Mặc dù trong thời gian qua có nhiều đề tài, dự án ứng dụng khoa học - công nghệ (KH&CN) được triển khai tại Cà Mau, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Phú Cường, Giám đốc Sở KH&CN Cà Mau, chỉ khoảng 30% nông dân Cà Mau tiếp cận được với KH&CN.
Đây quả là con số quá "khiêm tốn" khi vai trò của KH&CN ngày càng có vị trí quan trọng trong việc làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân.
Nông dân huyện U Minh áp dụng khoa học - kỹ thuật trồng cây ăn trái đạt kết quả cao. Ảnh: ĐỨC TOÀN |
Khi dự án đủ sức lan tỏa
Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm đã áp dụng phương pháp nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả khá cao.
Ưu điểm của mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học là tạo môi trường sạch, chi phí thấp, tôm phát triển nhanh và hạn chế dịch bệnh, nhất là bệnh đốm trắng, đầu vàng, phân trắng.
18 hộ dân ở ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước là những điển hình trong phong trào nuôi tôm quảng canh cải tiến có sử dụng chế phẩm sinh học. Đề tài "ứng dụng chế phẩm sinh học EMOZEO (EM) trong xử lý môi trường nước, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến" được Trung tâm thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ triển khai.
Chú Sáu Do (Nguyễn Thành Do), Chủ nhiệm HTX Thắng Lợi, một trong những người hưởng lợi từ đề tài, cho biết: "Ưu điểm nổi bật của việc nuôi tôm theo phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học EM là cải thiện chất lượng nước, làm phân hủy nhanh các chất cặn bã hữu cơ, nhất là các chất dư thừa từ thức ăn của tôm, ổn định độ pH (độ phèn), hạn chế ô nhiễm môi trường nước, đất… giúp người nuôi tôm thu được hiệu quả kinh tế cao và bền vững".
Nếu như trước đây, các thành viên của HTX chỉ có thể thu được khoảng 300-320 kg/ha/năm (2 vụ), thì giờ đây con số đó là 500-700 kg/ha/vụ nuôi. Chính kết quả này đã nói lên được "sức hút" của đề tài đối với người dân.
Thực ra mô hình này không phải là mới với bà con, vì nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đã được nông dân sử dụng từ lâu. Có điều sử dụng với liều lượng như thế nào để đạt kết quả cao thì bà con không biết.
Chú Sáu Do cho biết: "Sau khi được thực hành dự án, bà con xã viên đã biết được cách sử dụng thuốc một cách khoa học hơn, bài bản hơn. Từ kết quả ban đầu của dự án, hiện tại có rất nhiều bà con xin được tham gia".
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đình Văn, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và ứng dụng khoa học - công nghệ, đồng thời là chủ nhiệm đề tài, cho biết: "Giai đoạn 2 của đề tài không thể mở rộng thêm. Tuy nhiên, để khuyến khích tinh thần ham học hỏi của bà con, chúng tôi sẽ "xé rào" bằng cách hỗ trợ về kỹ thuật cho những bà con ngoài dự án. Nghĩa là khi những người trong dự án làm gì thì những người ngoài dự án vẫn làm y như thế. Từ việc cải tạo ao đầm bằng chế phẩm sinh học đến việc chọn lựa con giống,… trong quá trình hướng dẫn bà con trong dự án thì kỹ sư cũng tranh thủ tư vấn để bà con ngoài dự án nhân rộng mô hình".
Nông dân Cái Nước trao đổi với kỹ sư về đề tài trồng cây ăn trái trên đất nhiễm mặn.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh học ngày càng được nhân rộng và đã bước đầu có sức lan tỏa trong sản xuất của người dân Cà Mau.
Tuy nhiên, những đề tài có sức lan tỏa trong nông dân như thế chưa nhiều.
Để nông dân tiếp cận với khoa học - công nghệ
Trong Hội thảo khoa học bàn về việc ứng dụng KH&CN vào cuộc sống vừa qua được tổ chức tại Cà Mau, các tham luận tập trung vào những nguyên nhân khiến nông dân khó tiếp cận với KH&CN.
Trước hết, đó là do công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế. Đây là công tác được Nhà nước quan tâm. Song, hằng năm kinh phí đầu tư để mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT còn hạn chế.
Theo thống kê bình quân mỗi năm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ mở được khoảng 300 lớp tập huấn với số lượng nông dân tham dự 10.000 người, chiếm 5,54% so với số hộ sản xuất trong toàn tỉnh.
Hình thức tổ chức và chất lượng các lớp tập huấn chuyển giao KHKT còn những mặt hạn chế như: chưa đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng nông dân, thiếu trang thiết bị, phương pháp tập huấn cổ điển một chiều, còn mang nặng tính lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp kiến thức cho người sản xuất.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình dự án khuyến nông, khuyến ngư chuyển giao kỹ thuật cho nông dân hằng năm cũng còn nhiều hạn chế do nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Ngân sách tỉnh cấp cho hoạt động xây dựng mô hình khuyến nông, khuyến ngư khoảng 1-1,2 tỷ đồng. Kinh phí trên chỉ thực hiện được từ 5-7 mô hình/năm.
Thực tế cho thấy, hiệu quả qua các mô hình thực hiện còn mang tính dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ nên chưa phát huy hiệu quả cao để thuyết phục nhân dân nhân rộng. Khi "hết tiền" thì người dân cũng "quên" luôn dự án.
Đội ngũ làm công tác thông tin tuyên truyền chuyển giao KHKT còn yếu và thiếu so với nhu cầu. Theo thống kê, tổng số cán bộ trực tiếp làm công tác chuyển giao KHKT ở cơ sở toàn tỉnh hiện mới chỉ có 230 người.
Như vậy bình quân 1 cán bộ trực tiếp quản lý 1.600 ha đất và 783 hộ sản xuất. Trong khi đó, kiến thức và trình độ chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng trong giao tiếp, truyền đạt của các cán bộ này còn rất hạn chế, ít kinh nghiệm và chỉ tập trung chủ yếu vào trồng lúa, nuôi tôm, nuôi cá.
Trong khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất gần đây đặt ra nhiều yêu cầu hơn về chuyên môn kỹ thuật như: chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng các loại cây, con mới…
Trang thiết bị phục vụ cho công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật chưa được đầu tư đúng mức nhất là ở các địa phương. Những lý do trên làm cho các tiến bộ KHKT khó đến với nông dân.
Để người nông dân tiếp cận được các đề tài dự án, ứng dụng vào sản xuất, từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất, không còn cách nào khác ngoài việc các ngành có liên quan cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém trên để nông dân Cà Mau có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần phát triển nền kinh tế tỉnh nhà./.
(Theo Ngọc Huệ // Báo Cà Mau )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com