Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khu vực tư: Liệu có thể tự cứu?

Cơn sốt lạm phát hiện nay, cùng những biện pháp nhằm làm cho nó nguội lạnh, đang buộc hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp và những nhà đầu tư cá nhân Việt Nam phải đối mặt với những thách thức khó khăn của tồn tại. Nhưng phải chăng cái khó sẽ giúp làm ló cái khôn?

Phải chăng, như một số nhà phân tích kinh tế

nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam cùng với toàn nền kinh tế đang đứng trước một cơ hội lớn để nhìn lại mình và thực hiện những điều chỉnh cần thiết về mặt tổ chức, nhân sự, cơ cấu tài chính nhằm xây dựng một nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai, một sự phát triển chân thật và bền vững dựa vào năng lực cạnh tranh có thật trên một sân chơi ngang bằng và kết quả hoạt động tốt hơn từ việc sung dụng một cách tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên ngày càng hiếm hoi có trong tay họ.

 

Đó là một nguyện vọng chính đáng, nhưng cũng có thể chỉ là điều mơ ước. Điều chắc chắn là hiện nay mỗi doanh nghiệp Việt Nam có ý chí tồn tại đều đã lựa chọn cho mình một đối sách ngắn hạn cho sự tồn tại và đang tìm cách xây dựng một chiến lược dài hạn cho phát triển. Nói đang tìm cách cũng có nghĩa là chưa có. Các nhà doanh nghiệp của chúng ta vẫn đang hoang mang khi phải tính đến một tương lai dài. Đối với họ, các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn vẫn còn chứa quá nhiều ẩn số để có thể làm cơ sở cho việc xây dựng một chiến lược sản xuất kinh doanh đáng tin cậy và mang tính khả thi trong thời gian năm năm hay thậm chí ba năm. Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp phần lớn đều chỉ có đối sách ngắn hạn với mục tiêu tự cứu là chính.

Đối với các ngân hàng, nhất là các ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ, tự cứu trước mắt là phải duy trì được thanh khoản, dù có phải trả một giá đắt. Hậu quả là giảm cho vay, trả lãi suất cao cho huy động tiết kiệm và vay lãi cao trên thị trường tiền tệ, còn gọi là thị trường 2. Giới hạn tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước xác định không quá 20% cho năm 2011 hóa ra lại là một lá bùa hộ mệnh và cung cấp cho các ngân hàng thương mại một lý do quá chính đáng để họ có thể mạnh dạn từ chối cho khách hàng vay. Điều may mắn là cho đến nay cơn sốt thanh khoản có vẻ như đang dần dần hạ nhiệt. Ngoài ra, họ còn phải nhanh chóng thực hiện các điều chỉnh về nguồn vốn, lành mạnh hóa các khoản nợ đóng băng, những điều chỉnh không hề dễ dàng nhằm đáp ứng những yêu cầu trước mắt khác cũng quan trọng không kém là quy định về tỷ lệ CAR (vốn trên tài sản có) và vốn điều lệ tối thiểu. Mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước triển hạn, những quy định này vẫn là lưỡi gươm Damocles đang treo lơ lửng.

Tuy nhiên, thách thức bao giờ cũng hàm chứa cơ hội. Nó có thể trở thành một động lực thúc đẩy các ngân hàng nhỏ tham gia tiến trình sáp nhập, hợp nhất ngân hàng, nếu không muốn bị thôn tính bởi những ngân hàng lớn, mạnh mẽ hơn trong và ngoài nước. Trong điều kiện nguồn cung nhân lực chất lượng cao trong ngành ngân hàng đang khan hiếm và cao giá, môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt về nguồn vốn và khách hàng, yêu cầu cải tiến công nghệ đang bức xúc, việc hợp nhất và sáp nhập các ngân hàng nhỏ chắc chắn giúp họ có được một quy mô giảm phí (economies of scale) cần thiết để duy trì năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Quan trọng hơn, đây cũng là một đối sách ngắn hạn tốt nhất để giúp họ tồn tại. Chỉ có một ngăn trở văn hóa duy nhất cho tiến trình này là nhận thức sai lầm rằng "thà làm đầu gà còn hơn làm đuôi voi", đi cùng với những toan tính về tư lợi không chính đáng.

Điều đáng lưu ý là các đối sách tồn tại ngắn hạn của các ngân hàng thương mại cổ phần đang gây hệ quả nhất định cho các doanh nghiệp tư doanh, những doanh nghiệp vừa và nhỏ mà hoạt động phần lớn sử dụng nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng, và ảnh hưởng đến các phương án tự cứu của họ. Khác hơn các ngân hàng, phương án tự cứu của các doanh nghiệp tư doanh khó xử hơn và lâm vào tình trạng lưỡng nan hơn: làm sao cứu được cả người lẫn của hay phải bỏ của chạy lấy người? Khó khăn trước mắt và nghiêm trọng nhất của các doanh nghiệp tư doanh là thiếu vốn và không thể tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp trong khi các đối tác cạnh tranh của họ tại những nền kinh tế lân cận đều có trong tay các nguồn vốn dồi dào với chi phí thấp hơn.

Thiếu vốn và chi phí vay vốn quá cao, để tồn tại họ buộc phải thu hẹp hoạt động, giảm bớt lao động, giảm nguồn vốn hoạt động và hủy bỏ các dự án đầu tư mới. Đây cũng có thể xem là những hành động tái cấu trúc doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhưng là một sự điều chỉnh bất đắc dĩ của sống còn. Nếu mọi doanh nghiệp tư doanh đều tái cấu trúc theo hướng này, hậu quả đối với khu vực tư của nền kinh tế sẽ rất tiêu cực: sản lượng công nghiệp, thương mại dịch vụ và lợi nhuận doanh nghiệp đều sút giảm, thất nghiệp gia tăng và nguồn thuế sẽ thất thu. Thị trường chứng khoán cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của hậu quả này và chỉ số thị trường sẽ giảm mạnh. Giá cổ phiếu doanh nghiệp đi xuống, thậm chí do hiệu ứng tâm lý bi quan, còn có thể xuống dưới giá trị kế toán. Nhưng đối sách tự cứu của doanh nghiệp tư doanh còn có thể có nội dung tiêu cực hơn nữa là bỏ của chạy lấy người. Khi đó tình trạng bãi đầu tư sẽ không phải là một điều quá hiếm hoi, và hiện tượng rao bán công ty không phải là không xảy ra. Vấn đề là ai sẽ có thể mua các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, có khách hàng nhưng bị buộc phải ngưng hoạt động vì thiếu vốn?

Kinh Dịch có câu: "Vật cùng tắc biến, biến tắc thông". Trong một nền kinh tế mở và có tính hội nhập cao, có thể có một kịch bản khác mở ra một lối thoát mới. Các nhà đầu tư từ những nền kinh tế có lãi suất thấp sẽ thấy rằng hiện tượng giảm giá nhà đất, giảm giá chứng khoán và có nhiều chủ doanh nghiệp tại Việt Nam sẵn sàng bán lại công ty mình với giá rẻ là một cơ hội đầu tư mới của họ. Có nguồn vốn dồi dào trong tay, chắc chắn họ sẽ sẵn sàng tận dụng thời cơ này. Việt Nam lại trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Thách thức bao giờ cũng hàm chứa cơ hội. Nó có thể trở thành một động lực thúc đẩy các ngân hàng nhỏ tham gia tiến trình sáp nhập, hợp nhất ngân hàng, nếu không muốn bị thôn tính bởi những ngân hàng lớn, mạnh mẽ hơn.

Các nhà đầu tư từ những nền kinh tế có lãi suất thấp sẽ thấy rằng hiện tượng giảm giá nhà đất, giảm giá chứng khoán và có nhiều chủ doanh nghiệp tại Việt Nam sẵn sàng bán lại công ty mình với giá rẻ là một cơ hội đầu tư mới của họ.

Một làn sóng đầu tư mới, trực tiếp và gián tiếp, sẽ tràn vào Việt Nam và được chào đón. Những nguồn vốn mới, dồi dào và có tính cạnh tranh cao sẽ phục hồi sinh lực cho khu vực tư doanh - nay trở thành khu vực đầu tư nước ngoài. Trên đống tro tàn cũ của các doanh nghiệp tư doanh Việt Nam, các con phượng hoàng sẽ hồi sinh từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, dồi dào hơn với chi phí thấp hơn có năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Chỉ có một khác biệt nhỏ và không quan trọng lắm. Một số các ông chủ doanh nghiệp tư nhân trước đây có thể sẽ trở thành những tổng giám đốc mới cho công ty của mình. Trong giai đoạn chuyển tiếp, sự hiện diện của họ cần thiết để đảm bảo tính kế thừa. Họ có thể nhận được thù lao hậu hĩ, nhận được một số lượng cổ phiếu nhất định trong công ty mới, đủ động lực để họ hài lòng góp phần xây dựng công ty nay không còn là của họ. Thời gian sau họ sẽ bước ra khỏi vai trò điều hành, có thể có một chút ít đau lòng, nhưng cuối cùng họ cũng vui vẻ thấy rằng phương án bỏ của chạy lấy người đã có tác dụng. Ít ra, họ cũng may mắn hơn nhiều nhà doanh nghiệp nhỏ khác không bán được công ty.

Nhiều người trong chúng ta sẽ không thích kịch bản này. Nó cho thấy rằng khả năng tự cứu của các doanh nghiệp tư doanh để tồn tại và phát triển tiếp tục trong tương lai tuy không phải là không thể nhưng rất nhỏ. Đối với các ngân hàng thương mại, có những vấn đề vượt khỏi khả năng tự cứu của mỗi ngân hàng, đòi hỏi sự hợp tác liên ngân hàng, vai trò điều hành thanh toán toàn hệ thống và vai trò người cho vay ở giai đoạn cuối của Ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn vấn đề nợ đóng băng ảnh hưởng đến thanh khoản. Tài sản, đặc biệt là bất động sản được thế chấp cho hệ thống ngân hàng rất lớn và rất có giá trị, đang cần một giải pháp khả thi để biến thành dòng vốn, và đó là điều mà một ngân hàng không thể tự giải quyết. Mặt khác, để làm giảm lãi suất đồng vốn trong nền kinh tế, việc đưa các giao dịch thanh toán khổng lồ trong xã hội vào hệ thống ngân hàng để tăng cường nguồn vốn thanh toán cho hệ thống, một giải pháp căn cơ giúp làm giảm lãi suất sẽ không thể thực hiện nổi nếu không có các biện pháp tác động mạnh mẽ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Trong tình hình kinh tế phức tạp, các biện pháp kinh tế vĩ mô của Nhà nước luôn có vai trò rất quyết định trong việc giúp cho các doanh nghiệp, các ngân hàng có một lối thoát tốt hơn cho họ và cho toàn nền kinh tế. Để giúp nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, điều mọi người chúng ta cùng mong muốn là các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ hợp lý, nhất quán, có thể tiên liệu được và luôn hướng về mục tiêu lợi ích chung của toàn nền kinh tế.

  • Tác giả: Huỳnh Bửu Sơn //Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần// Tuần Việt Nam

  • Kinh tế 6 tháng đầu năm: Vượt khó để tăng trưởng
  • Cải cách bộ máy Chính phủ theo hướng nào?
  • Đề xuất vội vàng?
  • Lãng phí điện chủ yếu do thiết bị
  • Thị trường xăng dầu: Ai thiệt thòi, ai hưởng lợi?
  • Nghị quyết 11 và kỳ vọng tháng 8
  • Khó cải cách hành chính vì “đụng chạm” quyền lợi
  • Chưa giảm giá xăng dầu, gánh nặng dồn vào người tiêu dùng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi