Đầu tháng 6, các doanh nghiệp (DN) đầu mối tuyên bố đã có lãi 100-200 đ/lít xăng A92, và 700-800đ với dầu diesel.
Tuy nhiên, Liên bộ Tài chính - Công thương đã lựa chọn giải pháp không giảm giá bán lẻ, mà tăng thuế nhập khẩu từ 0 lên 5% với diesel, dầu hỏa và tăng mức trích quỹ bình ổn thêm 100 đ/lít với xăng. Theo lý giải, hạ thuế nhập khẩu xuống 0% với cả xăng, dầu đã khiến ngân sách thất thu trên 30.000 tỉ đồng.
Đại lý” hưởng lợi
Tuy nhiên, trong khi giá xăng không giảm, người tiêu dùng đang phải gánh cả phần chiết khấu hoa hồng cho đại lý đang tăng rất nhanh do nhiều đầu mối cạnh tranh nhau. Theo ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc (TGĐ) Saigon Petro, thị trường xăng dầu khu vực phía Nam đang diễn ra sự cạnh tranh ác liệt giữa các đầu mối phân phối tăng mức chiết khẩu cho đại lý để bán được hàng. Ông Sang cho biết, các tháng trước đây, khi giá xăng nhập tăng cao, một số đầu mối dừng nhập, đẩy gánh nặng kinh doanh cho vài DN đầu mối lớn. Nay khi giá hạ, các DN đó lại lao vào cuộc chạy đua tăng chiết khấu cho đại lý để bán được hàng, đẩy mặt bằng chiết khấu lên cao.
“Như Saigon Petro đã phải đẩy mức chiết khấu lên 700 -800 đ/lít xăng, nếu không các đại lý sẽ bỏ sang lấy hàng đầu mối khác”, ông Sang cho biết.
Chia sẻ quan niệm này, ông Vương Thái Dũng, Phó TGĐ Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex) cũng cho biết, chiết khấu hoa hồng cho đại lý của Petrolimex đã tăng lên, nhưng vẫn rất thấp so với các đầu mối khác. “Tăng trích hoa hồng, người tiêu dùng và Nhà nước đều không được hưởng, chỉ tổng đại lý, đại lý được hưởng chênh lệch. Phải xem lại cách điều hành, quản lý”, ông Dũng nói.
Cần minh bạch quỹ bình ổn
Cũng theo Liên bộ Tài chính - Công thương, từ tháng 10.2010 đến 24.2.2011, các đầu mối xăng dầu đã 3 lần nâng mức sử dụng Quỹ bình ổn đối với xăng (từ 550 đ/lít lên1.650 đ/lít), dầu hỏa (từ 700 đ/lít lên 2.150 đ/lít, dầu mazut (từ 250 đ/kg lên 1.400 đ/kg), riêng diesel nâng 4 lần (từ 550 đ/lít lên 2.300 đ/lít). Tính chung, quỹ bình ổn đã xả gần 6.400 tỉ đồng.
Đây là lý do mức trích quỹ bình ổn với xăng sẽ tăng thêm 100 đ/lít lên 400 đ/lít để tạo nguồn xử lý bình ổn giá thời gian tới. Theo ông Vương Thái Dũng, trích quỹ bình ổn giá để phục vụ người tiêu dùng, DN không được hưởng, vì nếu giá tăng đột biến có nguồn để bình ổn. Ông Dũng cũng cho biết, mức trích quỹ hiện nay chưa thể bù được khoản quỹ âm trước đây.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, quỹ bình ổn cần công khai, minh bạch. Thực tế, đầu năm 2011, khi cơ quan quản lý kiểm tra việc sử dụng quỹ bình ổn đã phát hiện ra Petrolimex sử dụng sai quỹ 1.200 tỉ đồng để bù lỗ kinh doanh chứ không phải bù vào mức chênh lệch giá bán. Theo lý giải của lãnh đạo DN này khi ấy, sử dụng chưa đúng mục đích quỹ do quy định về quỹ chưa rõ ràng. TS Phong cho rằng, với những bùng nhùng trong quá khứ cũng như việc cơ chế sử dụng quỹ còn bất cập, việc không giảm giá mà tăng trích quỹ bình ổn cần xem lại.
(Báo Thanh Niên)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com