Từ các mô hình Leontief hệ và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt, NDHMoney dự báo CPI tháng 8/2011 có thể tăng dưới 1%.
Khả năng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2011 dịu lại đang dần hiện thực. Tuy nhiên, với việc nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá mạnh ở hầu hết các tỉnh trong cả nước, đà giảm tốc có thể không mạnh mẽ như mong đợi, dù ít nhiều đã khơi dậy hy vọng cho giai đoạn CPI ổn định trở lại.
Dựa trên kết quả tính toán từ các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt, NDHMoney dự báo CPI tháng 8/2011 có thể tăng dưới 1% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng 1,17% của tháng 7/2011.
Nếu kết quả này sát với thực tế, đây có thể là tháng đầu tiên trong vòng 12 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng theo tháng tăng không quá 1%. Nhưng xét trong điều kiện mặt bằng giá đã tăng rất mạnh trong vòng một năm trở lại đây, việc điều chỉnh giảm tốc không lớn trong tháng này vẫn cho thấy thách thức ổn định giá cả còn ở phía trước.
Với diễn biến này, các mức so sánh khác cũng lần lượt được dâng lên. Ước tính chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2011 sẽ tăng khoảng 15,5% so với tháng 12/2010; so với tháng cùng kỳ năm ngoái có thể tăng xấp xỉ 23%.
Nhiều dự báo cho rằng, mức tăng xấp xỉ 23% này sẽ là mức đỉnh của CPI so với cùng kỳ trong năm nay. Điều này đang dần hiện thực khi xu hướng giảm tốc có được ở tháng này, đồng thời chỉ số giá cũng đang ở mức thấp hơn so với ngưỡng thách thức 1,31% của tháng 9/2010.
Nguyên nhân dẫn tới việc CPI điều chỉnh với biên độ hẹp trong tháng này đan xen ở nhiều góc độ, bao gồm cả những thay đổi trong thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ, những đột biến khó lường của thị trường, cũng như chênh lệch cung cầu của một số mặt hàng có tầm ảnh hưởng lớn.
Với chính sách tiền tệ, sự quyết liệt hút tiền về trong giai đoạn trước, đến gần đây đột ngột thay đổi. Theo dữ liệu cập nhật trong nhiều tuần qua của NDHMoney, kéo dài từ 17/7 đến nay, Ngân hàng Nhà nước mới hút ròng qua thị trường mở OMO 2.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức hút ròng 9.323 tỷ đồng trong tháng 7.
Huy động vốn qua phát hành trái phiếu của Kho bạc Nhà nước cũng không mấy khả quan. Trong nhiều tuần gần đây, mức huy động thành công chỉ đạt rất thấp so với số lượng gọi thầu, từ khoảng 7,5% đến 25%.
Trong giai đoạn VND vẫn mất giá so với vàng và USD, đồng nội tệ quay đầu ra khỏi hệ thống ngân hàng. Đi cùng diễn biến này, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã nhúc nhích tăng trở lại.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 9/8, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã lên 10,79%, sau khi xuống mức thấp nhất trong năm vào ngày 3/8 (10,38%); lãi suất kỳ hạn 3 tháng là gần 15%/năm. Riêng với lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã tăng lên 15,5%/năm, từ mức 12% cách đó ít ngày.
Cùng chiều với dòng tiền đẩy ngược ra thị trường hàng tiêu dùng, chi phí đẩy dù đang giảm dần sức ảnh hưởng, đặc biệt là với mặt hàng xăng dầu, điện…, nhưng vẫn còn đủ sức đẩy mặt bằng giá chung.
Theo tính toán của NDHMoney, CPI trong tháng này của hầu hết các nhóm hàng sẽ tiếp tục tăng giá so với tháng trước. Nhưng sức áp đặt lớn nhất lên chỉ số giá tháng này sẽ vẫn đến chủ yếu từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, trong đó nhóm tăng giá chính là thực phẩm, kéo theo nhóm ăn uống ngoài gia đình.
Còn lo ngại dịch bệnh tái phát, chi phí đầu vào chăn nuôi và trồng trọt tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi cân đối lợi ích đem lại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp với các lĩnh vực khác vẫn kém, động lực tăng cung thực phẩm còn là rào cản đối với việc ổn định mặt bằng giá chung.
Liên quan đến nhóm hàng này, hầu hết các tỉnh trong cả nước đều bị ảnh hưởng, nhưng khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất từ tăng giá thực phẩm gồm có các tỉnh Đông Bắc bộ, miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.
NDHMoney sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong ít ngày tới, khi Hà Nội và Tp.HCM công bố số liệu CPI.
(NDHMoney)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com