Điều này có nghĩa là, không thể tách rời hay xem xét riêng kế hoạch tái cấu trúc với các thực thể của nền kinh tế, nhất là khi với mô hình phát triển kinh tế dựa trên mở rộng đầu tư, khai thác tài nguyên và chi phí lao động rẻ đã tới hạn. Điều quan trọng nữa là các kế hoạch tái cơ cấu từng lĩnh vực, từng ngành phải được xem xét và thực thi trên tư duy phát triển dựa trên hiệu quả.
Phân tích từng yếu tố, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, vào năm 2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã lên tới khoảng 42% GDP, có nghĩa là không thể mở rộng hơn mà chỉ có thể giảm xuống. Về lao động, xu hướng số người đến độ tuổi lao động ở Việt Nam cũng đang giảm xuống, hiện dự báo trong 10 năm tới khoảng không đến 1% so với mức 2,8% trong giai đoạn 10 năm 2000-2010. Còn về tài nguyên, chi phí để khai thác tài nguyên chắc chắn sẽ tăng cao khi các nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, điều kiện khai thác khó khăn hơn...
“Với cơ cấu kinh tế như hiện nay, với năng lực cạnh tranh và hiệu quả như vậy, nếu như cung thêm tiền, nền kinh tế sẽ phải gánh chịu mức tăng của lạm phát, chứ không thể tạo ra tăng trưởng được. Hơn thế, nếu điều tiết mức cung tiền hợp lý, khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng chỉ có thể đạt tới 6%”, ông Cung đưa ra con số để thuyết minh cho sự lựa chọn mô hình tăng trưởng dựa trên hiệu quả vốn không bị giới hạn như các yếu tố định lượng trên.
Hơn thế, cơ cấu kinh tế hiện tại cũng bộc lộ năng lực hội nhập kém và ít triển vọng tranh đua trên thị trường thế giới. “Từ khi gia nhập WTO (năm 2007) đến nay, cơ hội phát triển của kinh tế Việt Nam nhiều, tiềm năng phát triển lớn, tốc độ tăng trưởng khá cao được duy trì, song nền kinh tế càng phát triển lại càng mất cân đối và rơi vào tình trạng lạm phát, bất ổn vĩ mô kéo dài”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.
Chỉ trong vòng 5 năm (2006 - 2010), lạm phát đã tăng gần 60% trong khi tổng mức tăng GDP chỉ đạt 35,1%. Hàng năm, Chính phủ đều phải rất nỗ lực để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. “Nhưng các giải pháp chủ yếu mang tính ngắn hạn, tình thế, nặng về hành chính, chưa tập trung xử lý các vấn đề cơ bản, dẫn tới có thể đạt được ổn định ngắn hạn, nhưng sau đó lại bước vào một chu kỳ mới của tình trạng bất ổn và nguy cơ lạm phát gay gắt hơn”, ông Thiên lo ngại.
Trong khi đó, nhận diện các vấn đề về chính sách tài khóa là đối tượng và công cụ để tái cơ cấu nền kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh lại nhắc tới điểm yếu kém trong công tác dự báo và lo ngại nếu không cải thiện, câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được nhắc tới dài dài mà không có những điểm nhấn cụ thể. Thậm chí, cũng đã có lo ngại khi những dự báo chưa chuẩn xác cộng với mong muốn “đi tắt, đón đầu, tăng trưởng nhảy vọt” vốn hay được nhắc tới các kế hoạch phát triển nhiều ngành, nhiều địa phương sẽ tạo ra các lộ trình không phù hợp.
Thực tế hơn, TS. Phạm Đỗ Chí, nguyên chuyên gia cao cấp (Quỹ tiền Tệ quốc tế -IMF) cho rằng, mục tiêu thực tế nhất có thể thực hiện trong ngắn hạn năm 2011 và 2012 là nên tập trung chống lạm phát, tạm thời chấp nhận mức tăng trưởng khoảng trên 5% cho năm 2011, khoảng 6,5% vào năm 2012, và phải cố gắng kéo lạm phát ở mức một con số (9%) vào năm 2012.
Cũng theo TS. Phạm Đỗ Chí, lộ trình chính sách trung hạn cho 5 năm tới (2011 – 2015) cần lập lại các cân đối vĩ mô đã mất trong vài năm trước đây nhằm theo đuổi tăng trưởng bền vững và ổn định trong tương lai xa hơn.