Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lựa chọn chính sách: Cách nào cũng khó!

Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn trong việc lựa chọn chính sách kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Trong khi đó, để tồn tại trước những bất định trong một thế giới toàn cầu hóa, doanh nghiệp được khuyến cáo cần phải sẵn sàng để sống chung với những cú sốc.

 

Buổi tọa đàm: “Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam năm 2009 - 2010” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tuần qua thu hút nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, đã đưa ra cái nhìn bình tĩnh hơn về cục diện kinh tế nước nhà.

Những cảnh báo đỏ

TS. Đặng Xuân Thanh - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới không dành nhiều thời gian để luận bàn về nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng. Điều ông quan tâm chính là việc phân tích những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đối với Việt Nam, đặc biệt là vào 6 tháng cuối năm nay. Chúng ta phải chăng đã nên lạc quan về việc nền kinh tế đã thoát ra khỏi đáy của khủng hoảng và giờ là thời điểm để bật lên? Không một chuyên gia kinh tế nào trong buổi tọa đàm đưa ra một câu trả lời trực diện. Nhưng, sau những diễn giải thì có thể hiểu rằng, chúng ta vẫn cần phải xử lý cho thấu đáo hàng loạt những cảnh báo đỏ hiện nay.

Trong 5 nỗi lo về tác động trung và ngắn hạn của khủng hoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam, ông Thanh quan ngại về việc mất cân đối vĩ mô trầm trọng hơn. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ lên đến 6,7% trong năm 2009. Thâm hụt ngân sách có thể vượt ngưỡng kỷ lục 8% do các nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô, thuế xuất - nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp… giảm mạnh (dự báo có thể giảm 50 - 90 ngàn tỷ đồng trong 2009) trong khi nhu cầu chi ngân sách tăng lên do phải kích cầu và hỗ trợ an sinh xã hội. Cán cân thương mại và cán cân vãng lai có thể chỉ được cải thiện trong ngắn hạn. Chính sách tiền tệ chỉ còn một hành lang hẹp: vừa phải nới lỏng để kích thích kinh tế, vừa phải đề phòng lạm phát quay trở lại. Giải pháp hỗ trợ lãi suất 4% có tác dụng tích cực giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, lập lại cân bằng trên bảng cân đối kế toán, nhưng lại gây mất cân bằng cung cầu trên thị trường ngoại hối.

 

Ở Việt Nam, các rủi ro bất ổn về kinh tế vĩ mô còn khá cao. Do đó, việc đưa ra những chính sách thích hợp trong giai đoạn này là hết sức khó khăn

 

Cùng chia sẻ nỗi quan ngại về thị trường tài chính, TS Bùi Quang Tuấn - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam khuyến nghị, cần phải tính liều lượng của gói kích cầu II để đảm bảo các cân đối vĩ mô, đặc biệt là tránh lạm phát cao trở lại. Gói kích cầu I là cấp cứu cho doanh nghiệp. Nhưng sang đến gói II, cái doanh nghiệp cần là giúp kích thích năng lực canh tranh, kích thích tiêu dùng, và kích thích thông qua đầu tư công. Đặc biệt, ông Tuấn lưu ý nên có các đánh giá kịp thời về gói kích cầu này.

 

Chọn cách nói vo, bình luận thẳng vào vấn đề, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thu hút sự chú ý khi thẳng thắn đặt vấn đề: Từ lúc này phải trả lời được hai câu hỏi: phải làm gì, và phải làm như thế nào? Thắt chặt tiền tệ thì sẽ suy giảm tăng trưởng, nhưng nếu mở thì sẽ đi liền nguy cơ lạm phát. Ông Thành dự báo, lạm phát năm nay nhiều khả năng là từ 7 - 9% chứ không phải là 6%. Nếu không kiểm soát thì lạm phát sẽ quay lại, khi đó chi phí điều chỉnh sẽ phải cao hơn năm 2008.

Ở Việt Nam các rủi ro, bất ổn về kinh tế vĩ mô còn khá cao, do đó, việc đưa ra những chính sách thích hợp trong giai đoạn này là hết sức khó khăn. Ông Thành nhấn mạnh, lúc này, ít nhất là chúng ta không được làm xấu đi chính sách vĩ mô và phải chú trọng đảm bảo được an sinh xã hội, việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Những hạn chế của các doanh nghiệp là điều đã được đề cập nhiều nhưng sự cải thiện chưa được là bao. Vậy nên, TS. Phạm Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI) một lần nữa vẫn phải chỉ ra những hạn chế của doanh nghiệp như: Thiếu tầm nhìn chiến lược - thể hiện rõ nhất ở các doanh nghiệp sản xuất tư nhân; Doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào một số đại lý thương mại ở khu vực Đông Á và hầu như chưa có sự chuyển động lên mắt xích cao hơn trong “chuỗi giá trị” ; Doanh nghiệp ít đưa ra các lựa chọn chiến lược khác biệt hoặc đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới… Từ góc độ đó, bà Hằng đề xuất một số giải pháp đối với doanh nghiệp để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn như, mở rộng nội hàm của vấn đề “năng lực cạnh tranh” . Doanh nghiệp cần đưa ra các lựa chọn chiến lược khác biệt hoặc đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới; Ưu tiên hàng đầu đối với vấn đề đầu tư công nghệ, đổi mới sản phẩm, tăng cường mối liên kết với các tổ chức nghiên cứu; Xây dựng chiến lược phát triển dựa trên sự liên kết trong chuỗi giá trị và cung ứng; Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn kích cầu; Quan tâm tích cực đến nâng cao năng suất lao động, nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân; Phối hợp với Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng tầm phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cùng Chính phủ vượt qua cơn khủng hoảng toàn cầu.

Còn ông Võ Trí Thành đưa ra một ý tưởng khá thú vị, doanh nghiệp phải tập làm quen với các cú sốc ví dụ như giá dầu tăng vọt, hay lạm phát, khủng hoảng tài chính… Và một dạng cú sốc khác đó là cú sốc do các nền kinh tế muốn bảo vệ lợi ích cho họ thường đưa ra những chính sách, thủ thuật để bảo hộ. Ví dụ chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật. Muốn học được cách sống và chống chọi với các cú sốc, thông tin là yếu tố không thể bỏ qua. Từ đó, doanh nghiệp phải biết lường trước và điều chỉnh mình.

Một lưu ý không thể bỏ qua, ông Thành khuyến nghị, doanh nghiệp phải biết lựa chọn lợi thế cạnh tranh trong các điều kiện động như nguồn nhân lực, tài nguyên, chuyển giao công nghệ. Từ đó, doanh nghiệp phải tự lựa chọn vị trí cho mình trong mạng lưới sản xuất, dịch vụ nhằng nhịt hiện nay. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp hiện nay không phải là vấn đề vốn, nhân lực, tài nguyên… mà chính là thông tin. Doanh nghiệp phải tìm và có được thông tin để lựa chọn vị trí, chỗ đứng của mình trong phân khúc, trong mạng lưới kinh doanh và hiểu được đối tác của mình.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, các chính sách ngắn hạn và dài hạn cần phải nhất quán. Những biện pháp cứu chữa tức thì trong ngắn hạn có thể tạo ra những méo mó. Nhưng dài hạn là những chính sách tốt hơn liên quan đến thị trường lao động, đất đai, tài chính… Đây phải là những chính sách tạo sự ổn định và cạnh tranh bình đẳng.

Phụ họa cùng nhận định của các nhà kinh tế, từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Trọng Vinh – Giám đốc Công ty cổ phần Biển Bạc cũng đánh giá cao cái nhìn dài hạn cho triển vọng phát triển kinh tế. Ông Vinh không khỏi quan ngại khi chúng ta chưa kêu gọi được tổng thể sức mạnh toàn dân. “Vì thế, chúng ta nên có tầm nhìn xa hơn thì sẽ có những chính sách phát triền bền vững hơn. Điều sợ nhất là không thể liên kết lại cùng nhau tạo nên sức mạnh vượt qua khủng hoảng”, lời tâm sự của ông Vinh tạo nên một dấu lặng khi tọa đàm khép lại.

 

(Theo Mặc San/dddn)

  • Ồ ạt xây kho chứa lúa gạo
  • Lạm phát có thể dao động từ 6,3% đến 9,3%
  • Bệnh tâm thần chiếm khoảng 20% dân số Việt ?
  • Quyết tâm cải cách thủ tục hành chính !
  • Hiệu quả kích cầu: Cần minh bạch hóa
  • 10 năm tới tăng gấp ba thu nhập cho dân
  • ANZ : Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,5%
  • Kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến tích cực trong 6 tháng cuối năm 2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi