Những giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất năm 2013 đưa ra trúng vào những bức xúc của nền kinh tế. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định sẽ mang lại hiệu quả nếu triển khai khộng kịp thời. Câu chuyện chậm triển khai gói hỗ trợ hàng ngàn tỷ cho cá tra là một ví dụ.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Trong đó đã đưa ra hàng loạt giải pháp với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo sự chuyển biến phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Đây là những giải pháp có tính định hướng rõ ràng, trúng vào những bức xúc của nền kinh tế và không thể không giải quyết.
Tuy nhiên điều mà nhiều người băn khoăn là việc thực hiện các giải pháp này như thế nào, triển khai chính sách ra sao để đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả mới là điều quan trọng.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DN vừa và nhỏ Việt Nam thì các năm trước chúng ta cũng đã có nhiều nghị quyết, chủ trương đúng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất thúc đẩy kinh tế phát triển, không ai phê phán được vậy nhưng khi triển khai không được như mong muốn.
Lý giải về vấn đề này, ông Kiêm cho rằng có 3 nguyên nhân quan trọng đó là việc đánh giá, kiểm soát, cập nhật tình hình, chưa sát với thực tế, thông tin có độ tin cậy thấp, số liệu không chính xác nên dẫn đến có đánh giá nhận định khác nhau, làm cho chính sách đề ra khó triển khai.
Tiếp đến là năng lực cụ thể hóa chính sách của các cơ quan còn yếu, chậm, khiếm khuyết, không phù hợp, không làm hoặc nói khác với làm nên cho hiệu quả kém.
Cuối cùng là kỷ luật không nghiêm, thiếu chế tài xử lý, thành tích không được khen thưởng, lỗi không bị phê phán kịp thời dẫn đến thiếu động lực trong khâu thực hiện và không đem lại kết quả cao. Nếu không khắc phục được 3 hạn chế này thì dù giải pháp chủ trương hay tới đâu cũng sẽ không có tác dụng như mong đợi.
Các chuyên gia kinh tế đều thừa nhận việc biến chủ trương chính sách thành hiện thực ở nước ta từ xưa đến nay rất chậm và yếu.
Một câu chuyện gần đây nhất là chậm trễ trong xây dựng cơ chế hỗ trợ cá tra mặc dù có chỉ đạo của Chính phủ đã dẫn đến nhiều DN lâm vào khó khăn, người nuôi cá thiệt hại nặng, lượng cá tồn kho lớn và giá xuống quá thấp.
Hay như vấn đề xử lý nợ xấu cũng vậy, nói rất nhiều, giải pháp cũng có nhưng tính từ thời điểm tháng 3/2012 khi bắt đầu có quyết định tái cơ cấu ngân hàng cho đến hiện nay, chưa thấy có bước tiến nào thực sự đáng kể. Nợ xấu không những không giảm mà còn tiếp tục tăng.
Tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng, chuyên gia ngân hàng băn khoăn, trong Nghị quyết nêu rõ: Dành từ 20 - 40 nghìn tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại để phục vụ cho vay đối với các đối tượng thu nhập thấp... là rất có ý nghĩa cho cả DN và người dân.
Tuy nhiên, hi nào chính sách cụ thể được ban hành và đi vào thực tiễn còn là cả một vấn đề, bởi với cách làm như hiện nay có thể mất rất nhiều thời gian mới có được chứ không thể mong một sớm một chiều.
Và một khi các chính sách cụ thể được ban hành chậm, tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả chung.
Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng càn có chế tài để hối thúc các cơ quan khẩn trương thực hiện. Việc giao các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong tháng 1/2013 ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể các nội dung có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, nhưng thời gian ấn định có hợp lý?.
Cụ thể hơn, theo ông Cao Sỹ Kiêm, vấn đề xử lý nợ xấu đến nay tuy đã có phương án nhưng vẫn mang tính chỉ đạo, còn trách nhiệm cụ thể thuộc về Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng Thương mại, nếu không cụ thể hóa hơn nữa vẫn khó có thể giải quyết được. \
Việc giãn, giảm thuế Thu nhập DN, thuế Giá trị gia tăng được cho là có tác động trực tiếp nhưng cũng chỉ có tác dụng với những DN đang hoạt động có lãi, đang có đơn hàng xuất khẩu, và chỉ được áp dụng từ nửa cuối năm 2013 cho thấy nó mang tính động viên là chính, còn tác dụng chỉ có mức độ vừa phải.
Vấn đề quan trong hiện nay theo các chuyên gia là tổ chức thực hiện. Các giải pháp dù trúng, đúng và hay đến mấy mà khâu thực hiện yếu thì cũng sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi. DN và nền kinh tế đã ở thời điểm rất khó khăn, mọi sự chậm trễ lúc này là một tội lớn.
(Theo VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com