Khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế khiến không ít DN khốn đốn, phá sản. Nhưng ngược lại, nó lại là cơ hội của nhiều DN khác nếu giỏi xoay chuyển tình hình. Bất kỳ cơn bão nào rồi cũng tan, sự chuẩn bị cho quá trình hồi phục kinh tế đang được đặt ra nghiêm túc.
Để đưa ra các nhận định, dự báo tình hình và các giải pháp cho DN trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Viện Kinh tế VN đã phối hợp tổ chức tọa đàm "Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho DN VN năm 2009 - 2010" vào ngày 23/6/2009. Tại đây, nhiều chuyên gia kinh tế, các học giả, các hiệp hội và DN sẽ trình bày các quan điểm giải bài toán hậu khủng hoảng tài chính.
Nhìn lại sau “bão”
Khủng hoảng tài chính có thể xem như một cơn “bão” tràn qua VN. Những điểm yếu, những khu vực dễ bị tổn thương như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đã ngay lập tức chịu trận. Còn rất nhiều DN cũng bị “hở sườn”.
Theo điều tra (tại 95 DN tư nhân lớn sau 10 năm phát triển) của Viện Phát triển DN thuộc VCCI, các DN này đều thể hiện sự thiếu tầm nhìn chiến lược. Các DN phụ thuộc chủ yếu vào một số đại lý thương mại ở khu vực Đông Á và hầu như chưa có sự chuyển động lên mắt xích cao hơn trong “chuỗi giá trị”. Bên cạnh đó, các DN cũng ít đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới hoặc các lựa chọu chiến lược thật sự khác biệt.
Còn theo điều tra kết quả năm 20006 – 2008 tại 603 DN khu vực Hà Nội, TP HCM và các tỉnh lân cận cho thấy, mức tăng doanh số và lao động giảm rõ rệt trong năm 2008. Các tác động khủng hoảng tài chính gây nên tăng trưởng âm tại một bộ phận khá lớn các DN. Khối DN hướng về xuất khẩu rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn cả.
Chuẩn bị đón “trời quang”
Một cái nhìn toàn cục cho thấy, hệ thống tài chính thế giới bắt đầu được cải tổ. Các quy chế và giám sát tài chính được tăng cường, Diễn đàn ổn định tài chính quốc tế (FSF) được tái cấu trúc thành Hội đồng ổn định tài chính (FSB)... TS Đặng Xuân Thanh - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, từ nửa cuối quý I/2009, các dấu hiệu cải thiện tình hình sau nhiều tháng suy thoái đã liên tục xuất hiện và lan trên diện rộng của nền kinh tế toàn cầu. Các thị trường dầu lửa, khí đốt, lương thực, nguyên liệu, vàng đã tương đối bình ổn trở lại, xác lập mặt bằng giá mới. Các thị trường tài chính chủ chốt bớt chao đảo và có dấu hiệu khởi sắc từ tháng 3.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu, một mặt đã gây áp lực tái cấu trúc kinh tế, mặt khác đã và đang tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng đáp ứng lợi ích cộng đồng và xã hội - theo TS Lê Duy Hiếu.
Xét về tổng thể, khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của VN trong 1 – 2 năm, nhưng đổi lại, nó đã làm cho cơ chế đầu cơ và lũng đoạn co lại. Do vậy, môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Phân bổ đầu tư hiệu quả hơn cũng hình thành tầng lớp các nhà DN mới gắn bó nhiều hơn với lợi ích cộng đồng xã hội.
Sau thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu nhiều cơ hội mới lại mở ra như đầu tư cho nông nghiệp. Một lĩnh vực nếu được đầu tư công nghệ mới sẽ cho những giá trị gia tăng cao và ổn định. Hay đầu tư vào mua bán DN, rồi đến đầu tư vào giáo dục...
Nhìn chung, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây nên những biến động kinh tế lớn ở VN. Sự biến động này đã tạo nên sự phân cực rõ nét. Một mặt tạo ra các nguy cơ và thách thức, mặt khác tạo ra những cơ hội mới cho các nhà DN cơ cấu lại đầu tư theo hướng hiệu quả và tăng nhanh lợi nhuận. Cơ hội này thể hiện ở việc tạo ra các tình thế cấu trúc lại cơ cấu hợp lý, sự xuất hiện các lĩnh vực mới có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh trở nên bình đẳng hơn.
(Theo Bá Tú // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com