Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2008

Trong hơn hai thập niên kể từ khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN thì năm 2008 là một năm khá đặc biệt, hơn một nửa đầu năm cả nước phải đối phó với tình trạng lạm phát cao, gần một nửa cuối năm lại phải gánh chịu hậu quả suy thoái kinh tế thế giới gây ra tình trạng thiểu phát. Sự biến động của kinh tế Việt Nam năm 2008 có thể cho chúng ta những bài học bổ ích về quản lý điều hành nền kinh tế.


Tình trạng lạm phát cao là điểm nổi bật của năm 2008. Tình trạng đó được bắt đầu từ những tháng cuối năm 2007 đã gia tăng nhanh chóng trong những tháng đầu năm 2008. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 là 2,38%, tháng 2 là 3,56%, tháng 3 là 2,99%, tháng 4 là 2,20%, tháng 5 là 3,91%, tháng 6 là 2,14%.

Từ tháng 7 mức tăng CPI đã giảm, CPI tháng 7 là 1,13%, tháng 8 là 1,56% (trong đó do tăng giá xăng dầu hơn 30% và cước vận tải khoảng 20%). CPI tháng 9 chỉ tăng 0,18% mức thấp nhất từ đầu năm, CPI tháng 11 giảm 0,76%. Tính chung CPI 11 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 23,25% và so với tháng 12/2007 tăng 20,71%. Đây là chỉ số giá tiêu dùng cao nhất kể từ 1991 đến nay. Nếu như CPI của thời kỳ 2001 - 2005 là 1,5%/năm, thì từ năm 2006 - năm đầu của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 đến nay CPI cao hơn nhiều, CPI năm 2006 là 6,6%, năm 2007 là 12,63% và năm nay dự báo trên 20%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút là hậu quả của việc tập trung những giải pháp kiềm chế lạm phát. Trong điều kiện CPI cao, Chính phủ đã đề ra và chỉ đạo có kết quả việc thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, đặc biệt là các giải pháp tiền tệ như thắt chặt tín dụng, tăng lãi suất cơ bản lên 14%, theo đó các ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi lên 16 - 18%/năm và lãi suất tiền vay vượt quá 20%/năm đã gây tác động tiêu cực đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá so sánh năm 1994) năm 2003 là 7,34%, năm 2004 là 7,79%, năm 2005 là 8,44%, năm 2006 là 8,17%, năm 2007 là 8,48%, năm 2008 khoảng 6,5%, thấp hơn mức bình quân của 3 năm gần đây 1,5 - 2 điểm phần trăm. Tốc độ tăng trưởng năm 2008 của nông - lâm - thủy sản là 3,5 - 3,9% cao hơn 3,4% của năm 2007; công nghiệp và dịch vụ giảm sút, các con số tương ứng là 10,60% và 7,3 - 7,5%; 8,68% và 7,2 - 7,8%. (các số liệu năm 2007 lấy từ Niên giám thống kê, năm 2008 lấy từ Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội, tháng 10/2008).

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2008, đồng thời nhập siêu khá lớn lại là tình trạng đáng lo ngại. Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2008 đạt 65 tỷ USD, tăng 33,9% so với năm 2007, một phần do giá cả một số mặt hàng như dầu thô, lương thực tăng cao, đồng thời lượng hàng hóa xuất khẩu một số mặt hàng như gạo, cà phê, đồ gỗ, thủy sản, dày gia, hàng may mặc cũng nhiều hơn năm trước.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2008 là kết quả rõ rệt của việc Việt Nam gia nhập WTO từ đầu năm 2007 tạo điều kiện mở rộng thị trường hàng hóa và dịch vụ, đồng thời cũng chứng minh năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt nhờ những nổ lực của các doanh nghiệp trong việc tiếp thị, cải tiến chất lượng và kiểu dáng do vậy mà có chỗ đứng trên những thị trường có sức cạnh tranh cao như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Nhập siêu ở một nước đang công nghiệp hóa là hiện tượng bình thường, nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ mới cho các ngành kinh tế. Tuy vậy, vấn đề của năm 2008 lại không bình thường, mức nhập siêu của những tháng đầu năm tăng đột biến, tỷ lệ nhập siêu của quý I là 62,4% kim ngạch xuất khẩu. Nhờ những giải pháp khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu của Chính phủ, đồng thời do tình trạng suy giảm kinh tế trong nước nên của quý II chỉ còn 34%, của cả ba quý là 32,5%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm dự báo là 84 tỷ USD, nhập siêu 19 tỷ USD, bằng 29,2% kim ngạch xuất khẩu. Đáng lưu ý là, trong năm nay, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ hơn 10 tỷ USD, thì nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 10 - 13 tỷ USD. Có hai câu chuyện điển hình về xuất nhập khẩu năm 2008 cần được trao đổi để từ đó rút ra những bài học cho việc điều hành kinh tế vĩ mô: xuất khẩu gạo và nhập khẩu xăng dầu.

Về xuất khẩu gạo, mặc dù tại kỳ họp 4, Quốc hội XII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhận khuyết điểm và sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật, nhưng đây là trường hợp điển hình khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của các bộ, cơ chế và tổ chức tư vấn cho Chính phủ, khả năng thu thập thông tin và dự báo tình hình thị trường thế giới. Vào tháng 4 và tháng 5, trước khi đưa ra quyết định tạm ngừng giao dịch thêm về xuất khẩu gạo, nếu Chính phủ tham vấn các chuyên gia nông nghiệp và kinh tế thì có thể đã có giải pháp thích hợp hơn.

Về quan hệ giữa giá nhập khẩu với giá bán xăng dầu trong nước cũng đáng được các cơ quan nhà nước rút ra bài học cần thiết. Năm nay đã diễn ra cả hai trạng thái đều gây bất lợi về tâm lý đối với người tiêu dùng. Khi giá xăng dầu thế giới tăng lên rất nhanh trong quý III, vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng, để góp phần kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã chủ trương bình ổn giá xăng dầu trong nước, cho đến khi giá lên đến 147 USD/thùng vào tháng 7, vượt quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước thì buộc phải điều chỉnh từ 14.000 lên 19.000 đồng/lít, gây ra phản ứng tiêu cực trong dư luận xã hội.

Liền sau đó giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, xuống dưới 100 USD/ thùng thì giá bán trong nước giảm nhỏ giọt, khi 1.000 đồng, khi 500 đồng/lít, hiện tại giá xăng dầu thế giới giao động ở mức trên dưới 50 USD/thùng, tương ứng với 8.000 đồng/lít, nhưng người tiêu dùng vẩn phải mua 11.000 đồng/lít; lại một lần nữa gây phản cảm đối với dư luận.

Bài học về cơ chế thị trường là cần phải nhất quán, minh bạch; một khi đã gắn giá cả các hàng hóa trong nước với thế giới thì xin đừng viện bất kỳ một lý do ngụy biện nào để giải thích về tình trạng điều hành giá xăng dầu như vừa qua, mà phải từ đó rút ra kết luận cần thiết: điều hành kinh tế vĩ mô theo nguyên tắc thị trường, giá cả lên xuống linh hoạt, kịp thời, nhà nước chỉ can thiệp khi cần thiết để bảo đảm ổn định thị trường.

Trong khi đầu tư trong nước cả ba nguồn: ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và dân cư gặp khó khăn gắn với tình trạng lạm phát cao và lãi suất tiền vay trên 20%/năm, thì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng của năm 2008. Làn sóng FDI thứ hai bắt đầu từ năm 2005 sau thời gian suy thoái kéo dài từ 1999 đến 2004, đã tiếp diễn trong năm 2008. Dự báo năm nay vốn FDI thực hiện đạt 10 - 11 tỷ USD, tăng 2 - 3 tỷ USD, 25 - 35% so với năm trước.

Đó là dấu hiệu đáng mừng vì trong điều kiện tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sụt giảm, lạm phát cao nhưng nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn coi Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, họ nhìn vào trung hạn và dài hạn để quyết định thực hiện nhiều dự án lớn hàng tỷ USD ở nước ta. Những năm gần đây vốn FDI thực hiện tăng lên nhanh chóng, năm 2005 là 3,3 tỷ USD, năm 2006 là 4,1 tỷ USD, năm 2007 là 8,03 tỷ USD. Trong vốn FDI thực hiện thì khoảng 80% là vốn nước ngoài và 20% là vốn trong nước. Vốn FDI đăng ký năm nay trên 60 tỷ USD bằng ba lần năm 2007 - 21,3 tỷ USD, con số đó nói lên xu hướng phát triển và tiềm năng có thể khai thác trong các năm sau.

Vấn đề nổi lên trong hoạt động thu hút FDI là lợi ích dân tộc cần được bảo đảm trong điều kiện Chính phủ đã phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền tỉnh, thành phố và ban quản lý khu công nghiêp, khu kinh tế cấp phép đầu tư. Vài năm gần đây người ta đã nói đến tình trạng có quá nhiều dự án sân golf, sắt thép, xi măng, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp; những lo lắng đó là có cơ sở gắn với việc nước ta sẽ công nghiệp hóa theo hướng nào trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, để tận dụng là nước đi sau và có những lợi thế về tiềm năng con người, vị thế địa - chính trị trong khu vực, trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng nhưng không phải là nước giàu tài nguyên.

Khi đã giao quyền quản lý nhà nước nhiều hơn cho Chính quyền địa phương - một xu thế tất yếu thì Chính phủ và các bộ cần hết sức coi trọng quy hoạch phát triển ngành, vùng kinh tế theo nguyên tắc thị trường, được bổ sung và cập nhật hàng năm, với các chỉ dẫn bằng các văn bản pháp quy đủ sức điều chỉnh hành vi của các cấp chính quyền trong khi thực hiện quản lý nhà nước ở từng địa phương, buộc họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch chung để bảo đảm hiệu quả kinh tế quốc dân và lợi ích dân tộc trong quá trình phát triển đất nước.

Thu nhập thực tế của nhiều nhóm dân cư giảm mạnh gắn với các hiện tượng tiêu cực xã hội gia tăng là vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Nếu cộng dồn chỉ số giá cả của ba năm 2006 - 2008 thì CPI là 38,2%, nhưng nếu lấy giá tháng 12/2005 làm gốc thì CPI của tháng 12/2008 trên 60%, trong đó nhiều mặt hàng tăng giá gấp đôi, nhất là những mặt hàng thiết yếu về lương thực và thực phẩm chiếm khoảng 70% chi tiêu hàng tháng của nhóm dân cư có mức thu nhập trung bình và thấp, trong điều kiện thu nhập bằng tiền từ tiền lương, tiền thưởng, các khoản thu khác cùng thời kỳ chỉ tăng lên khoảng 20 - 30%, đã làm cho mức sống thực tế của hàng chục triệu người giảm sút khoảng 30%.

Chưa thấy cơ quan nhà nước nào, nhất là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra những đánh giá về mức giảm thu nhập thực tế và mức sống của các nhóm dân cư, trong khi đây là vấn đề hệ trọng nhất trong quản lý kinh tế vĩ mô của đất nước. Người dân có quyền đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có hệ thống các giải pháp bằng những khoản trợ cấp thực tế đủ bù đắp mức độ giảm sút mức sống hàng ngày của họ, chứ không chỉ là những tuyên bố chung chung về bảo đảm an sinh xã hội.

Cũng cần đánh giá khách quan và đúng mức phản kháng xã hội đối với tình trạng giảm sút mức sống để có giải pháp phù hợp với đòi hỏi chính đáng của người lao động, phân biệt rách ròi giữa quyền chính đáng của họ với việc lợi dụng, kích động của những phần tử xấu. Tình trạng sa thải người lao động, thậm chí phá sản của doanh nghiệp làm cho thất nghiệp gia tăng, các cuộc đình công, bãi công trở nên phổ biến, mâu thuẫn giữa chủ với thợ trong không ít doanh nghiệp trở nên gay gắt hơn trước, tiêu cực xã hội như tham nhũng, trộm cướp, mại dâm có xu hướng phát triển.

Năm 2008 là năm sự điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã đưa lại những kết quả rõ rệt. Nhờ đề ra và tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp và kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi tình hình đã thay đổi nên nước ta đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát, giảm rõ rệt mức nhập siêu của những tháng cuối năm.
Từ khi nhận thức được tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đối với nước ta, Chính phủ đã kịp thời đề ra gói giải pháp mới để bảo đảm ổn định tình hình kinh tế, giữ mức tăng trưởng hợp lý, đồng thời chuẩn bị đối phó với tình trạng có thể tồi tệ hơn do kinh tế thế giới suy thoái trong năm 2009.

(Theo báo Đầu tư)

  • Kinh tế Việt Nam: Thách thức vẫn đang ở phía trước
  • Đến năm 2020, ngành kinh tế biển sẽ đóng góp hơn 50% GDP
  • Nông nghiệp năm 2009: Khó khăn lớn nhất là thị trường
  • Công nghiệp năm 2009 có thể còn đi xuống
  • Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
  • Một số sản phẩm công nghiệp tồn đọng sẽ được hỗ trợ
  • 2008: Xuất khẩu tăng trưởng cao hơn nhập khẩu
  • CPI bình quân 2008 tăng 22,97% so với năm 2007
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi