Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không thể thiếu si lô vào lúc này

Công nhân vận chuyển lúa gạo vào kho dự trữ của doanh nghiệp ở ĐBSCL - Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu hoạch và bảo quản lúa gạo là khâu cuối cùng và quan trọng nhất không chỉ đối với người nông dân trong quá trình sản xuất mà còn với cả các công ty kinh doanh lương thực, và nói rộng hơn là của cả nền kinh tế nhất là với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam.

Hàng chục năm vẫn chưa giải quyết xong chuyện cái kho

Từ bao đời nay, người nông dân trong điều kiện vật lộn với cuộc sống chỉ có thể bảo vệ thành quả lao động của mình bằng giải pháp thủ công với những kho chứa trong nhà để giải quyết cái ăn, hạt lúa mùa nào bán hết mùa nấy. Đây cũng là cơ hội cho các công ty lương thực ép giá làm giàu nhờ xây dựng được hàng loạt nhà kho ở khắp các tỉnh mà ai cũng biết điều kiện bảo quản còn quá đơn giản, khó giữ được chất lượng nông sản, nhất là khi nước ta đang xuất khẩu gạo ngày càng nhiều, thị trường ngày càng mở rộng. Đây là vấn đề bức xúc đã được đặt ra hàng chục năm nay mà vẫn chưa có được một giải pháp khắc phục toàn diện, cho đến gần đây Chính phủ mới quyết định dành 40.000 tỉ đồng (tương đương với 2 tỉ đô la) là kinh phí đầu tư cho Chương trình cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch cho cả nước, trong 10 năm (2011-2020). Chương trình này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì gồm xây dựng kho tồn trữ lúa gạo 2,8 triệu tấn, kho tồn trữ bảo quản rau quả, kho tồn trữ bảo quản thủy sản và trang bị máy móc gieo sạ, cấy, thu hoạch lúa...

Thông tin về việc phân bổ khoản đầu tư cho từng ngành là bao nhiêu chưa được công bố rộng rãi, nhưng về ngành lương thực dường như Tổng công ty Lương thực miền Nam đã được Chính phủ giao nhiệm vụ đầu tư kho chứa.

Lý giải về sự chậm trễ này có nhiều ý kiến khác nhau. Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng có thể do Chính phủ phải tập trung đầu tư cho chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vào năm 2020 nên mặt trận nông nghiệp không được hưởng các điều kiện ưu tiên, nay con đường trở thành nước công nghiệp hiện đại vào thời điểm ấy không được bằng phẳng như kỳ vọng, chúng ta phải tìm về thế mạnh truyền thống để tạo vận tốc đầu cho công nghiệp phát triển, mà cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những sự chọn lựa. Một vài người bức xúc với tình trạng này cho rằng, việc chậm trễ trong việc xây dựng si lô là có lợi cho các công ty lương thực khi mà nông dân và những người buôn bán nhỏ không có phương tiện bảo quản lúa để chờ giá thị trường. Thực tế nhiều năm được mùa mà nông dân vẫn nghèo đã cho thấy điều này.

Là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai nhưng chúng ta vẫn thường xuyên chịu thiệt thòi so với đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Thái Lan. Trong bối cảnh thế giới đang và sẽ còn thiếu lương thực trong thời gian dài thì đó cũng là cơ hội phát huy ưu thế sản xuất nông nghiệp của chúng ta đồng thời cải thiện đời sống người nông dân nhờ vào giá trị tăng thêm của hạt gạo xuất khẩu.

Nên chọn giải pháp nào?

Vì sao xây hệ thống kho chậm?

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết hiện hệ thống kho của VFA có sức chứa khoảng 3,5 triệu tấn lúa gạo. Dự kiến đến năm 2011, hệ thống kho chứa gạo của VFA trên cả nước sẽ đạt được mức 4,2 triệu tấn. Tiến độ đầu tư kho chậm là do doanh nghiệp hội viên gặp những khó khăn trong việc giải quyết mặt bằng đất đai để xây kho. Ngoài ra, vốn vay ngân hàng để đầu tư kho cũng là vấn đề nan giải cho doanh nghiệp hiện nay, vì lãi suất ở mức cao. Doanh nghiệp xây kho phải chịu mức lãi suất lên đến 16,5%/năm. “Vì những lý do này mà khả năng hoàn thành mục tiêu xây dựng kho có sức chứa 1 triệu tấn trong năm nay không thể thực hiện được”, ông Phong nói. Giải pháp trước mắt là hiệp hội khuyến khích các doanh nghiệp hội viên tự xây kho dự trữ, nhằm chủ động hơn trong việc thu mua tạm trữ lúa cho nông dân.

Để vận hành hệ thống kho tốt, nông dân phải có vốn để dự trữ, chờ giá lúa cao. Doanh nghiệp cũng cần có thực lực về hệ thống kho bãi, tài chính trong việc thu mua tồn trữ. Thực tế tình hình xuất khẩu gạo hiện nay còn khá “lộn xộn”, việc trữ lúa chỉ có doanh nghiệp lớn làm được. Đơn cử, trong chín tháng đầu năm 2010, cả nước có đến 264 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nhưng trong số này, chỉ có 48 doanh nghiệp thực sự đủ năng lực xuất khẩu, số doanh nghiệp còn lại chỉ mua đi bán lại, họ không có kho tàng, cũng như năng lực tài chính.

Hiện nay phương tiện bảo quản lúa gạo của chúng ta chủ yếu là các nhà kho lớn của các công ty lương thực đã và đang tiếp tục được xây dựng với công năng chính là chứa gạo hơn là chứa lúa. Các loại kho chứa này được xây dựng bằng gạch hay có tường bằng thép như thời gian gần đây chỉ giúp giảm được một phần tổn thất sau thu hoạch hoặc giúp quá trình chế biến để xuất khẩu, mà không giải quyết cơ bản lộ trình thuận chiều từ hạt lúa trở thành hạt gạo xuất khẩu do không đảm bảo sự ổn định về độ ẩm. Điều này dẫn đến hậu quả là gạo xuất khẩu chất lượng thấp, không bảo quản được lâu nên giá khó cạnh tranh. Đó là chưa kể các kho chứa chiếm diện tích lớn và khó loại trừ mối mọt, chuột đục khoét.

Giải pháp chọn lựa hiện nay ở bất cứ nước nông nghiệp nào là xây dựng si lô. Đây là một kết cấu bằng thép hay bê tông được xây dựng để bảo quản nông sản dạng hạt rời, được trang bị hệ thống kiểm định chất lượng lúa đầu vào, thiết bị làm sạch và sấy khô. Hệ thông nộp lúa vào và tháo lúa ra bằng cơ giới, trang bị hệ thống tự động theo dõi, điều tiết nhiệt độ và làm mát trong quá trình bảo quản, nhờ vậy có thể bảo quản lúa thời gian hơn một năm phù hợp với diễn biến lúa gạo trên thị trường. Nhờ có thể xây dựng theo chiều cao, si lô ít tốn kém mặt bằng, chứa được khối lượng lớn. Nhờ được bảo quản tốt nên trong quá trình xay xát hạt gạo đạt chất lượng cao và ổn định. Tại ĐBSCL cũng đã có một số các cụm si lô vào thập niên 70 của thế kỷ trước như ở Cao Lãnh (48.000 tấn), Trà Nóc (10.000 tấn), Bình Chánh (12.000 tấn) nhưng vì nhiều lý do khác nhau trong đó có kỹ thuật lạc hậu, thiết bị không đồng bộ nên không được sử dụng đúng công năng hoặc bỏ trống.

Việc đầu tư cho một hệ thống si lô không có gì khó khăn, có thể nhập với giá không quá cao mà ngay trong nước hiện cũng đã có một vài đơn vị sản xuất được như trường Đại học Bách khoa TPHCM hay Công ty Cơ khí Vina Nha Trang. Si lô có hai loại, si lô đáy phẳng (flat-bottom) và đáy phễu (hopper-bottom) có đường kính từ 4-32 mét, cao từ 25-40 mét, với sức chứa từ 50-15.000 tấn hiện được nhiều nước chào hàng.

Suất đầu tư cho si lô 1.000 tấn là bao nhiêu? Nếu tính theo si lô hình tháp có đường kính 8 mét, chiều cao 10 mét (sức chứa 100 tấn gạo) do Khoa chế tạo máy Đại học Bách khoa TPHCM thực hiện, thì giá ước tính là 1 tỉ đồng. Như vậy si lô có sức chứa 1.000 tấn thì khoản đầu tư là 10 tỉ đồng. Nếu dự toán này không thay đổi so với mấy năm trước thì để tồn trữ 2,8 triệu tấn, cần đến 2.800 nhóm si lô với tổng kinh phí 28.000 tỉ đồng. Trong khi đó, thông tin do thạc sĩ Hoàng Hữu Phước đưa ra trong một bài viết hồi năm ngoái cho thấy si lô 1.000 tấn đang được một công ty nước ngoài chào bán với giá 22.919 euro (giá FOB) nghĩa là chưa tính chi phí vận chuyển, lắp đặt, thuế cũng như tiền thuê chuyên viên huấn luyện và vận hành thử, chế độ bảo dưỡng và cả tiền mua đất. Việc nhập si lô với giá tham khảo vừa nói, theo ông, hoàn toàn nằm trong tầm tay không chỉ của các công ty lương thực mà cả trong giới phú nông. Điều này mở ra một khả năng kinh doanh mang tính cạnh tranh, việc bảo quản lương thực trở thành một ngành dịch vụ không còn là ưu thế tuyệt đối của doanh nghiệp nhà nước, giúp nông dân chủ động về giá nông sản làm ra. Nguồn vốn trong dân hiện rất nhiều là một điều kiện thuận lợi cho nông dân đầu tư các si lô cá thể, và nếu được hưởng lãi suất ưu đãi của Chính phủ, thì ngành dịch vụ này sẽ góp phần không nhỏ cho kế hoạch xuất khẩu gạo của chúng ta.

Mới đây, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam khẩn trương hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh bổ sung và phê duyệt quy hoạch hệ thống kho chứa lương thực của tổng công ty tại ĐBSCL để hoàn thành các dự án trước ngày 31-6-2012. Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất cho các dự án đầu tư kho chứa lương thực của Tổng công ty Lương thực miền Nam, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo đó, Tổng công ty Lương thực miền Nam chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ vay vốn, làm việc cụ thể với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước; làm việc với các ngân hàng thương mại để được vay vốn theo quy định tại Quyết định số 2072/QĐ- TTg ngày 11-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trung hạn và dài hạn ngân hàng bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân.

(Theo Công văn số 7347/VPCP-KTN)
 
Đoàn Đình Hoàng(*)

Có một hệ thống tổng kho, chúng ta sẽ giải được bài toán tồn trữ trong xuất khẩu, điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời nâng giá trị xuất khẩu và chủ động được đầu ra. Chúng ta đã nói nhiều đến việc Việt Nam là cường quốc về xuất khẩu nông sản, nhưng chưa bao giờ Việt Nam thể hiện được vai trò này.

Nghiên cứu cho thấy thay vì hỗ trợ vốn, lãi suất cho các đơn vị thu mua chế biến xuất khẩu lương thực như cách làm trong nhiều năm qua, Nhà nước nên sớm xây dựng hệ thống tổng kho để dự trữ lương thực với cách vận hành “mở” và linh hoạt hơn.

Khi có hệ thống tổng kho, nếu giá lúa thấp, nông dân không bán và mang lúa gạo đến ký gửi ở tổng kho của Nhà nước. Khi nhận được đơn xác nhận ký gửi hàng hóa từ Nhà nước, nông dân có thể đến ngân hàng vay một khoản tín dụng tương đương với giá trị lúa đã ký gửi trong tổng kho. Số tiền vay này có thể dùng trang trải trong cuộc sống hàng ngày, mua sắm vật tư chuẩn bị cho vụ mùa mới. Giá cả luôn được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu. Khi nguồn cung giảm, giá sẽ tăng, khi đạt được mức giá mong đợi, nông dân bán lúa (gạo) ra và giải chấp vốn vay ở ngân hàng. Với mô hình này, nông dân sẽ có mức lời mong đợi, không phải bán tháo hàng hóa khi giá ở mức thấp.

Hệ thống tổng kho không phải là nơi giữ hàng hóa miễn phí cho nông dân, doanh nghiệp mà đây còn là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận. Với nguồn lực trong tay, Nhà nước phải đầu tư xây dựng hệ thống tổng kho và tổ chức đấu thầu cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia khai thác. Ví dụ một hệ thống tổng kho vùng có năng lực lưu trữ 1 triệu tấn hàng hóa sẽ được chia thành bốn hệ thống kho phụ, mỗi kho có sức chứa 250.000 tấn sẽ được chia nhỏ ra cho các đơn vị khai thác. Nhà nước cần đưa ra giá sàn với mức phí hợp lý mà nông dân và doanh nghiệp đều có khả năng ký gửi hàng hóa và đặt ra thời hạn thu hồi vốn cho các hệ thống kho này.

Nếu có hệ thống tổng kho, người nông dân sẽ ít lệ thuộc vào thương lái hơn, hàng hóa không đi qua nhiều khâu trung gian. Ví dụ hệ thống tổng kho ở khu vực phía Nam có thể đặt ở Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu và An Giang. Nông dân ở đây có thể đưa sản phẩm của mình đến kho gần nhất để ký gửi hàng hóa.

(Sơn Nghĩa)

(*) Phó giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ quản lý TPHCM.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Việt Nam chủ trương phát triển bền vững
  • Đối lập chỉ số GDP và CPI năm 2010
  • 10 tháng, tổng giá trị SXKD các đơn vị thuộc Bộ xây dựng đạt gần 118 tỷ đồng
  • Việt Nam có nguy cơ thiếu nước
  • Kẻ khổng lồ bên cạnh ta: Trung Quốc thu gom tài nguyên toàn cầu
  • Công nghiệp có thể tăng tốc trở lại từ tháng 10?
  • Lợi gì khi cùng Hoa Kỳ tham gia Hiệp định TPP?
  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi