Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả là cơ chế xin – cho. |
Thực trạng đầu tư công thời gian qua đã báo động về năng lực kiểm soát hiệu quả sử dụng tiền Nhà nước. Sự yếu kém này không chỉ có nguyên nhân từ các chủ thể sử dụng tiền mà còn do tính thiếu chặt chẽ của các “con mắt” giám sát trong nền kinh tế, trong đó, Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò không kém phần quan trọng.
Phát biểu tại Hội thảo Kiểm toán hiệu quả đầu tư công ngày 8/8, bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng đại diện Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) tại Việt Nam cho rằng vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo nguồn vốn đầu tư công được sử dụng một cách hiệu quả nhất trong điều kiện nguồn lực có hạn.
Sản phẩm của cơ chế xin – cho
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả là cơ chế xin – cho. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với cơ chế này, cả hai phía “xin” và “cho” đều có lợi ích chung và lợi ích nhóm, có hiện tượng “đi có, về có, đi không, về không” và cũng có hiện tượng “gửi dự án”. Hệ quả là đầu tư công rất kém hiệu quả, thất thoát lên đến 20-30%, công trình đội chi phí từ 6.500 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng (như đường cao tốc Tp.HCM-Trung Lương), chưa sử dụng đã hỏng, nhiều công trình không được sử dụng,...
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra một số tồn tại trong công tác quản lý hiệu quả đầu tư công thời gian qua. Điểm yếu nhất được nêu rõ là tình trạng khép kín trong đầu tư đã kéo dài trong nhiều năm.
Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp lớn chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến đầu tư công đều là doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp trực thuộc Bộ hoặc trực thuộc UBND cấp tỉnh), không độc lập với người có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Vì lý do này nên việc thẩm định, đánh giá dự án đầu tư trong nhiều khâu không đảm bảo được tính độc lập, khách quan. Bên cạnh đó, quy định pháp luật hiện hành về đầu tư vốn nhà nước không quy định rõ trách nhiệm đến cùng của các tổ chức, cá nhân có liên quan nên thiếu các công cụ pháp luật cần thiết để có thể ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi tình trạng nợ đọng, lãng phí, thất thoát trong đầu tư và hiệu quả đầu tư thấp. Yếu kém này cũng góp phần dẫn đến tình trạng các dự án đầu tư chậm tiến độ vẫn còn phổ biến.
Theo số liệu tổng hợp chính thức về công tác giám sát và đánh giá đầu tư được ông Tự đưa ra, số dự án chậm tiến độ trong các năm gần đây chiếm khoảng 10% tổng số dự án thực hiện trong kỳ. “Thực tế nếu kiểm tra có thể lớn hơn”, ông Tự nhấn mạnh.
Cũng theo vị Vụ trưởng này, một số bộ, ngành, địa phương trong một số dự án cụ thể đã không chấp hành nghiêm các quy định về quản lý đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, dẫn đến tình trạng phân bổ vốn đầu tư dàn trải, nợ đọng trong đầu tư, kéo dài tiến độ thực hiện, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp hoặc đầu tư không có hiệu quả.
Một số các dự án đầu tư vi phạm quy định pháp luật về đầu tư. Việc vi phạm quy định pháp luật về đầu tư xuất hiện ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư dự án, một số dự án đã phát hiện có sự lãng phí, thất thoát về vốn đầu tư.
Chú trọng kiểm toán điều tra
Cải thiện hiệu quả đầu tư công không phải là công việc đơn giản và khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Điều này cần sự đồng lòng của nhiều cơ quan chức năng. Kiểm toán Nhà nước được xem là một trạm kiểm soát quá trình này.
Về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cơ quan này có thể góp phần quan trọng làm giảm thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cần có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xác định một số trách nhiệm trong việc thẩm định từ dự án tiền khả thi, thiết kế rườm rà, chế độ trách nhiệm không rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm.
Theo ông Doanh, Kiểm toán Nhà nước có thể phát hiện những chi phí bất thường nhưng khó kết luận và quy trách nhiệm, điển hình là “vạch mặt” màn kịch đấu thầu, “quân xanh, quân đỏ”, ưu ái công ty sân sau, lạm dụng chỉ định thầu do thời hạn thúc ép.
Theo ông Vũ Thanh Hải - Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước), tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng và tiêu cực trong đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều sai phạm là do các đơn vị đã thông đồng, móc ngoặc làm giả hồ sơ, rút tiền ngân sách để chia nhau và chỉ bị phát hiện khi cơ quan điều tra vào cuộc thông qua quá trình điều tra.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com