Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhiều triển vọng cho tăng trưởng

Chưa thể kỳ vọng mức biến chuyển mạnh mẽ, song nhiều yếu tố cho thấy, kinh tế năm nay vẫn có nhiều triển vọng cho tăng trưởng.

 

 


Xây dựng sẽ là một trong những lĩnh vực kéo tăng trưởng GDP của cả nước Ảnh: Đức Thanh

 Kinh tế 6 tháng đầu năm chuyển biến khá tích cực là điều đã được nhìn thấy rõ. Vì thế, điều mà dư luận kỳ vọng chính là trong 6 tháng còn lại của năm, các dấu hiệu của sự hồi phục trở nên rõ nét hơn, để trong năm 2010, nền kinh tế có thể tiếp tục trụ vững và đi lên. 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2009 cho thấy, còn khá nhiều triển vọng cho tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Theo đó, nếu các ngành, các cấp có sự nỗ lực cao, các chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước được thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng đã đề ra, thì dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm có thể cao hơn 6 tháng đầu năm 2009, đạt khoảng 5,9 - 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc họp báo công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay, ông Đỗ Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 5% cho cả năm 2009, GDP 6 tháng cuối năm phải có mức tăng trưởng khoảng 5,9%. Như vậy, với dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm cao nhất có thể lên tới 6,8%, thì GDP của cả năm kỳ vọng đạt tới 5,5%, chứ không chỉ là 5% như mục tiêu Quốc hội điều chỉnh. Cũng theo ông Đỗ Thức, xây dựng sẽ là một trong những lĩnh vực kéo tăng trưởng GDP của cả nước lên. “Phải chú ý tập trung cho xây dựng. 

Lĩnh vực này sẽ tăng cao trong hai quý còn lại của năm”, ông Đỗ Thức nói.
Trên thực tế, ngay trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực xây dựng đã có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nhờ tận dụng được cơ hội giá vật liệu xuống thấp và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, lĩnh vực xây dựng đã vượt dốc mạnh mẽ, từ mức tăng trưởng -0,4% về giá trị gia tăng trong năm 2008 đã tăng lên 8,74% trong 6 tháng đầu năm (quý I tăng 6,92%, quý II tăng 9,83%). 

Chính sự phục hồi của ngành xây dựng và thị trường bất động sản đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và tăng trưởng của nền kinh tế. Dựa trên “bước đà” này, cộng thêm việc trong 6 tháng cuối năm, tình hình thị trường bất động sản bất đầu có dấu hiệu “tan băng”, cùng với việc bổ sung thêm nhiều nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư từ giải pháp kích cầu của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong hai quý III và IV, ngành xây dựng sẽ tăng khoảng 11,5 - 13% và cả năm tăng 10,5 - 11,5%. Với dự báo cả năm 2009, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt khoảng 3,5-4%, thì tính chung lại, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và xây dựng năm 2009 tăng khoảng 5 - 5,5%.

Trong khi đó, với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong 6 tháng cuối năm sẽ đạt mức tăng trưởng 2,7 - 3,2%, còn khu vực dịch vụ, sẽ tiếp tục tăng cao, đạt khoảng 6,8 - 7,7%. Tính chung lại, trong cả năm 2009, tốc độ tăng trưởng của hai lĩnh vực này lần lượt là 2 - 2,3% và 6,2 - 6,7%. Đây chính là những yếu tố khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay có thể đạt mức 5 - 5,5%.

Khá đồng thuận với nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế - xã hội Hà Nội vẫn cho rằng, do phía trước còn không ít khó khăn, nên thời gian còn lại phải tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Chẳng hạn, phải tiếp tục kích cầu có trọng tâm, trọng điểm, kích cầu vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ; tập trung xúc tiến thương mại và đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư và tái cấu trúc nền kinh tế. 

“Công tác thông tin tuyên truyền cũng rất quan trọng. Phải làm sao để doanh nghiệp có được thông tin đầy đủ và kịp thời về các chính sách điều hành của Nhà nước, thông tin về thị trường... để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Thời gian tới cũng nên tăng cường các giải pháp tài chính, hơn là tập trung nhiều vào chính sách tiền tệ như thời gian qua”, ông Phong đề xuất.

Liên quan đến các biện pháp để thực hiện được mục tiêu tổng quát của năm 2009, đó là tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại..., trong đó, mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 5 nhóm giải pháp. 

Đó là thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5%; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển... Đặc biệt, biện pháp điều hành linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ, có các giải pháp kịp thời nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát được đặc biệt coi trọng.

 

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư )

  • Bão ngầm trên thị trường viễn thông
  • Doanh nghiệp Việt Nam phải học cách thích nghi nhanh
  • Năm 2009 lạm phát không thể vượt 10%.
  • Thêm 70 mặt hàng vào cách tính CPI
  • “Không có chuyện cắt giảm gói kích cầu”
  • TP.HCM : Công trình chậm tiến độ, hàng ngàn tỷ đồng “bốc hơi”
  • Những hệ lụy ở khu vực nông thôn
  • "CPI năm 2009 chỉ tăng từ 7 - 8%"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi