![]() |
Những thành tựu trong tăng trưởng kinh tế và mở rộng hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ |
“Song song với phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo, phát triển xã hội và đặc biệt là thực hiện các MDG”, Thứ trưởng Sinh nói và cho biết, sau 2/3 chặng đường thực hiện các MDG, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng. Chẳng hạn, đã đạt mục tiêu giảm gần một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2002; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và đạt phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010 theo chuẩn của Việt Nam; đạt được những thành tựu đáng khích lệ về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế Việt Nam...
Trong 8 mục tiêu MDG đề ra, tới năm 2015, có hai mục tiêu là “Đảm bảo bền vững về môi trường” và “Phòng chống HIV/AIDS” là còn nhiều thách thức, thậm chí khó có khả năng đạt được. “Đây là hai mục tiêu rất được Chính phủ quan tâm, nhưng do nguồn lực hạn chế, nên khả năng thực hiện còn khó khăn. Vì vậy, trong thực hiện Chiến lược 10 năm, cũng như Kế hoạch 5 năm tới, Chính phủ chỉ đạo, các chỉ tiêu môi trường phải đạt mức cao nhất. Chẳng hạn, các khu công nghiệp phải có khu xử lý môi trường tập trung, nếu không thì không cho hoạt động”, Thứ trưởng Sinh nói và cho biết, chính sự cam kết mạnh mẽ và những chính sách ưu tiên của Việt Nam; cũng như thành tựu trong tăng trưởng kinh tế và mở rộng hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện các MDG.
Đánh giá cao Việt Nam trong việc thực hiện các MDG, thậm chí, còn coi Việt Nam là một “ví dụ tuyệt vời cho những thành tựu trong thực hiện MDG”, song ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cũng không khỏi băn khoăn khi vẫn còn một chặng đường tiếp theo để hoàn thành nốt các mục tiêu đề ra.
“Những nỗ lực trong giai đoạn 5 năm tiếp theo cần tính đến những rủi ro tiềm ẩn, nhằm đạt được hoàn toàn các MDG. Những cú sốc bên ngoài, như khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khủng hoảng năng lượng và lương thực, thực phẩm đang đặt ra thách thức cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam”, ông John Hendra nói và cho rằng, xu hướng giảm ODA, FDI, thâm hụt thương mại và cán cân thanh toán lớn, cũng như các nguy cơ về lạm phát cần được Chính phủ quan tâm sâu sát. “Những cú sốc này có thể ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người nghèo, có thể làm cho những người vừa thoát nghèo có thể bị tái nghèo một cách nhanh chóng”, ông John Hendra đề cập các thách thức khi thực hiện MDG của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Trên thực tế, đây chỉ là một trong những thách thức được nhắc tới trong bản Báo cáo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố. Theo Báo cáo, việc duy trì và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu MDG trong điều kiện khủng hoảng tài chính và biến động bất lợi khác của môi trường kinh tế quốc tế cũng là một thách thức đáng kể. Khó có khả năng khủng hoảng tài chính có tác động sâu rộng đến các kết quả thực hiện MDG của Việt Nam, tuy nhiên, có thể làm những cố gắng để đảm bảo thực hiện các mục tiêu này với những đối tượng bất lợi ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho rằng, 5 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực để thực hiện các MDG. “Năm 2009, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 5,32%. Năm nay, dự kiến đạt 6,7%, vượt mục tiêu đề ra. Năm 2011, chúng tôi dự kiến trình Quốc hội mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%. Mức tăng trưởng như vậy không phải là thấp, đặc biệt là 5 năm tới, Với mức tăng trưởng như vậy và với dự kiến tăng trưởng GDP 5 năm tới khoảng 7,5%/năm, chúng ta vẫn có khả năng thực hiện các MDG”, Thứ trưởng Sinh lạc quan.
(Theo Nguyên Đức // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com