Và mặc dù, theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn III, cả hai phía đều đã rất nỗ lực trong phát triển công nghiệp phụ trợ, một tổ công tác bao gồm tất cả các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và phía Nhật Bản đã được thành lập, một kế hoạch hành động để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cũng đã được đề xuất..., tuy nhiên, mọi việc chưa tiến triển như mong muốn. Có lẽ, cũng chính vì vậy, mà sau khi giai đoạn III Sáng kiến chung Việt - Nhật kết thúc, phát triển công nghiệp phụ trợ là một trong những hạng mục đang được triển khai, nhưng chậm tiến độ.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki, phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục được thảo luận và thực hiện trong giai đoạn IV của Sáng kiến chung Việt - Nhật. "Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, cần tiếp tục được triển khai trong giai đoạn IV của Sáng kiến để góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam", Đại sứ Yasuaki nói.
Không chỉ công nghiệp phụ trợ, một số vấn đề liên quan tới thuế, sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị - những vấn đề được đánh giá là còn chậm được triển khai trong giai đoạn III Sáng kiến chung Việt - Nhật sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Đây cũng chính là một trong những quyết nghị quan trọng được đưa ra sau cuộc họp cấp cao Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Tổng kết 2 năm thực hiện giai đoạn III Sáng kiến chung Việt - Nhật, cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Đại sứ Tanizaki Yasuaki và đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt Kato Susumu đều có chung quan điểm rằng, giai đoạn III của Sáng kiến đã được thực hiện thành công.
Kế hoạch hành động của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản Giai đoạn III gồm 7 vấn đề với 37 hạng mục và 62 tiểu mục, liên quan đến một số vấn đề có tính trước mắt, cũng như dài hạn, đó là thực thi chính sách, luật pháp về đầu tư, thuế, lao động, tiền lương, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng... "Kết thúc giai đoạn III, 50 hạng mục đã được triển khai tốt và đúng tiến độ; 10 hạng mục đang triển khai, nhưng chậm tiến độ và 2 hạng mục không đánh giá. Kết quả tích cực này đã góp phần rất lớn vào đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là đầu tư của Nhật Bản", Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã thông tin như vậy và cho biết, mặc dù một số hạng mục bị đánh giá là chậm tiến độ, song nội dung cụ thể của từng hạng mục được hai bên đánh giá là tích cực.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm tiến độ, theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, một phần là do có một số vấn đề đã được quy định tại các luật, nghị định, nên việc sửa đổi, bổ sung cần phải có thời gian, phù hợp với các kế hoạch sửa đổi luật và nghị định...
Có những đánh giá tương tự, ông Kato Susumu cho rằng, đã có khoảng 81% hạng mục đề ra trong giai đoạn III hoàn thành tốt và đúng hạn. Tuy so với tỷ lệ tương ứng của giai đoạn I và II hơi thấp một chút, nhưng đây là một kết quả có thể hài lòng. "Nhiều vấn đề thực hiện trong giai đoạn III có nội dung tương đối khó, cả hai bên đã rất nỗ lực thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện trong giai đoạn IV của Sáng kiến", ông Kato Susumu nói và một lần nữa khẳng định ý nghĩa của Sáng kiến chung Việt - Nhật trong góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.
Hơn thế, theo ông Susumu, quan trọng hơn, cùng với việc thực hiện Sáng kiến, cả hai bên đã hình thành mối quan hệ đối tác chiến lược, cũng như mối quan hệ đối tác mật thiết giữa Chính phủ và doanh nghiệp. "Cơ chế hợp tác Chính phủ và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, thông qua đó, cả hai bên sẽ cùng nỗ lực hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Thời gian tới, cơ chế hợp tác này sẽ tiếp tục được thúc đẩy", ông Susumu nhấn mạnh và cho rằng, điều quan trọng là, cả hai bên Việt Nam và Nhật Bản đều đã, đang và sẽ tiếp tục hành động vì sự hoàn thiện của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Và rằng, sự nỗ lực của các cơ quan chính phủ của Việt Nam trong việc triển khai các Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã khẳng định đường lối và chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời minh chứng cho chính sách kiên trì của Chính phủ trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com