Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải pháp hiệu quả ngăn chặn suy giảm kinh tế

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2009 được xác định là ngăn chặn suy giảm kinh tế. Vậy, sử dụng phương thức và giải pháp nào là hiệu quả và có lợi nhất? Tuy nhiên, cần nhận thức rõ ổn định kinh tế vẫn là điểm mấu chốt, ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, là tiền đề tiên quyết để triển khai thành công giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Sản xuất không có đầu ra
 

Khủng hoảng tài chính thế giới đã qua giai đoạn kinh hoàng nhất, song diễn biến còn đầy phức tạp, khó lường. Tác động của cuộc khủng hoảng này được nói nhiều đến là suy giảm nhu cầu nhập khẩu từ thế giới và giá cả hàng hóa xuất khẩu giảm; thu hút đầu tư nước ngoài khó khăn; suy giảm kiều hối. Theo chúng tôi, còn hai tác động tổng thể, lớn hơn mang tính nguy cơ mà ít được quan tâm.
 
 
Một là, hệ quả trực tiếp của ba yếu tố trên là nguy cơ thâm hụt cán cân vãng lai tăng... đe dọa sự ổn định vĩ mô;
 
 
Hai là, sự thay đổi mặt bằng giá quá lớn, hiệu ứng các gói kích thích mạnh của các nước đã làm thay đổi cục diện, phương thức cạnh tranh; trong đó sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ giảm mạnh cả tuyệt đối lẫn tương đối. Ðây là nguy cơ tổng hợp lớn nhất đối với nước ta. Năm 2009, cạnh tranh bằng giá cả giữ vai trò quyết định và sẽ hết sức khốc liệt.
 
 
Cần khẳng định khó khăn của khu vực sản xuất là chồng chất. Chưa thoát khỏi chu kỳ sản xuất với chi phí rất cao thì khu vực này lại phải đối đầu ngay với "cú sốc" giảm giá kinh hoàng trên thế giới khiến cho hàng loạt doanh nghiệp (DN) lao đao (nguy cơ thua lỗ nặng bởi mua đắt, bán rẻ mà vẫn khó tiêu thụ). Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các DN không phải là vốn, mà là sức mua đang giảm mạnh ở cả thị trường trong nước lẫn thế giới.
 
 
Căn cứ vào động thái phát triển kinh tế, chỉ số kinh tế vĩ mô chủ yếu, diễn biến ở các lĩnh vực ba tháng gần đây, có thể đưa ra hai nhận định tổng quát. Khó khăn hiện nay là khó khăn mang tính hệ thống, đan xen, chuyển hóa lẫn nhau nhanh và dễ biến thành nguy cơ, thách thức; do cộng hưởng mạnh với biến động giá quốc tế nên tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến kinh tế Việt Nam là toàn diện, cả trực tiếp và gián tiếp, cả trước mắt lẫn lâu dài theo hướng ngày càng gia tăng và gay gắt. Bên cạnh đó, nút thắt xâu chuỗi khó khăn của nền kinh tế nước ta hiện nay là sản xuất không có đầu ra, nếu không giải quyết nhanh thì kinh tế sẽ lún sâu vào tình cảnh ngày càng khó khăn, thậm chí bế tắc.
 
 
Cùng với thách thức, nước ta có lợi thế như chính trị ổn định, triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn tốt, Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn và triển vọng của nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản đã được ký. Các tổ chức quốc tế cho rằng, Việt Nam đã được chuẩn bị tốt để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn sắp tới...
 
 
Khâu đột phá ngăn chặn suy giảm kinh tế
 
 
Chính phủ ra Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, cách đặt vấn đề trong nghị quyết là đúng, tập trung vào giải quyết khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Tuy nhiên có một số vấn đề cần lưu ý thêm.
 
 
Một là, tiêu điểm các giải pháp kinh tế là DN nhỏ và vừa (DNN&V). Vấn đề đặt ra là với hiện trạng khu vực kinh tế này liệu có giúp ngăn chặn suy giảm kinh tế không? Không chỉ hiện tại mà sản phẩm vòng tới của khu vực này liệu có đủ sức đối phó với áp lực cạnh tranh khốc liệt bằng "giá rẻ" của hàng ngoại ngay tại sân nhà? Ðiều gì sẽ xảy ra khi không kiểm soát được mục đích sử dụng vốn của họ? Nguy cơ phân bổ nguồn lực sai và không tạo được sức bật chặn đà suy giảm là có thể xảy ra.
 
 
Hai là, khó khăn lớn nhất của nền kinh tế là bế tắc đầu ra thì giải pháp chưa đủ tầm. Nếu không giải quyết kịp thời thì hàng loạt DN cả lớn và nhỏ sẽ lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn... Không lo khâu tiêu thụ mà cứ rót vốn vào các DN kém hiệu quả, sức cạnh tranh yếu thì chỉ có thể nhận lấy kết cục kinh tế trì trệ ở quy mô lớn hơn, tựa như ách tắc giao thông khi dòng người càng xô đẩy, chen lấn thì tình hình càng bế tắc.
 
 
Ba là, việc cho các DN yếu kém vay vốn mà không kiểm soát chặt chẽ thì hậu quả sẽ khôn lường. Hiệu ứng hỗ trợ lãi suất (4%) của 1 tỷ USD dự kiến lượng tín dụng ưu đãi lên tới 420.000 tỷ đồng, cùng với các kênh khác có thể đưa trạng thái tín dụng trở về thời kỳ cuối năm 2007, vấn đề sẽ nguy hiểm khi nó kích thích việc vay bừa, làm liều vì nợ quá hạn không bị phạt...
 
 
Bốn là, việc tung một lượng tiền lớn để kích cầu cần bàn kỹ bởi năng lực ngân sách Nhà nước (NSNN) rất hạn chế; nếu sử dụng phí phạm thì hậu quả là khủng khiếp. Theo tôi, nếu cần thì chúng ta chỉ nên dùng gói "kích thích kinh tế" tổng lực 2-3 tỷ USD.
 
 
Năm là, hiệu ứng kích cầu tiêu dùng thấp do lạm phát cao. Cái người dân cần là hàng giá rẻ, nếu không điều chỉnh giá thì hàng Trung Quốc thắng thế.
 
 
Chúng ta có lợi thế để đưa ra được đối sách tốt (kinh tế không bị khủng hoảng hủy diệt, kinh tế vĩ mô được ổn định đúng thời điểm...). Có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, song không sao chép vì mục tiêu và xuất phát điểm đưa ra giải pháp của nước ta rất khác. Từ mục tiêu, cần giải pháp kích thích toàn bộ nền kinh tế theo nguyên tắc tác động vào khu vực mạnh nhất, có sức sống nhất, sử dụng vốn hiệu quả nhất thì mới thay đổi được cục diện. Về đối tượng, phải tác động ngay, trực tiếp vào khâu then chốt, đã và đang là điểm thắt lớn nhất của nền kinh tế, đó là đầu ra của sản xuất. Chủ trương hỗ trợ DNN&V khó khăn nhưng có tương lai, coi phá sản đối với DN quá yếu kém là giải pháp lột xác để phát triển; khuyến khích thành lập DN mới, tiếp cận ngay điều kiện sản xuất mới.
 
 
Ðể ngăn chặn suy giảm kinh tế thì thủ pháp chính phải là động lực, giải pháp thúc đẩy kết hợp với lực kéo đầu ra và kích cầu. Trong ngăn chặn suy giảm kinh tế hiện nay, sau khi đã tạo ra mặt bằng lãi suất hợp lý thì chính sách tiền tệ cần tập trung vào giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô... còn chính sách tài chính phải giữ vai trò quyết định. Kết hợp tốt giải pháp cấp bách với giải pháp dài hạn để ứng phó với thời kỳ hậu khủng hoảng. Giải pháp cần đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ sản xuất, giữ vững thị trường nội địa, phát huy lợi thế xuất khẩu, giữ chân và thu hút FDI mới.
 
 
Trên cơ sở đó, cần triển khai các giải pháp sau.
 
 
Thứ nhất, chưa nên tăng giá điện vào thời điểm này (đừng tự tạo thêm khó khăn cho DN lúc này).
 
 
Thứ hai, với chính sách tài khóa, cần giảm đầu tư nhà nước, rút nguồn lực ra khỏi các dự án kém hiệu quả để dành cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, an sinh xã hội. Triển khai nhanh, đồng loạt các dự án đầu tư năm 2009 nhằm tiêu thụ hàng hóa.
 
 
Thứ ba, năm 2009 nên thay cơ chế giảm, giãn thuế thu nhập DN hiệu quả thấp bằng giải pháp giảm đồng loạt thuế thu nhập DN (có thể giảm từ 25% xuống 20% hoặc 15%, theo chúng tôi, nên là 15%). Ðây là giải pháp tốt nhất đạt đồng thời nhiều mục tiêu như hỗ trợ đúng, ngay lập tức vào khu vực mạnh nhất, hiệu quả nhất mà không cần bất cứ cơ chế nào; tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư, thúc đẩy giải ngân, thu hút FDI mới; DN có điều kiện giảm giá để kích cầu tiêu dùng, giữ thị trường nội địa; nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế...
 
 
Thứ tư, kích cung phải gắn với tăng tổng cầu. Ðây là thời điểm tốt để cải cách lương mà không sợ lạm phát. Trong gói kích thích tổng thể 2-3 tỷ USD, đối tượng được kích mạnh nhất lần lượt là khu vực xuất khẩu, tiếp đến là DNN&V, cuối cùng là các DN lớn, DN FDI. Giảm đồng loạt thuế thu nhập DN là giải pháp mạnh, cơ bản cần được kết hợp với các giải pháp lớn khác (cải cách thể chế kinh tế, nhất là khu vực tài chính - tiền tệ; điều chỉnh phương thức tăng trưởng theo hướng chú trọng hiệu quả, chất lượng; tái cơ cấu nền kinh tế sao cho có thể tăng năng suất và tận dụng tối đa tiềm năng phát triển chưa được giải phóng...).
 
 
Trước mắt để tháo gỡ đầu ra, trong ba đến sáu tháng tới, cần phối hợp các biện pháp như Nhà nước hỗ trợ thuế, lãi suất, DN chủ động giảm giá để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. DN nên giải phóng nhanh hàng tồn kho để chớp thời cơ nhập khẩu công nghệ hiện đại giá thấp.
 

TS Lê Hải Mơ
Phó Viện trưởng Khoa học Tài chính
(Bộ Tài chính)

( Theo báo điện tử Nhân dân)

  • Dự toán thu NSNN năm 2009 đạt 389.300 tỷ đồng
  • 6 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển KTXH năm 2009
  • 2009: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2009 chỉ đạt 1 con số
  • Doanh nghiệp - Doanh nhân Chiến lược ứng phó của DN lớn
  • 2009: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2009 chỉ đạt 1 con số
  • WTO không phải là cứu cánh!
  • Vấn đề nông nghiệp - nhìn từ lý thuyết giá trị
  • Giải pháp đảm bảo cho kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi