Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phải chăng nền kinh tế Việt Nam được miễn nhiễm?

 

Những nhược điểm cố hữu đáng bị chỉ trích của nền kinh tế nước ta như tình trạng sử dụng tiền mặt cao, tình trạng đô la hóa, vàng hóa lại đang trở thành những ưu thế khi nền kinh tế chịu tác động của khủng hoảng tài chính từ bên ngoài.

Tránh chu kì khủng hoảng


Cơn bão Katrina của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm tan vỡ phần lớn cấu trúc tài chính và ngân hàng tại các nước công nghiệp phát triển và hậu quả của nó - sự khan hiếm thanh khoản, sụt giảm tín dụng và đình đốn kinh tế - đang lan sang những nước nghèo.

Trong cuộc họp vào đầu tháng 4 tại London của nhóm G20, những quốc gia có nền kinh tế lớn và hùng mạnh nhất hành tinh, các chính phủ đã phải bóp bụng chi ra đến 1.100 tỷ USD để tự cứu và để gọi là cứu vãn nền kinh tế thế giới, trong một nỗ lực phối hợp tài chính xuyên quốc gia có quy mô lớn chưa từng thấy trước đây.

Bên cạnh những khoản tiền khổng lồ mà mỗi nước phải chi ra nhằm phục hồi hệ thống tài chính ngân hàng của mình, nhiều quốc gia châu Âu đã yêu cầu thiết lập một trật tự tài chính mới với những biện pháp giám sát chặt chẽ quốc gia và quốc tế đối với những hoạt động kinh doanh tài chính tiền tệ mang quá nhiều tính chất ảo và quá nhiều rủi ro của các tập đoàn tài chính, các quỹ đầu tư đa quốc gia.

Đề nghị này có vẻ đi ngược lại với nguyên tắc thị trường tự do, nhưng, như nhiều nhà phân tích kinh tế và chính trị nhận xét, nó thực sự cần thiết cho một sự ổn định lâu dài của nền tài chính tiền tệ quốc gia và quốc tế, tránh việc lặp đi lặp lại, với cường độ ngày càng mạnh hơn, những cơn khủng hoảng chu kỳ trên thị trường tài chính.

Ảnh hưởng suy thoái kinh tế xem ra không chừa một quốc gia nào. Tình trạng thất nghiệp đang gia tăng tại nhiều nước công nghiệp phát triển, ngoại thương thế giới sụt giảm nghiêm trọng, tác động mạnh đến công ăn việc làm và nguồn thu nhập ngoại tệ của những quốc gia xuất khẩu. Một dự báo đáng tin cậy cho thấy nền kinh tế thế giới có thể phải gánh chịu một nguy cơ tăng trưởng âm trong năm 2009.

Kinh tế Việt Nam miễn nhiễm?

Tuy nhiên, cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam có vẻ không mấy chịu ảnh hưởng và nhiều nhà phân tích kinh tế nhận định rằng đợt sóng thần khủng hoảng chưa quét đến Việt Nam, hoặc có thể không quét đến.

Tình trạng giảm lao động có xảy ra tại một số doanh nghiệp chuyên gia công hàng xuất khẩu, nguồn tin trên các báo, đài gần đây có nói đến hiện tượng chủ xí nghiệp nước ngoài bỏ trốn, nợ tiền lương công nhân và nợ tiền bảo hiểm xã hội lên đến hàng ngàn tỷ đồng, hàng chục ngàn lao động bị mất công ăn việc làm, nhưng theo thông tin công bố gần đây của Bộ KHĐT, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn gia tăng trong quý 1/2009.

Nhìn chung, tình hình thất nghiệp cũng không quá nghiêm trọng, các công nhân mất việc có thể quay trở lại vùng nông thôn, nơi họ đã rời bỏ trước đây và tìm được một việc làm bán thời gian trong nông nghiệp với thu nhập thấp và vẫn có thể sống được trong sự cưu mang đùm bọc của đại gia đình, mô hình quen thuộc của một nền kinh tế nông nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp tại các thành thị vẫn phát triển hoạt động và đang than phiền rằng việc tuyển dụng nhân viên mới của họ gặp khó khăn, ngay cả đối với các trường hợp tuyển lao động không chuyên môn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong toàn nền kinh tế trong quý I/2009 vẫn tăng nhẹ so với năm 2008. Hoạt động kinh tế tuy có chậm lại ở một vài lĩnh vực nhất định, nhưng không dừng và còn tăng trưởng nhẹ ở một vài lĩnh vực khác. Điều này cho thấy bức tranh kinh tế của Việt Nam không quá ảm đạm.

Dù với những gói kích thích kinh tế còn khiêm tốn và một chính sách giãn, giảm thuế chưa đủ mạnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang bước về phía trước và Chính phủ vẫn lạc quan dự báo một mức tăng trưởng GDP khoảng 6% cho năm 2009, một mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2008, nhưng đối với nhiều nước công nghiệp phát triển, mức tăng trưởng đó là một giấc mơ mà nhiều năm sau thời kỳ hậu khủng hoảng, họ mới dám nghĩ đến.

Phải chăng nền kinh tế Việt Nam miễn nhiễm, như đã từng miễn nhiễm với cơn khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực vào năm 1997?

Phải chăng chúng ta đã thực thi những chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn và đang có một hệ thống tài chính ngân hàng mạnh mẽ, vững chắc, lành mạnh, nhờ vậy có khả năng đương đầu với khủng hoảng một cách thành công?

Dự trữ riêng

Trên thực tế, phải nhìn nhận rằng nền kinh tế nuớc ta đang hội nhập khá sâu về thương mại với thế giới, vì vậy xuất nhập khẩu của chúng ta rất khó tránh được những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, khi tiêu dùng của thế giới giảm mạnh và khi những khoản tín dụng dành cho ngoại thương quốc tế đã thu hẹp, dù cho lãi suất các đồng ngoại tệ mạnh đang giảm thấp chưa từng thấy trong một thập kỷ nay.

Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu của chúng ta có độ co dãn thấp đối với cầu tiêu dùng của thế giới, như gạo, các mặt hàng thủy hải sản, dầu hỏa.. nên tác động tiêu cực sẽ không quá lớn.

Trong khi đó, cũng có thuận lợi là giá hàng nhập khẩu đang sụt giảm mạnh và Chính phủ vẫn có thể kiểm soát được nhập khẩu để bảo vệ dự trữ ngoại tệ quốc gia và làm giảm nhập siêu, vì các đơn vị nhập khẩu thuần chủ yếu là các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Mặt khác, không thể không thừa nhận là hệ thống tài chính ngân hàng của chúng ta còn non trẻ, có độ hội nhập rất thấp đối với hệ thống tài chính ngân hàng toàn cầu, nhưng nhờ vậy, các sản phẩm tài chính gây thương tổn chết người của hệ thống tài chính xuyên quốc gia - nguyên nhân chủ yếu của khủng hoảng toàn cầu lần này - đã chưa thể xâm nhập vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam.

Tất nhiên, cũng không thể quá chủ quan cho rằng các cân đối kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính ngân hàng của chúng ta không có những vấn đề cần phải điều chỉnh và giải quyết, nhưng những vấn đề đó một là vẫn được xem còn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Hai là, nền kinh tế nội địa đang có những nguồn dự trữ  riêng mà sự yếu đuối, nếu có, của hệ thống tài chính ngân hàng cũng sẽ không gây những ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến các hoạt động thường nhật của nó.

Những nguồn dự trữ riêng đó là gì? Điều đáng ngạc nhiên là khi phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy là những nhược điểm cố hữu đáng bị chỉ trích của nền kinh tế nước ta như tình trạng sử dụng tiền mặt cao, tình trạng đô la hóa, vàng hóa lại đang trở thành những ưu thế khi nền kinh tế chịu tác động của khủng hoảng tài chính từ bên ngoài.

Tiền mặt, đô la, vàng lưu thông trong nền kinh tế với khối lượng lớn đang trở thành nguồn nhiên liệu thiết yếu duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, lưu thông phân phối hiện nay, không những đối với các cơ sở tư nhân sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ và giới tiểu thương tại các chợ mà còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ , trong quá trình đi tìm nguồn vốn ngoài hệ thống ngân hàng.

Tín dụng ngoài hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ, bằng tiền mặt, đô la hay vàng, với các khác biệt so với tín dụng trong hệ thống ngân hàng là lãi suất cao hơn và quy trình cho vay cực kỳ đơn giản.

Một ước lượng không chính thức của một công ty vàng bạc đá quý tại TP/ Hồ Chí Minh cho rằng lượng vàng dự trữ trong dân dưới nhiều hình thức có trị giá tương đương 20 tỷ USD.

Không thể biết được chính xác lượng tiền mặt USD lưu hành trong nền kinh tế là bao nhiêu, nhưng theo ước lượng của một tổ chức tài chính quốc tế, con số này không dưới 10 tỷ USD. Lượng tiền mặt VND trong dân, con số mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nắm rõ, chắc chắn cũng không thể kém cạnh những người bạn đồng hành lâu năm của nó là vàng và USD.

Chính nguồn dự trữ thanh toán này, mà tổng trị giá có thể tương đương 40% GDP, đã có thể giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì được hoạt động hằng ngày của nó, làm giảm bớt ảnh hưởng hạn hán tiền tệ gây ra bởi sự suy sụp của hệ thống tài chính ngân hàng trên toàn thế giới.

Áp lực về hệ thống ngân hàng lành mạnh

Tuy nhiên, chúng ta không nên bị ru ngủ bởi liều thuốc giảm đau có tính chất ma túy này. Như đã từng bị chỉ trích, một nền kinh tế tiền mặt, bị đô la hóa và vàng hóa có những tác động tiêu cực lâu dài. Nó luôn luôn triệt tiêu các tác dụng tích cực của chính sách tiền tệ và tài chính quốc gia, làm giảm nguồn vốn khả dụng lãi suất thấp của toàn nền kinh tế và vì vậy, làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.

Một lần nữa, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy sự cần thiết phải xây dựng và phát triển một hệ thống ngân hàng Việt Nam lành mạnh, vững chắc  và yêu cầu bức thiết phục hồi địa vị của đồng bạc Việt Nam, cũng là phục hồi chủ quyền tiền tệ quốc gia.

Chúng ta sẽ thấy rằng, trong thời kỳ hậu khủng hoảng, một số nước sẽ phục hồi nhanh chóng nếu có cấu trúc tài chính ngân hàng vững mạnh và các cân đối vĩ mô bền vững. Chúng ta phải nỗ lực thực hiện điều đó trong lúc này để có thể phát triển mạnh trong thời gian tới, khi cơn bão đã tan rồi.

 

( Theo Vietnamnet//chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn)

  • Không mơ hồ với khủng hoảng
  • Kích cầu toàn diện cho nông dân, nông nghiệp
  • Chống tổn thất 50.000 tỷ đồng/năm sau thu hoạch
  • Trình Chính phủ đề án kích cầu tiêu dùng
  • DN nội đang uốn mình theo "bão"
  • Kinh tế quý I: Khó khăn nhưng có dấu hiệu tích cực
  • Kinh tế biển sớm trở thành chủ lực, tạo sức bật thúc đẩy phát triển
  • Bức tranh kinh tế quý I/2009: Chưa thoát khỏi xu thế chung
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi