Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Gót chân Asin” của hệ thống phân phối Việt Nam

Để hàng nông sản VN đứng vững trong siêu thị không phải là điều đơn giản
Nhiều năm nay ở VN những câu nói thường xuyên được nhắc đến: Được mùa mất giá, hàng sản xuất trong nước bị đẩy giá lên vô lý qua nhiều khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng. Người nông dân nuôi con gì, trồng cây gì bây giờ, sau khi đã thất bại trong quá trình sản xuất và phân phối.

Người công nhân hàng ngày sản xuất ra những mặt hàng tiêu dùng, nông dân, ngư dân làm ra hạt gạo, con cá cho tiêu dùng càng thấm thía những điều kể trên bởi vì họ là những người trong cuộc. Chính họ rất hiểu và rất trăn trở về những nghịch lý đang diễn ra tương đối phổ biến ở nền kinh tế VN.

Thực tiễn buồn

Một vài câu chuyện được kể dưới đây để chứng minh và làm sáng tỏ hơn về “Gót chân Ashin” của hệ thống phân phối VN. Đó là: Dừa quả ở Bến Tre thời gian này chỉ 10 - 12.000 đ/ 1 chục = 12 quả không có ai mua, trong khi đó ở phía Bắc vẫn là 15 - 17.000 đ/ 1 quả. Dừa Bến Tre bị bỏ trôi sông, ở phía Bắc vẫn ăn dừa đắt gấp 10 lần, từ Bến Tre ra Hà Nội khoảng hơn 1.000 cây số. Tôi cho rằng đó là sự thất bại tạm thời của hệ thống phân phối VN trên 1 quả dừa.

Câu chuyện thứ hai: Một quả trứng hiện nay phải đi qua 5 lần kiểm dịch với chi phí gần 200 đ/quả mới đến tay người tiêu dùng, rõ ràng 1 quả trứng bị đắt lên 200 đ một cách vô lý. Một con heo xuất chuồng ở tỉnh Tiền Giang phải đóng 5 loại phí bao gồm: phí kiểm dịch, lệ phí kiểm dịch vận chuyển, phí tiêu độc... một năm tỉnh Tiền Giang thu các loại phí vô lý này được khoảng 9 tỉ đồng, số tiền đó người tiêu dùng phải chịu.

Câu chuyện thứ ba: Cá ngừ đại dương đánh lên ở Phú Yên ngư dân bán với giá loại 1 là 300.000 đ/kg nhưng nếu theo cảm tính đánh giá của thương lái cá từ loại 1 có thể xuống loại 3 với giá 120.000 đ/kg. Cá thu ở Thanh Hóa bán buôn là 120.000 đ/kg nhưng về đến Hà Nội cách xa 170 km đã vọt lên 230.000 đ/kg thậm chí 280.000 đ/kg...

Câu chuyện thứ tư: Đường kính trắng, dầu ăn các siêu thị ở Hà Nội hầu hết đều phải mua qua 1 đến 3 đại lý mới đến khâu bán lẻ, không bao giờ siêu thị mua trực tiếp được các mặt hàng trên ở nhà máy. Nhà máy còn trả lời một cách thiếu trách nhiệm với xã hội. Đó là: tôi muốn bán cho ai thì bán, trong khi đó nhà máy của họ đặt trên đất VN, hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ VN, lấy mía từ người nông dân VN để sản xuất.

Câu chuyện mới nhất: Thương lái Trung Quốc mua cá cơm của ngư dân Phan Thiết, nợ tiền khoảng 33 tỉ đồng từ năm 2008 đến năm 2010, họ thu mua không hề khai thuế ở địa phương nhiều năm nay mà chưa ai giải quyết, ngư dân thiệt thòi, Nhà nước thất thu ngân sách chưa biết ai chịu trách nhiệm.

Câu chuyện cuối cùng: Tân Thủ tướng Thái Lan Shinawatra đưa ra chính sách trợ giá mua lúa cho nông dân, tuy xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm 38% trong năm 2011 là một mức XK thấp nhất trong vòng 10 năm qua, nhưng nông dân Thái Lan lại rất phấn khởi vì họ bán được lúa giá cao bất chấp giá gạo thế giới giảm mạnh. Ngược lại, Ấn Độ và VN đua nhau liên tục hạ giá xuất khẩu gạo xuống để cạnh tranh giành quyền xuất khẩu thì giá bán gạo của Thái Lan trong một hai năm gần đây khá ổn định. Đây là bài học thành công của Chính phủ Thái trong việc khoan sức dân để phát triển sản xuất của đất nước. Còn ở VN lợi ích chuỗi lúa gạo từ sản xuất đến tiêu thụ hầu hết đều rơi vào tay các nhà xuất khẩu và một phần của thương lái. Các chuyên gia đã kiến nghị: Tại sao Chính phủ không trợ giá trực tiếp cho nông dân mà phải thông qua DN vì đầu ra họ cạnh tranh và liên tục giảm giá với Ấn Độ và Pakistan. Như vậy nông dân không thể bán được lúa với giá cao cho DN thu mua tạm trữ. Cuối cùng DN hưởng lợi nhuận nhiều nhất. Rõ ràng hai nước hai cách làm khác nhau, nêu ra để chúng ta cùng suy ngẫm.

Qua một số ví dụ ở trên bao gồm tất cả các lĩnh vực như cây trồng, vật nuôi, sản phẩm đánh bắt, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng xuất khẩu, thu mua... đều có vấn đề, “Gót chân Ashin” của hệ thống phân phối VN đã lộ ra thật rõ ràng.

Khắc phục cách nào ?

Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ tầm vĩ mô. Nhà nước cần nhận rõ tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống phân phối quốc gia, mạch máu quan trọng của quá trình tái sản xuất xã hội... Nhà nước phải tiến hành những công việc: xây dựng luật pháp, thể chế kinh doanh thương mại, cơ chế chính sách phát triển thông thoáng, bền vững. Xây dựng kết cấu hạ tầng cho sản xuất và lưu thông hàng hóa bao gồm: đường giao thông, cảng biển, kho dự trữ, sàn giao dịch hàng hóa, chợ đầu mối, chợ dân sinh, quy hoạch phát triển các kênh thương mại văn minh như siêu thị, trung tâm thương mại...

Nhà nước chỉ huy về quy hoạch phát triển sản xuất phân phối trong phạm vi cả nước bao gồm: Quy hoạch cùng phát triển theo thế mạnh của từng vùng và có sự phân công ở tầm nhìn quốc gia, các quy hoạch đó cần có tầm nhìn xa từ 30 đến 50 năm sắp tới. Nhà nước cần tạo điều kiện cho sự liên kết hợp tác sản xuất phân phối giữa các vùng miền trong cả nước tạo thành một tổng thể thống nhất, chống cục bộ bản vị của từng địa phương và “nhóm lợi ích” chống độc quyền và từng bước xóa bỏ độc quyền ở một số lĩnh vực điện, nước, xăng dầu hiện nay làm thiệt hại đến toàn xã hội, có chính sách cơ chế để tạo những chuỗi cung sản xuất - phân phối đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ hiệu quả nhất.

Nhà nước cần xây dựng một nền tài chính lành mạnh, hiệu quả phục vụ cho DN sản xuất kinh doanh đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế kinh tế lạm phát một cách thường xuyên, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường phối hợp hợp tác với các nước ở khu vực và quốc tế để tạo chỗ dựa vững chắc cho sản xuất và kinh doanh ở thị trường nội địa.

Nhà nước phải tổ chức dự trữ hàng hóa những mặt hàng thiết yếu cho quốc kế dân sinh, các tập đoàn lớn phải nắm được bán buôn thông qua nguồn hàng sản xuất trong nước một cách chủ động để chi phối bán lẻ. Nhà nước phải có lực lượng để bảo vệ nông dân, ngư dân bám biển, bám ruộng đồng sản xuất và kinh doanh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia trên biển cũng như trên đất liền.

Với chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn và trên toàn lãnh thổ, Chính phủ và các bộ ngành và lãnh đạo các địa phương cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường một cách minh bạch, công khai chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, trốn thuế. Đảm bảo cho người sản xuất và kinh doanh chân chính tồn tại và phát triển, những người vi phạm pháp luật sẽ bị nghiêm trị. Mục đích cuối cùng là để sản xuất phát triển, giao dịch thương mại nội địa công khai, minh bạch đúng hiệu quả và đúng luật pháp.

Về phía các DN. Phải tận dụng những cơ chế, chính sách mà Nhà nước đã ban hành, tiếp tục nâng cao công tác quản trị DN, tiết kiệm chi phí sản xuất lưu thông, đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động trong quá trình phát triển nhằm xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường nội địa và từng bước vươn ra xuất khẩu. Liên kết hợp tác chặt chẽ, bình đẳng giữa sản xuất với sản xuất, sản xuất với phân phối, phân phối với phân phối tạo sức mạnh tổng hợp, chấp nhận cạnh tranh với các DN đầu tư nước ngoài đã có mặt ở thị trường VN.

Xây dựng văn hóa kinh doanh, tính chuyên nghiệp trong phục vụ mà trọng tâm là xây dựng nguồn nhân lực cho DN từ thấp đến cao.

Nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp của Nhà nước, công khai minh bạch trong hạch toán kinh doanh đó là con đường phát triển nhanh và bền vững của các DN.

Đối với người tiêu dùng. Cần có nhận thức đúng về tiêu dùng hàng VN để tiêu dùng một cách hợp lý và tiết kiệm, thúc đẩy sản xuất hàng nội, có trách nhiệm tham gia góp ý cho hệ thống phân phối VN nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước, không sử dụng hàng cấm, hàng giả, hàng lậu, kịp thời phát hiện với các cơ quan nhà nước những khiếm khuyết, những vi phạm pháp luật trong kinh doanh sản xuất nội địa.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN: Thiếu chiến lược phát triển
 
Sau 5 năm VN gia nhập WTO, đã có rất nhiều cơ hội cho ngành thương mại, dịch vụ bán lẻ phát triển được tạo ra, song bên cạnh đó, cũng có những sức ép không nhỏ. Thị trường phân phối, bán lẻ trong nước đã bộc lộ nhiều hạn chế như quy mô thị trường nhỏ, sức mua yếu và trên địa bàn cả nước bán lẻ truyền thống vẫn chiếm đa số (gần 80%), trong khi bán lẻ hiện đại chỉ chiếm hơn 20% (Hà Nội 13%, TP HCM 42%).

Không chỉ có vậy, ngành bán lẻ VN vẫn mắc những căn bệnh trầm kha cần phải khắc phục. Đó là thiếu chiến lược phát triển cho thị trường bán lẻ ở cả 3 cấp độ: Nhà nước, ngành công nghiệp và DN; Tính chuyên nghiệp của lực lượng các nhà phân phối bán lẻ VN, đặc biệt là quản trị DN và chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Điều đó thể hiện ở giá thành nhiều sản phẩm còn cao, chất lượng phục vụ chưa chuyên nghiệp. Bên cạnh đó là hạ tầng cơ sở yếu kém và hiệu quả logistics cũng chuỗi cung ứng chưa tốt.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại VN giai đoạn 2011- 2020 và định hướng tới năm 2030: Tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước (theo giá thực tế) tăng bình quân 19-20% giai đoạn 2011- 2015 và 20- 21% giai đoạn 2016- 2020.

Để thực hiện được mục tiêu này cần coi trọng phát triển hệ thống phân phối, coi hệ thống phân phối là cơ sở để xác lập mối liên kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu thụ đồng thời là cơ sở cho việc hình thành kênh lưu thông ổn định. Các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện cho các DN trong nước đầu tư phát triển hệ thống phân phối nhằm xây dựng các doanh nghiệp phân phối mạnh của VN. Điều này phải trở thành tư duy hành động thực tiễn của lãnh đạo các ngành và các địa phương.

Ông Phạm Hồng Thái -Phó tổng giám đốc Hiway VN: Cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất

Liên doanh Hiway VN với dự án chuỗi siêu thị Hiway Supercentre ra đời trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn vì vậy chúng tôi phải xác định chiến lược và mục tiêu rõ ràng của mình để có thể cạnh tranh thành công. Mục tiêu của chúng tôi là tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và hướng tới đối tượng khách hàng là những người có thu nhập trung bình. Với chiến lược cốt lõi là cung cấp cho khách hàng không gian mua sắm đa dạng, hiện đại, sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất với giá rẻ, dần thay thế cho chợ truyền thống. Hiện tại, Hiway VN đã phát triển và làm việc với hơn 900 nhà cung ứng lớn, nhỏ trong cả nước để đạt được cam kết trong việc cung ứng nguồn hàng đạt chất lượng tốt phục vụ cho nguời tiêu dùng. Theo đó, hơn 15.000 sản phẩm được đưa vào hệ thống đều phải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ cũng như các vấn đề VS ATTP.

Đặc biệt, siêu thị Hiway rất chú trọng đến nguồn thực phẩm tươi sống và chế biến sẵn với quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Và với hệ thống các kho trung chuyển trên toàn quốc. Việc thiết lập mối quan hệ trực tiêp với hơn 900 nhà cung ứng sẽ góp phần giảm giá thành, thời gian cũng như tăng tính linh hoạt chủ động.

Chúng tôi hi vọng sẽ trở thành cầu nối tốt nhất giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng đồng thời góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản VN.

 
Vũ Vinh Phú 
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Nhìn lại chính sách tài khóa nửa chặng đường 2012
  • Giảm thất thoát trong đầu tư công: Cách nào?
  • Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu: Báo động đỏ
  • Bốn lưu ý sau diễn biến CPI tháng 7
  • Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp, tồn kho tăng cao
  • Vì sao CPI tháng 7 giảm mạnh nhất kể từ năm 2009?
  • Bình ổn giá: Phần nổi trong tảng băng chìm
  • ANZ: Tăng trưởng của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ “khá hơn”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi