Phương án 2, đề nghị điều chỉnh mục tiêu tổng quát thành “ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững với mức tăng trưởng hợp lý”. Còn với các chỉ tiêu kinh tế cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, giảm chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP xuống còn 6,5-7% cho phù hợp với tình hình thực tế; giảm tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP từ 40% xuống 37-38%. Trong khi đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu được điều chỉnh tăng từ 12% lên 13%.
Nhiều dự báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước thời gian gần đây đều cho rằng, kinh tế thế giới đang diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường. Khủng hoảng nợ công, lạm phát tăng cao… đang đẩy kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái mới. Thậm chí, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) còn lên tiếng cảnh báo, kinh tế toàn cầu đang bước vào “giai đoạn nguy hiểm”.
Trong khi đó, kinh tế trong nước cũng đang đối mặt với những nguy cơ khó lường. Bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao, khó khăn trong sản xuất - kinh doanh… là những lý do khiến các chuyên gia quan ngại về tình huống xấu của nền kinh tế Việt Nam.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP năm nay chỉ ở mức 6%, còn năm 2012 là khoảng 6,5%. Nếu hai năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2011-2015, tăng trưởng GDP đạt thấp hơn mức Nghị quyết Đại hội XI đề ra, thì khả năng đạt được mức tăng trưởng 7-7,5% là không hề dễ dàng. Chính vì thế, chỉ tiêu kinh tế quan trọng này đã được điều chỉnh giảm.
Đồng tình với phương án điều chỉnh nói trên, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá cho rằng, đó là bước đi thích hợp. “Cần đánh giá đúng, sát thực tình hình kinh tế, nhất là kinh tế vĩ mô năm 2011 và dự báo năm 2012 để có sự điều chỉnh định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của Kế hoạch 5 năm 2011-2015”, ông Giá nói và cho rằng, lường trước khó khăn và chuẩn bị sẵn phương án dự phòng, để có biện pháp điều hành, xử lý phù hợp là điều rất cần thiết. Ông cũng cho rằng, để thực hiện tốt kế hoạch 5 năm, phải giải quyết tận gốc các nguyên nhân gây ra lạm phát và bất ổn vĩ mô hiện nay. “Các giải pháp ngắn hạn thực chất mới chỉ chữa sốt, chứ chưa phải chữa bệnh. Muốn chữa bệnh phải xử lý các vấn đề căn cơ hơn”, ông Giá nói và nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tiên phải làm là kiềm chế cho được lạm phát, xem đây như một tiền đề để triển khai Kế hoạch 5 năm.
Ở một góc độ khác, việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế có thể kéo theo những hậu quả bất lợi về giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và làm tăng nguy cơ tụt hậu so với các nước khác.
Việc xây dựng được một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi có ý nghĩa hệ trọng đối với đất nước. Hai phương án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ chắc hẳn sẽ được thảo luận, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn phương án tối ưu trình Quốc hội xem xét quyết định.