Nền kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn ở trong trạng thái đáng lo ngại. Vậy câu hỏi lớn đặt ra: Đâu là “nút thắt” của nền kinh tế? Chỉ khi nhận mặt được những nút thắt này thì mới có thể đưa ra những biện pháp tháo gỡ.
Những nút thắt nào?
Có thể nói rằng, kinh tế Việt Nam hiện nay đang “vật lộn” với quá nhiều những nút thắt. Theo các chuyên gia kinh tế thì vấn đề lạm phát, tình trạng đình trện sản xuất, giá cả biến động... thực chất là hậu quả của những nút thắt này. Vậy đâu là nút thắt?
Tại các cuộc hội thảo, các chuyên gia chỉ rõ rằng nút thắt đầu tiên và trực tiếp tác động lên nền sản xuất, kinh doanh hiện nay chính là vấn đề lãi suất. Đầu tiên là việc khi lãi suất huy động tăng cao, người dân sẽ chọn cách gửi tiền tiết kiệm, thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh nhỏ đáp ứng cho thị trường ngách. Đây chính là tác động trực tiếp đầu tiên khiến cho nền sản xuất kinh doanh chịu hậu quả.
Tuy nhiên, vòng xoáy thứ hai là lãi suất cho vay cũng tăng cao khiến cho DN không thể vay và đáp ứng được điều kiện vay. Bên cạnh đó là việc vay rồi thì cũng không đáp ứng được yêu cầu lãi suất và lợi nhuận. Khi đó, nền sản xuất kinh doanh của DN bị bóp nghẹt và thắt chặt dần. Cả hệ thống DN rơi vào vòng xoáy đình trệ. Sau một thời gian ngắn, vòng xoáy này tiếp tục tác động ngược lại là NH huy động lãi suất cao nhưng lại không thể cho vay với lãi suất cao. Khi đó, dòng vốn bắt đầu bị chặn hoặc không phát huy hiệu quả.
Một nút thắt đáng lưu ý khác là chi phí đầu vào tăng cao. Theo tính toán của Bộ Công Thương thì giá cả các nguồn hàng NK tăng cao so với cùng kỳ năm trước khoảng 9,74%, ở một số mặt hàng mang tính chất nguyên liệu sản xuất như vật liệu dùng cho sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản, may mặc... có thể đạt tới mức 26,2%. Bên cạnh đó là chi phí xăng dầu tăng tới trên dưới 5.000đ/lít, đã khiến cho hầu hết lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị đội chi phí.
Cuối cùng cần phải tính đến nút thắt của tác động giá vàng. Chuyên gia Võ Trí Thành từng đưa ra cảnh báo việc Việt Nam tích trữ hàng trăm tấn vàng không chỉ khiến một lượng tiền lớn bị “chết” - tức là không sinh lời, không mang lại hiệu quả cho sản xuất kinh doanh - mà còn tạo nên hiệu ứng nguy hiểm về dòng tiền và chính sách tài chính tiền tệ. Chưa biết cơn sốt vàng sẽ còn diễn biến ra sao, nhưng với việc mất hàng trăm triệu USD để nhập khẩu hàng tấn vàng trong khi Việt Nam đang cần vốn cho đầu tư cũng là một cảnh báo tiếp theo của nguy cơ này.
Cần gỡ khó cho DN
Các chuyên gia cảnh báo điều hành kinh tế hiện nay cần thực hiện bước đi đầu tiên là gỡ khó cho DN, trong đó ưu tiên là hệ thống DN sản xuất kinh doanh những lĩnh vực dân sinh và cấp thiết. Tuy nhiên, một trong những lưu ý đầu tiên của việc gỡ khó cho DN không phải là sự ưu đãi hành chính, mà bằng quy luật kinh tế và thị trường.
Trong vấn đề chi phí đầu vào tăng cao thì có thể thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý là cần hạn chế sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu. Ở các góc độ khác nhau, các chuyên gia cho rằng đã có 2 lần mặt hàng xăng dầu bỏ lỡ cơ hội giảm giá, đó là vào tháng 6.2011 và đầu tháng 8.2011. Hiện nay giá xăng dầu đã giảm khoảng 500đ/lít, song mức giảm vẫn chưa tương xứng với mức tăng tới gần 5.000đ/lít so với cuối năm 2010. Vì thế, xã hội vẫn trông chờ vào khả năng giảm giá mạnh hơn của mặt hàng xăng dầu để gỡ nút thắt về chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, cũng cần đặt ra bài toán trách nhiệm của DN trong tiết kiệm chi phí. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phát hiện và công bố hàng loạt DN tăng giá bất hợp lý, trong đó có DN sữa, DN ximăng, sắt thép... Rõ ràng là trong bối cảnh lạm phát cao, việc DN tăng giá bất hợp lý dễ khiến thị trường rơi vào hỗn loạn về giá và tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng...
Ở nút thắt về lãi suất, hiện nay thông điệp mà NHNN đưa ra là quyết tâm kéo lãi suất giảm từ tháng 9.2011. Đây là điều rất cần thiết, vì những tháng cuối năm sản xuất kinh doanh sẽ cần nhiều hơn về vốn và nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu của năm học mới, dịp lễ tết... Nếu nút thắt này không được giải tỏa thì nguy cơ thiếu nguồn cung hàng hóa cũng có thể xảy ra. Điều đó càng bất lợi hơn.
Bên cạnh yếu tố này, các chuyên gia cảnh báo vấn đề tỉ giá vẫn cần sự điều hành chặt chẽ và ở mức tỉ giá ổn định. Đây là 2 vấn đề trong cùng một nút thắt, đòi hỏi sự can thiệp bằng chính sách linh hoạt và phù hợp. Nếu không xử lý được 2 vấn đề này thì nguồn vốn “kẹt” có thể xảy ra, nợ xấu tăng lên, sản xuất bị suy giảm và tác động đến các vấn đề như giá thành, lạm phát, thất nghiệp...
Cuối cùng là nút thắt từ mặt hàng vàng. Đến nay, NHNN cũng đã phát đi tín hiệu của sự bình ổn thị trường bằng cách cho nhập khẩu vàng, huy động vàng trong dân, siết xuất khẩu vàng và tiến tới quản lý vàng chặt chẽ. Tuy nhiên, dù sự bình ổn cơ bản đã được thiết lập, song việc huy động vàng thành nguồn lực tài chính cho sản xuất kinh doanh vẫn chưa thể nói là hiệu quả. Chính vì thế trong thời gian tới, việc này cần thực hiện chặt chẽ, quyết liệt và kịp thời hơn, tránh sự bị động như thời gian vừa qua.
Đức Long – Hải Minh
Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com