
|
Doanh nghiệp nhà nước yếu kém nên để phá sản |
Không như nhiều dự án trước đó, Việt Nam không trở thành “một Thái Lan của năm 1997”. Tuy nền kinh tế dễ tổn thương hơn trước, nhưng rút cục, sau những cái giá phải trả khá đắt, nhìn chung các phản ứng chính sách đã trở nên linh hoạt hơn.Khi cuộc khủng hoảng tài chính khu vực bùng phát tại Thái Lan năm 1997, các nhà lãnh đạo Việt Nam thời đó vẫn cảm thấy yên tâm. Lý do là nền
kinh tế Việt Nam lúc đó còn tương đối đóng cửa. Thực tế có vẻ đứng về phía họ khi Việt Nam chỉ chịu tác động rõ ràng hai năm sau, tức năm 1999, với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt vỏn vẹn 4,8%, thấp nhất kể từ đầu thập kỷ đó, và thậm chí cho đến tận ngày nay.
Cái giá của những bài họcHơn 10 năm sau, tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Mô hình kinh tế hướng mạnh vào xuất khẩu và phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, cùng với cam kết hội nhập sâu đã giúp Việt Nam mạnh hơn, nhưng dễ tổn thương hơn trước. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng phát vào mùa Thu năm ngoái đã ngay lập tức tác động mạnh đến toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế, chứ không phải mất đến hai năm như cách đây một thập kỷ. Những chỉ số vĩ mô của quý 1 năm nay là minh chứng không phải bàn cãi.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nhận xét: “Khủng hoảng lần này tác động nhanh, mạnh, toàn diện đến Việt Nam. Các chỉ tiêu tăng trưởng, xuất khẩu, du lịch, việc làm… sụt giảm rất rõ ràng. Trong khi đó, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều hết sức lúng túng, khó khăn”. Ông Martin Rama, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới thì nhận định: “Chính phủ Việt Nam chưa có kinh nghiệm đối phó với những biến động gây nên bởi việc hội nhập sâu và nền kinh tế toàn cầu”. Nhận xét thẳng thắn này có vẻ phù hợp với những diễn biến trên thực tế.
Những lúng túng trong điều hành bắt đầu lộ diện từ đầu năm 2008, một năm cực kỳ đặc biệt khi nền kinh tế chịu hai cú sốc cùng lúc. Tăng trưởng quá nóng vào cuối năm 2007 do các luồng vốn trực tiếp và gián tiếp đổ vào làm lạm phát phi mã, bong bong bất động sản phình to và thâm hụt thương mại gia tăng. Trước những dấu hiệu bất ổn này vào đầu năm ngoái, các nhà điều hành vẫn say sưa với tăng trưởng. Trong khi đó, nền kinh tế này bắt đầu bị tác động theo chiều ngược lại vào nửa cuối năm bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, các thị trường tín dụng thắt chặt, giá hàng hóa đổ dốc và thương mại toàn cầu sụt giảm.
Tuy vậy, các phản ứng chính sách từ những bài học đắt giá này cũng trở nên linh hoạt hơn. Vào tháng 4 năm ngoái, Chính phủ đã chuyển hướng từ ưu tiên tăng trưởng sang ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt tiền tệ. Đến cuối năm, chính sách lại tập trung vào hỗ trợ hoạt động kinh tế. “Như vậy, Chính phủ đã mau chóng vượt qua giai đoạn khó khăn và chèo lái nền kinh tế khá tốt”, ông Rama nói. Cũng cần nhắc lại, vào thời điểm này năm ngoái bắt đầu xuất hiện những dự báo từ bên ngoài rằng, Việt Nam có thể sẽ trở thành một Thái Lan của năm 1997. Nhưng, thật may mắn và đáng hãnh diện, điều đó đã không xảy ra cho đến nay.
Đối diện với phá sản DNĐến nay thì tất cả các con mắt đều đổ dồn vào chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp vay vốn trong vòng 8 tháng của Chính phủ. Vào cuối năm ngoái, khi đặt lên bàn thảo luận các lựa chọn chính sách có thể, các thành viên Chính phủ đã phải rất đau đầu. Sau một năm lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài khoản vãng lai, Việt Nam đã bị giới hạn về việc triển khai chính sách tiền tệ như lãi suất, tỷ giá… nhằm kích thích nền kinh tế. Bây giờ chọn cái gì?
Hơn nữa, một số nhà hoạch định hàng đầu của Chính phủ nhận thức rằng, trong khi tiêu dùng trong nước thu hẹp, thị trường xuất khẩu co lại thì giúp doanh nghiệp giảm chi phí để hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn là điều tối ưu nhất. Để làm được điều này, rõ ràng Chính phủ buộc phải hạ lãi suất cơ bản xuống, như phần lớn các nước khác trên thế giới thực hiện. Tuy vậy, điều này lại đưa đến hệ lụy là khó huy động vốn trong người dân vào hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh người dân giảm niềm tin vào tiền đồng và chuyển hướng đầu tư sang ngoại tệ và vàng… Tính toán đủ mọi kiểu, Chính phủ mới quyết định đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhằm kích cầu đầu tư, khôi phục lại sản xuất kinh doanh.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định: “Gói hỗ trợ lãi suất theo tôi là chính sách chấp nhận được trong bối cảnh bây giờ”. Ông Tuyển nói: “Yếu kém trong điều hành làm doanh nghiệp khổ chứ không phải tự họ. Có những anh tự thua lỗ thì không tính, nhưng còn những anh trước nay hoạt động bình thường, bây giờ rơi vào khó khăn là do chính sách của chúng ta, và tình hình
kinh tế thế giới, chứ không phải do họ. Nay để họ chết thì bất công, gây ra những bất ổn an sinh lớn. Cho nên, nếu để cho một số đảo nợ cũng là giúp họ và ngân hàng”.
Nhưng chính sách này có làm tốt hay không lại đang trở thành quan ngại của các nhà phân tích kinh tế. Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Đinh Văn Ân nói:“Sẽ là sai lầm nếu để dự án hay doanh nghiệp kém hiệu quả thoi thóp thêm một thời gian nữa vì được hỗ trợ lãi suất. Những anh yếu kém đáng ra cần loại bỏ và tái cơ cấu nhưng họ vẫn nhận được hỗ trợ, nên họ sẽ còn là vấn đề cho lâu dài.”
Trong tổng số vốn giải ngân trong quý 1 năm nay, ước tính có 40% được rót cho các doanh nghiệp nhà nước, theo ông Tuyển, trong khi con số này là 30%, theo nguyên Trưởng đại diện của IMF Susan Adams. Bà Adams nói: “Phân bổ tín dụng như vậy có hợp lý không khi Việt Nam đang đi theo hướng thu hẹp doanh nghiệp nhà nước và tăng động lực cho doanh nghiệp tư nhân - khối DN sẽ đóng vai trò cốt yếu cho tăng trưởng kinh tế sau này?”.
Trong khi chính sách hỗ trợ lãi suất 4% trị giá 1 tỷ USD mới chỉ được triển khai, thì Chính phủ đã dần hé lộ những gói kích tài chính tiếp theo lên đến 9 - 10 tỷ USD. Tuy vậy, đang có nhiều yêu cầu công khai gói này. Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói: “Cuối năm ngoái Chính phủ tuyên bố kích thích tài chính 5 - 6 tỉ USD và gần đây lên gần 10 tỉ, trong đó mới công khai gói 1 tỉ USD hỗ trợ lãi suất, còn gói khác thì chưa rõ ràng và kế hoạch chưa bắt tay ngay. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ có cơ chế giám sát thế nào? Làm nào để tránh kích cầu hàng ngoại?”
Tất cả những tranh luận như thế này, và kể cả hơn nữa Chính phủ đều biết. Ông Tuyển thậm chí còn viết một bức thư cho lãnh đạo Chính phủ khuyến cáo rằng, cần hết sức thận trọng với vấn đề đảo nợ. Ông kể lại sau đó: “Chính phủ biết chuyện đó nhưng bảo rằng, không một chính sách gì hoàn hảo, bao quát hết nền kinh tế, có thể có khoảng trống cho tiêu cực. Nhưng nếu sợ thì không dám làm gì. Đây là một cách tiếp cận tích cực”.
Tuy vậy, ông cũng cho rằng, trong điều hành kinh tế hiện nay Chính phủ cần dũng cảm để những doanh nghiệp nhà nước nào yếu kém thì phải phá sản đi!