và việc tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương… cũng tác động đáng kể đến đà tăng giá.

Bổ sung cho Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, bên cạnh những yếu tố nói trên, những yếu kém nội tại của nền kinh tế (thâm hụt thương mại lớn, kéo dài, bội chi ngân sách nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…) mới là nguyên nhân chính gây lạm phát. Những tháng đầu năm 2011, việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu điều chỉnh tỷ giá, tăng lãi suất dồn dập, cộng với sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý… cũng góp phần đẩy gây phản ứng tăng giá dây chuyền.

Vấn đề lớn thứ 2 được Chính phủ nhìn nhận là mặt bằng lãi suất hiện nay rất cao, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh. Lãi suất huy động bình quân hiện tăng khoảng 2,9% so với thời điểm cuối năm 2010. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khá lớn. Việc vay vốn tín dụng của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng. Tiềm lực của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán tuy đã được tăng cường nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Cùng với đó, nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đã có dấu hiệu cải thiện trong những tháng đầu năm nhưng vẫn còn cao (khoảng 6,65 tỷ USD). Điều này trực tiếp gây sức ép lên tỷ giá, thị trường và dự trữ ngoại hối, lãi suất cho vay.

Theo nhận xét của Ủy ban Kinh tế, tỷ lệ nhập siêu tuy có giảm (chiếm 15,72% xuất khẩu, so với mục tiêu dưới 18% của cả năm) nhưng xu hướng giảm chưa bền vững, do chịu tác động của yếu tố tăng giá và xuất khẩu kim loại quý. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa xa xỉ vẫn không suy giảm (nhập ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy tăng 70%, đá quý tăng 20%...).

Chính phủ cho rằng trong thời gian còn lại của năm 2011 và 2012, tình hình kinh tế - xã hội vẫn ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn tiềm ẩn do tác động của cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Thời gian tới, Chính phủ sẽ nỗ lực điều hành để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 2011 ở mức khoảng 6%. Đây là mức tăng trưởng hợp lý nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đồng thời, tạo tiền đề để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2012 và cao hơn trong những năm sau.

Về lạm phát, Chính phủ đề ra mục tiêu giữ CPI cả năm ở mức 15-17%, mặc dù theo Ủy ban Kinh tế, đây là con số khó đạt được. Trong những năm sau, Chính phủ cho biết sẽ phần đấu đưa lạm phát giảm dần về một con số và thấp hơn tốc độ tăng trường. Một số chỉ tiêu khác cũng được dự kiến là sẽ hoàn thành trong năm nay như khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 20%, nhập siêu không quá 15-16% xuất khẩu, bội chi ngân sách dưới 5% GDP.

Để thực hiện những mục tiêu này, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục kiên định chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt. Riêng tăng trưởng tín dụng sẽ được điều hành hợp lý theo quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt là vào các thời điểm mùa vụ sản xuất, kinh doanh khi nhu cầu vốn tăng cao. Tuy nhiên, theo lưu ý của Ủy ban Kinh tế, việc làm này cần được tính toán kỹ lưỡng, giải ngân tín dụng và vốn ngân sách đều trong năm, tránh tình trạng khối lượng tiền tăng cao vào cuối năm, gây sức ép cân đối tiền - hàng, làm gia tăng lạm phát.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm quản lý giá cả - thị trường, đặc biệt là việc đăng ký, niêm yết giá. Cơ quan chức năng cũng sẽ có biện pháp cần thiết để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhanh chóng miễn giảm một số sắc thuế, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Trong tháng 10 tới, Chính phủ cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tăng lương tối thiểu theo vùng, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhật Minh/VNex

  • FDI cả nước 7 tháng ước hơn 9 tỷ USD
  • Nhận định của Chính phủ: CPI năm 2011 tăng ở mức 15-17%
  • Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng cao
  • Thiếu thông tin: trở ngại lớn để tham gia thị trường hàng hóa
  • Nhận diện lại FDI : “Mặt trái của tấm huân chương”
  • Việt Nam: Để chiến lược biển không còn nằm trên giấy
  • CPI tháng 7 có thể tăng tốc trở lại
  • Những “đầu tầu” đẩy… CPI
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi