Barclays Capital là bộ phận ngân hàng đầu tư thuộc Barclays Bank PL, chuyên đưa ra những giải pháp toàn diện về tư vấn chiến lược, tài chính và quản lý rủi ro trên toàn cầu. Nhân dịp bà Prakriti Sofat, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, đến Việt Nam công tác, chúng tôi có cuộc trao đổi xoay quanh báo cáo mới nhất của bà về kinh tế Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất vải công nghiệp tại HTX Song Long. Ảnh: Huy Hùng |
- Việt Nam lo lắng về khả năng đạt được tăng trưởng 6,5% trong năm 2010 khi vẫn phải kiềm chế lạm phát. Trong nghiên cứu bà đánh giá năm nay, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là 7%, xin bà cho biết căn cứ để dự báo?
- Có 3 căn cứ mà chúng tôi đã sử dụng để đưa ra dự báo như vậy. Thứ nhất là nhu cầu trong nước đã tăng lên, thể hiện thông qua các nhu cầu rất cao ở một số lĩnh vực như xi măng, máy móc... Đồng thời, nó cũng liên quan đến thu nhập của người dân đang tăng cao. Tất cả đều gây ảnh hưởng tới một chỉ số linh động mà chúng tôi thường sử dụng để dự báo, chẳng hạn chỉ số bán lẻ. Chỉ số này trong năm nay cũng tăng khá là cao. Điểm thứ hai là sự phát triển của thị trường bất động sản khiến cho tài sản của người dân tăng lên đáng kể. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới các nhu cầu trong nước. Một điều nữa mà chúng ta cũng có thể nhìn thấy là trong lĩnh vực xây dựng, kể cả lĩnh vực xây dựng tư nhân cũng như lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng đều có những phát triển rất lớn. Thứ ba, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra những luồng thu nhập ngoại tệ rất tốt. Trong quý I-2010, tốc độ phát triển của Việt Nam đã là 5,8%. Và nếu nhìn vào lịch sử thì thấy rằng tốc độ phát triển của Việt Nam thường là tăng dần đều trong cả một năm, tức là càng về cuối năm thì càng tăng. Do vậy, chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để dự báo là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể là 7% trong năm nay.
- Bà dự báo mức tăng trưởng là 7% với một mức lạm phát cao là 10-11%, trong khi nhiều người cho rằng nên giữ một mức lạm phát thấp ở một con số với một mức tăng trưởng thấp hơn. Bà bình luận gì về vấn đề này?
- Tôi công nhận tỷ lệ lạm phát từ 10-11% là tương đối cao. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh Việt Nam thì tỷ lệ đó chỉ ở mức trung bình. Ngoài ra tỷ lệ lạm phát cao đa phần liên quan tới giá cả của các mặt hàng tiêu dùng như: thực phẩm, xăng dầu… - những thứ nằm ngoài sự kiểm soát. Khi tôi nói lạc quan về nền kinh tế Việt Nam là tôi nhìn về sự phát triển lâu dài, cũng như sự thay đổi về cấu trúc và động lực của nền kinh tế. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế còn rất trẻ. Khi một nền kinh tế còn trẻ thường phải trải qua các vấp ngã để có thể lớn lên.
- Bà lạc quan về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong năm nay. Điều này có phải do sự chuyển dịch của FDI từ các nước khác sang hay là do các nhà đầu tư nhìn vào sự phục hồi kinh tế Việt Nam?
- Thứ nhất, lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam phát triển tương đối là tốt. Việt Nam có một nguồn nhân lực với giá cả thấp và làm việc rất chăm chỉ. Điều này sẽ bổ trợ cho chính sách Trung Quốc + 1 của các nhà đầu tư. Thứ hai, dân số Việt Nam tương đối lớn, khoảng 80-90 triệu người. Tầng lớp trung lưu đang có xu hướng tăng lên, những người này có thu nhập để có thể chi tiêu. Tầng lớp này sẽ giúp làm tăng nhu cầu nội địa. Như vậy, sản xuất của Việt Nam không chỉ để xuất khẩu mà còn để đáp ứng nhu cầu nội địa. Thứ ba, tình hình chính trị của Việt Nam ổn định. Một điểm nữa mà chúng tôi cần nói đến là việc dễ dàng kinh doanh tại Việt Nam. Theo đánh giá tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2009, Việt Nam đứng thứ 93 trong 183 quốc gia, trên Trung Quốc 4 bậc và đứng trên cả một số quốc gia khác như Indonesia hay Philippines. Và việc cải cách về cơ cấu của nền kinh tế đã giúp cho việc kinh doanh ở Việt Nam dễ dàng hơn nhiều.
Lắp ráp máy tính tại Công ty TNHH Thế Trung. |
- Bà đánh giá gì về chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian vừa qua?
- Việc loại bỏ trần lãi suất cho vay và dần dần tiến đến việc thay trần lãi cho vay trong việc huy động vốn là chính sách ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước đã có sự cân đối tương đối tốt giữa một bên là duy trì phát triển và một bên là kiểm soát lạm phát. Và tôi cũng nghĩ rằng họ cũng đã cố gắng đạt được hai mục đích để có được mục tiêu cuối cùng là duy trì ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
- 4 tháng đầu năm 2010, thâm hụt cán cân thanh toán của Việt Nam là 4,5 tỷ USD nhưng bà lại cho là không đáng lo ngại vì được bù đắp bởi FDI và kiều hối. Tuy nhiên, đó không phải là một giải pháp cho dài hạn. Theo quan điểm của bà, nên giải quyết vấn đề này thế nào?
- Thâm hụt trong thương mại không phải là một điều xấu bởi Việt Nam không thể tránh được giai đoạn phát triển này. Việt Nam cần phải nhập rất nhiều thiết bị đầu tư ban đầu cũng như các thiết bị vật tư để sản xuất. Do vậy, thâm hụt thương mại sẽ còn tiếp tục duy trì trong một thời gian nữa. Mặt khác, nhập khẩu các thiết bị, nguyên liệu là để sản xuất ra hàng hóa. Tôi cho rằng thu hút vốn FDI là một giải pháp tốt
- Đang có sức ép với việc Trung Quốc đánh giá lại đồng nhân dân tệ. Nếu điều đó diễn ra thì sẽ ảnh hưởng thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam?
- Tôi nghĩ rằng Trung Quốc cũng là một nước xuất khẩu, việc mà họ đánh giá lại đồng nhân dân tệ có thể là có ảnh hưởng tốt đến việc xuất khẩu của Việt Nam khi mà Việt Nam tiếp tục giảm giá đồng tiền Việt của mình.
- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com