Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh nghiệm của một số nước châu Á về đổi mới công nghệ và bài học cho Việt Nam

Qua hơn 20 năm đổi mới, nhờ đường lối đúng đắn của Đảng và tính tích cực chủ động, sáng tạo của nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Song để đưa công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên chúng ta phải không ngừng học hỏi những kinh nghiệm của các nước đi trước, vậy làm thế nào để áp dụng có hiệu quả những kinh nghiệm đó vào Việt Nam. Chúng ta sẽ xem xét kinh nhiệm của một số nước châu Á về đổi mới công nghệ và bài học cho Việt Nam.
    

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Nhận thức được sự tụt hậu về công nghệ trong nước, cuối những năm 70 của thế kỷ 20 Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế với thế giới bên ngoài, với mong muốn dựa vào phương Tây để mau chóng tiếp cận công nghệ mới, đuổi kịp trình độ các nước phát triển, thời kỳ đầu Trung Quốc đã khuyến khích nhập khẩu công nghệ từ bên ngoài để thay thế công nghệ lạc hậu của ngành công nghiệp, đây là chìa khoá then chốt để đổi mới và phát triển các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng luôn đề cao tính độc lập công nghệ trong nước, đưa ra nhiều chính sách coi trọng cải tiến R & D và đưa ra những chính sách KH & CN mới. So với những giai đoạn trước, mặc dù hiện nay vai trò chỉ đạo của Nhà nước trong R & D đã giảm dần và thay vào đó là sự tăng lên vai trò của doanh nghiệp và thị trường. Nhưng về cơ bản, các dự án R & D công nghệ được thực hiện và tài trợ theo kế hoạch chung của Chính phủ và sự chỉ đạo của Chính phủ vẫn là những định hướng quan trọng quyết định sự phát triển của những hoạt động này. Nhằm phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng R & D, nhà nước soạn thảo và tài trợ cho các dự án lớn về R & D công nghệ hướng tới các mục tiêu trung hạn và dài hạn trong các kế hoạch kinh tế 5 năm của trung Quốc. Ngoài mục tiêu trên, các dự án R & D do Chính phủ thực hiện còn nhằm phát triển và tăng cường công nghiệp hoá và thương mại hoá kết qủa nghiên cứu KH & CN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng các sản phẩm công nghệ cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường địa phương và thế giới... Tiêu biểu là: Chương trình “Đốm lửa” (1986) tập trung đầu tư vào 7 lĩnh vực then chốt: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ, công nghệ laze, tự động hoá, công nghệ năng lượng và công nghệ vật liệu tiên tiến... Chương trình “Ngọn đuốc” (1988) được đề xướng nhằm thúc đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp...

Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Đối với Hàn Quốc, chính sách công nghệ được coi là một bộ phận hợp thành hữu cơ của chính sách công nghiệp mở rộng. Hàn Quốc đặc biệt coi trọng thực hiện kết hợp chính sách công nghệ với chiến lược thay thế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư phát triển tiềm lực R & D cho tập đoàn tư nhân lớn - “Chaebol” và hàng loạt chính sách hỗ trợ có liên quan.

Không ỷ lại hoàn toàn vào nhập khẩu công nghệ, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách công nghệ kết hợp thay thế nhập khẩu có sự lựa chọn cùng với thúc đẩy xuất khẩu, bảo hộ và bao cấp cho các nghành công nghiệp chọn lọc tạo ưu thế xuất khẩu tương lai. Để tiến hành phát triển công nghiệp nặng, thúc đẩy năng lực R & D nội địa và xuất khẩu quốc tế, không đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, mà Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào thúc đẩy sự tăng trưởng của các hãng tư nhân khổng lồ gọi là các “chaebol”, đây chính là những trụ cột chính của chiến lược công nghệ. Các “chaebol” này được lựa chọn từ những hãng xuất khẩu thành công và được nhận nhiều ưu đãi đặc quyền và trợ cấp như: chế độ bảo hộ của Nhà nước nhằm hạn chế sự cạnh tranh của các công ty xuyên quốc gia. Để phát triển năng lực R & D, Chính phủ Hàn Quốc rất chú trọng việc chuyển giao công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích các hãng sản xuất tiếp nhận thiết bị và công nghệ mới nhất, cũng như khuyến khích thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Chính phủ Hàn Quốc cũng thực thi nhiều chính sách nhằm phát triển các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành, nhiều ưu đãi về pháp lý, tài chính và thuế cho các công nghệ lựa chọn...  

Việc nhập khẩu công nghệ cũng được quan tâm bằng các hỗ trợ thích hợp về chi phí chuyển giao sáng chế và chi phí chuyển giao công nghệ, về miễn thuế thu nhập từ tư vấn công nghệ, miễn thuế thu nhập cho các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài... Bên cạnh đó, các hình thức hỗ trợ khác cũng được sử dụng rộng rãi: miễn thuế cho các quỹ phát triển công nghệ, nợ thuế đối với các chi phí cho R & D, nâng cấp nguồn nhân lực, xây dựng viện nghiên cứu công nghiệp, thực hiện khấu hao nhanh, giảm thuế nhập khẩu cho thiết bị nghiên cứu, thuế tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao...

Ngoài ra, với việc thực hiện chính sách license tự do hoá từ những năm 80, Hàn Quốc đã khuyến khích các hãng nhập công nghệ phát triển công nghệ nội sinh và nhiều hãng lớn sau này có thể hợp tác bình đẳng với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới, sớm sử dụng công nghệ nhập khẩu để phát triển các cơ sở năng lực quốc gia trong các hoạt động tiên tiến...  Nhằm trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm và mua công nghệ nước ngoài, Chính phủ đã xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn và giá cung cấp công nghệ, cung cấp thông tin trực tuyến ở các trung tâm công nghiệp chính và phát triển các dịch vụ tư vấn công nghệ khác...

Chính phủ còn hỗ trợ tài chính cho công nghệ mới dưới hình thức tài trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi. Các hình thức bao cấp này góp phần không nhỏ vào nâng cao năng lực R & D của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Chương trình R & D chỉ định (triển khai từ 1982) được Bộ KH & CN phê duyệt đã thực hiện hỗ trợ tới 50% chi phí R & D của các hãng lớn và 80% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ công nghiệp (1987) chủ chương bao cấp 2/3 chi phí R & D cho các dự án chung vì  lợi ích quốc gia...

Hình thức cho vay ưu đãi được Chính phủ thực hiện thông qua việc lập các quỹ cung cấp các khoản cho vay với lãi suất thấp để phát triển công nghệ, với nguồn tài chính từ các cơ quan, tổ chức tài chính. Hàn Quốc là quốc gia có nền công nghệp tài chính mạo hiểm thuộc hàng lớn nhất và có nhiều thành công trên thế giới. Hiện Hàn Quốc có 58 công ty tài chính mạo hiểm, cung cấp khoản vay và đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD trong giai đoạn 1990 - 1994 (85% là cho vay).

Dòng công nghệ du nhập của Hàn Quốc chủ yếu là từ Mỹ và Nhật Bản trong các ngành: điện - điện tử, hoá công nghiệp, máy móc thiết bị, vận tải... Đây là những công nghệ có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp của Hàn Quốc, đồng thời tạo điều kiện cho công nghệ nước này nhanh chóng đuổi kịp công nghệ các nước tiên tiến.

Trong giai đoạn đầu, con đường du nhập công nghệ của Hàn Quốc chủ yếu là thông qua các hoạt động chuyển nhượng licence từ các công ty xuyên quốc gia, nhập khẩu công nghệ, thiết bị máy móc. Còn trong giai đoạn sau thì Hàn Quốc lại chú trọng phát triển năng lực công nghệ nội sinh. Từ 2003 đến nay, Chính phủ Hàn quốc đã đưa ra những thay đổi lớn trong chính sách phát triển KH & CN và đổi mới nhằm tạo ra bước đột phá mới trong phát triển đất nước dựa trên tiềm năng về KH & CN. Trọng tâm ưu tiên của chính sách được đặt vào mục tiêu thúc đẩy khoa học cơ bản và phát triển nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo về khoa học công nghệ... Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của đầu tư R & D, chính sách mới hết sức chú trọng đến thực hiện cải cách hệ thống R & D của khu vực kinh tế nhà nước và khuyến khích quan hệ hợp tác giữa khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân... Sự hỗ trợ của Chính phủ cho R & D và đổi mới thuộc khu vực tư nhân cũng có những thay đổi mới về hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp: chấp nhận công nghệ như tài sản (tài sản tri thức) để thế chấp vay ngân hàng; tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê mướn nguồn nhân lực R & D, cung cấp thông tin về kỹ thuật, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, trường đại học và nghành công nghiệp...

Kinh nghiệm của Đài Loan

Không khuyến khích sự tăng trưởng của các tập đoàn tư nhân lớn kiểu “Cheabol” của Hàn Quốc trong phát triển công nghệ, Đài Loan lại rất chú trọng đến sự thúc đẩy năng lực R & D của địa phương từ những năm cuối thập niên 50. Đài Loan đã sớm đưa ra chương trình KH & CN (1979) nhằm tập trung vào phát triển các ngành năng lượng, tự động hoá sản xuất, khoa học thông tin và các công nghệ khoa học vật liệu. Năm 1982, công nghệ sinh học, điện quang học, công nghệ thực phẩm... tiếp tục được quan tâm. Chi phí đầu tư cho R & D cũng được chính quyền Đài Loan tài trợ với tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên, khoản tài trợ bị giảm bớt đi theo thời gian. Trên thực tế, thời kỳ đầu R & D của khu vực tư nhân còn yếu vì phần lớn các doanh nghiệp thuộc khu vực này là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sự hỗ trợ của chính quyền cho các chương trình R & D được thực hiện trong nhiều năm bằng nhiều chính sách ưu đãi, như:

Cung cấp  vốn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm;

Tạo điều kiện tài chính thuận lợi cho các công ty phát triển các sản phẩm công nghiệp “chiến lược”

Thực hiện các biện pháp khuyến khích các công ty tư nhân phát triển sản phẩm bằng các khoản vay lãi thích hợp;

Miễn toàn bộ thuế cho các chi phí trong hoạt động R & D, và thực hiện chích sách khấu hao nhanh đối với các thiết bị nghiên cứu;

Chính quyền cũng triển khai côngxoocxiom nghiên cứu quy mô lớn, được tài trợ cùng với ngành công nghiệp nhằm phát triển các sản phẩm công nghiệp then chốt.

Thực hiện chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu từ những năm 1950, do vậy bên cạnh sự chuyển hướng sang công nghiệp xuất khẩu, Đài Loan vẫn tiếp tục duy trì bảo hộ hướng tới tăng trưởng công nghiệp, kết hợp chính sách này với sự can thiệp trong chuyển giao công nghệ để hỗ trợ công nghệ địa phương. Những năm 1970, Đài Loan đã chú trọng và hướng tới công nghệ cao hơn, ưu tiên đầu tư các lĩnh vực tự động hoá, tin học và các thiết bị đo đạc chính xác. Để thực hiện mục tiêu này vào những năm 1980, các ngành công nghệ cao được phép miễn thuế 5 năm, mức khấu hao nhanh với các thiết bị, mức thuế thấp đối với một số hoạt động được lựa chọn và miễn thuế nhập khẩu đối với các vật liệu và thiết bị phục vụ cho R & D.

Bài học cho Việt Nam

Từ thực tế của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy, một mặt, nhân tố đóng vai trò đảm bảo sự thành công trong thời kỳ đầu của quá trình đổi mới và phát triển công nghệ là sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các hoạt động này, thể hiện ở các khía cạnh:

Thứ nhất, Nhà nước phải xây dựng chiến lược phát triển KH & CN hợp lý, khai thác và phát huy nguồn lực KH & CN sẵn có trong nước, đồng thời tập trung nghiêm cứu và phát triển công nghệ mới

Thứ hai, Nhà nước thực hiện đồng bộ và hệ thống các chính sách ưu tiên đầu tư trong nghiên cứu R & D, chương trình KH & CN ưu tiên nhằm nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, như sử dụng các công cụ: miễn thuế, hỗ trợ vốn vay và cho vay không lãi, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp áp dụng và đầu tư công nghệ mới; Đẩy mạnh việc thành lập KH & CN, thúc đẩy chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức KH & CN, các viện nghiên cứu hoạt động theo cơ chế thị trường;

Thứ ba, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, định hướng trong tiến trình hấp thụ và phát triển công nghệ mới. Nhà nước là chủ thể chính thúc đẩy hoạt động đổi mới của doanh nghiệp (Trung Quốc), tạo tiền đề cho khu vực tư nhân đi đầu về đổi mới công nghệ (Hàn Quốc); Nhà nước tích cực tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới công nghệ, trong đó có hỗ trợ phát triển nguồn lao động có kỹ năng; không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp  trong đổi mới công nghệ, mà các Chính phủ còn chú trọng đến hỗ trợ hoạt động công nghệ của địa phương (Đài Loan); khuyến khích sự gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu và các trường đại học trong hoạt động khoa học công nghệ...

Mặt khác, để thành công trong đổi mới và phát triển công nghệ, các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng chiến lược đổi mới công nghệ bao gồm chiến lược đầu tư cho R & D, đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ mới trong doanh nghiệp. Đối với việc tiếp cận công nghệ ngoại nhập, doanh nghiệp phải chú trọng đến khâu hấp thụ hiệu quả công nghệ, cải tiến và thích hợp công nghệ phù hợp với nguồn lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần coi trọng huy động và sử dụng hiêu qủa các nguồn vốn dành cho đổi mới công nghệ; thực hiện đổi mới công nghệ kết hợp với các kế hoạch nghiên cứu thị trường để định hướng các hoạt động đổi mới công nghệ phù hợp với yêu cầu thị trường, đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa nghiên cứu khoa học ở các trường và viện nghiên cứu với ứng dụng, triển khai công nghệ trong hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời quan tâm đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực KH & CN trong doanh nghiệp./.

(Trần Hồng Thanh- Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Nông nghiệp: trụ đỡ trong cơn suy thoái
  • Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
  • Việt Nam: Vai trò mới ở châu Á ?
  • Khủng hoảng toàn cầu và ứng phó của Việt Nam
  • Niềm tin kinh doanh có sút giảm?
  • Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ:Tập trung đầu tư, mở rộng thị trường
  • Kinh tế Việt Nam: Nhiều 'nút cổ chai' cần tháo gỡ
  • Tương lai của chính sách giải quy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi