Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhiều địa phương điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm

Những ngày qua, nhiều địa phương đã họp HĐND đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và thảo luận thông qua nghị quyết về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Nhiều tỉnh, thành phố đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

*Hà Nội: HĐND Thành phố đề ra mục tiêu phấn đấu trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng GDP tăng từ 7,5- 8% so với cùng kỳ, cả năm dự kiến đạt 5,5- 6%. Trong đó, dịch vụ tăng từ 8,5- 9% so với cùng kỳ, cả năm dự kiến đạt 6,5- 7%; công nghiệp - xây dựng tăng 6- 7%, cả năm dự kiến đạt 5- 6%; nông nghiệp phấn đấu tăng 6- 7%; kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm phấn đấu tăng 10% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm bằng mức của năm 2008...Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, HĐND Thành phố đã đưa ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm 2009.

*TP Hồ Chí Minh: Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng 1,5 lần so với cả nước, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương và Chính phủ, các Nghị quyết Thành uỷ và HĐND thành phố. Tập trung chỉ đạo và chủ động triển khai các giải pháp đã đề ra.

Thành phố xác định 5 nhóm giải pháp cần tập trung chỉ đạo đồng bộ, đôn đốc sát sao và thực hiện quyết liệt trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, huy động tối đa nguồn lực tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực có nhiều khả năng tăng trưởng, nhất là lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp và nông thôn, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc kinh tế thành phố nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách thành phố năm 2009, phấn đấu góp phần cùng cả nước ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, tạo tiền đề hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII. Đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng khi nền kinh tế thế giới hồi phục, ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững.

*Quảng Ngãi:
Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khoá X vừa tổ chức kỳ họp thứ 20 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, thảo luận thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009.

Kỳ họp lần này đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tập trung thảo luận, đi sâu phân tích những mặt làm được, những mặt còn yếu kém trong việc thực hiện Nghị quyết HĐND về các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội chủ yếu năm 2009. Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm 2009 với 12 nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh năm nay lên 21- 22%.

*Cao Bằng: HĐND tỉnh Cao Bằng vừa họp thống nhất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 13,5% xuống còn trên 10%, trong đó tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng được điều chỉnh từ 14,4% xuống còn trên 9%, ngành du lịch tăng trên 15% thay cho mức 17,8% kế hoạch từ đầu năm 2009.

*Yên Bái: HĐND tỉnh vừa họp thống nhất giữ nguyên mục tiêu phấn đấu để tốc độ phát triển kinh tế trong năm nay đạt từ 12,5% trở lên. Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2009, đồng thời từng bước xây dựng Yên Bái từng bước phát triển sớm thoát ra khỏi tỉnh nghèo và trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, HĐND tỉnh Yên Bái đã thông qua 11 Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2009; về điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020; Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu bò cho các hộ nghèo giai đoạn 2009-2010; phê duyệt chính sách giải quyết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư tại các cơ sở giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009 - 2011... Trong 6 tháng đầu năm 2009, kinh tế Yên Bái tiếp tục phát triển và đạt được tốc độ tăng trưởng 11,34%, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển theo hướng tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Đời sống nhân dân từng bước đựợc cải thiện cả vật chất và tinh thần, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh... Như vậy, 6 tháng cuối năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn tỉnh phải đạt 14 - 14,5% thì Yên Bái mới hoàn thành mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm là 12,5% trở lên.

*Bắc Ninh
: Trong hai ngày 20 và 21/7, HĐND tỉnh Bắc Ninh họp và thông qua 3 giải pháp chính trên các lĩnh vực kinh tế, nội chính, an sinh xã hội trong 6 tháng cuối năm 2009 để đảm bảo thực hiện 9 chỉ tiêu trong năm 2009 (sửa đổi): tổng sản phẩm GDP tăng trên 12% (giảm 4% so với kế hoạch), giá trị sản xuất công nghiệp hơn 17.500 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông – lâm - thủy sản 2.350 tỷ đồng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 10.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 700 triệu USD trở lên, nhập khẩu trên 670 triệu USD ...

*Thái Nguyên: Từ ngày 20 đến 22/7, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã họp thống nhất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong các tháng cuối năm: các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường sự phối hợp của đội ngũ cán bộ công chức; làm tốt quy hoạch vùng, công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư và đô thị, quản lý bảo vệ rừng, quản lý chặt các lĩnh vực văn hóa - xã hội; chống tham nhũng – lãng phí, chống tội phạm ma túy và chống quan liêu. HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng nhất trí điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2009 như: giảm tốc độ tăng trưởng GDP từ 11% xuống 9%, giảm thu nhập bình quân đầu người từ 14 triệu đồng còn 13,1 triệu đồng, hạ chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp 9.950 tỷ đồng xuống 9.700 tỷ đồng...

*Hải Phòng
: Từ ngày 20 đến 22/7, HĐND thành phố Hải Phòng đã họp và nhất trí phương án điều chỉnh giảm 5 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu năm 2009 cho phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP giảm 5% so với đầu năm.

Để đạt các mục tiêu trên, thành phố chỉ đạo tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, chủ động khắc phục khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả, thời tiết diễn biến khó lường, từng bước ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Hải Phòng thực hiện chủ đề của năm 2009 là " Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, bảo đảm an sinh xã hội", góp phần tích cực ổn định an ninh, trật tự, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố cả năm.

*Lạng Sơn:
Mặc dù mức tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp Lạng Sơn trong những tháng đầu năm chỉ tăng 3,6% (mục tiêu cả năm là 4 - 4,5%) nhưng từ nay đến cuối năm vẫn có thể đạt kế hoạch, vì vậy HĐND không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2009 của ngành kinh tế này.

Ngành nông lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn chiếm khoảng 40% trong tỷ trọng cơ cấu ngành nghề, nhưng chỉ đóng góp 1,44% vào GDP toàn tỉnh do một số chỉ tiêu cơ bản giảm. Trong những tháng cuối năm, tỉnh Lạng Sơn tập trung nâng cao sản lượng cây lương thực, phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng để giá trị tăng thêm của ngành nông lâm nghiệp đạt mức tăng 4,3%, đóng góp vào tăng trưởng chung của GDP khoảng 1,62%, đảm bảo đúng định hướng phát triển kinh tế của địa phương.

* Bến Tre
: Trong hai ngày 21 và 22/7, HĐND tỉnh Bến Tre (khoá VII) đã tiến hành kỳ họp thứ 17 đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) 6 tháng cuối năm 2009. Do nhiều chỉ tiêu phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm đạt thấp nên các đại biểu đã tập trung thảo luận và nhất trí ưu tiên hàng đầu là tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài các chính sách kích thích sản xuất và tiêu dùng của Chính phủ đã triển khai, Bến Tre cần đẩy mạnh hơn nữa sản xuất nông nghiệp, cụ thể là cây lúa, hoa kiểng, phát triển nghề nuôi và chế biến thuỷ sản (tôm, cá tra...) mà tỉnh có thế mạnh và hiện có thị trường xuất khẩu. Trong khi thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp do khủng hoảng kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong tỉnh cần tập trung phát triển và mở rộng thị trường truyền thống, tích cực tìm kiếm, khai thác thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết, hợp tác trong phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

* Tuyên Quang:
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, Tuyên Quang đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế; công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng; nông lâm nghiệp tiếp tục phát triển vững chắc. Chất lượng giáo dục đào tạo tiếp tục được nâng lên; các chính sách về an sinh xã hội được đặc biệt chú trọng và thực hiện có hiệu quả, nhất là công tác chăm lo cho người nghèo; an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội được giữ vững.

Trong 6 tháng cuối năm, Tuyên Quang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí; tổ chức tốt việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tỉnh tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa, nhà máy xi măng Tân Quang, nhà máy thuỷ điện Chiêm Hoá... Tỉnh thực hiện các biện pháp về kích cầu đầu tư và tiêu dùng theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân; thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp gắn với thực hiện dự án giao rừng, cho thuê rừng. Tỉnh tiếp tục triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.

* Hoà Bình: chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2009: phấn đấu giá trị xuất nhập khẩu đạt 36 triệu USD, giá trị nhập khẩu 29 triệu USD, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%.

Để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, HĐND tỉnh quyết định miễn thu phí xây dựng, phí cung cấp thông tin giao dịch bảo đảm, lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm từ ngày 1/9 đến 31/12/2009. Đồng thời quy định một số chế độ, chính sách đối với công tác thể dục, thể thao, hỗ trợ cán bộ đi học, hỗ trợ thù lao cộng tác viên dân số và mức thu lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 khoảng 10,5%, trong 6 tháng cuối năm, Hoà Bình tập trung thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển. Tỉnh điều hành linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ để bình ổn thị trường, ngăn ngừa tái lạm phát; tổ chức tốt việc đào tạo lại cho lao động bị mất việc làm; năng cao năng lực chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để thực hiện các giải pháp trên./.

(Tin tham khảo // vinanet)

  • Từ báo cáo kinh tế sáu tháng đầu năm: Tiêu dùng của dân chúng sẽ tiếp tục giảm
  • 2013: VN dẫn đầu thế giới về tăng trưởng giải trí, truyền thông
  • Phục hồi phát triển kinh tế: Bài toán hậu khủng hoảng
  • Vì sao ngành điện “đói” vốn ?
  • Văn bản hành chính rườm rà 'ngáng' sự phát triển kinh tế
  • Chỉ số giá: Cách tính mới sẽ "chính xác hơn"
  • Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam
  • Kinh tế Việt Nam có thể hạn chế sự phụ thuộc vào dầu thô?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi