Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam trước cơ hội từ dịch chuyển FDI

Việt Nam trước cơ hội từ dịch chuyển FDI
Nếu tính tỷ lệ với GDP, Việt Nam là nước lớn đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đông Nam Á sau Singapore.

Trong bài viết với nhan đề “Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á và Ấn Độ như thế nào?” chuyên gia Trinh Nguyễn từ ngân hàng HSBC đã đưa ra một số nhận định rất đáng chú ý về dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Tác giả cho rằng trong 20 năm qua, Trung Quốc là nước tiếp nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong số các nước đang phát triển. Nhưng với chi phí ngày càng tăng do lương nhân công cao hơn và đồng Nhân dân tệ tăng giá, Trung Quốc đang phải đối mặt với việc nhiều công ty đa quốc gia tìm kiếm mở rộng sản xuất sang các quốc gia khác.

Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển này do nguồn lao động dồi dào và thị trường nội địa phát triển mạnh. Quá trình dịch chuyển đang diễn ra khi các nước ASEAN, đặc biệt là những nước với đặc điểm nhân khẩu học mạnh như Indonesia, Philippines và Việt Nam, cũng như Ấn Độ, có thể dễ dàng nâng cao hiệu suất kinh tế bằng cách thu hút những ngành sản xuất cần nhiều lao động hơn.

Các nước này đều nhận thức rõ về thành công của Trung Quốc trong việc sử dụng FDI để thúc đẩy xuất khẩu và công nghệ. Việc các nước này quản lý dòng FDI vào và những nỗ lực để thu hút thêm dòng vốn này, sẽ cung cấp một bức tranh rõ ràng về khả năng của họ trong việc nâng cao hiệu suất và kiến thức công nghệ, hai thành tố quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn.

Trong thập kỷ trước, dòng vốn FDI đã bắt đầu chảy vào ASEAN và Ấn Độ để tận dụng đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi và tốc độ tăng trưởng nhanh. Nhưng các công ty đa quốc gia cũng cân nhắc những yếu tố khác khi quyết định đầu tư, bao gồm môi trường chính sách và sự thuận lợi khi làm ăn kinh doanh.

Gần đây, phần lớn đầu tư từ Nhật Bản đã chuyển tới các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam để đa dạng hóa rủi ro từ Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa sâu sắc đối với các nước này nếu họ thực hiện chính sách để tận dụng lợi ích từ sự dịch chuyển.

Các công ty từ nhiều nước khác cũng góp phần vào trào lưu dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc khi họ đi tìm những cơ sở rẻ hơn, chẳng hạn Ấn Độ là một điểm đến hàng đầu khi sở hữu lực lượng dân số cùng kích cỡ.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh phức tạp, chính sách FDI hạn chế, cơ sở hạ tầng nghèo nàn có thể làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả là các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam, mặc dù không có kích cỡ dân số tương tự, tiếp tục mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư vì họ cũng có những câu chuyện nhân khẩu học rất hay để kể.

Philippines và Việt Nam là hai nước có lực lượng lao động lớn và thị trường đủ lớn để duy trì nhu cầu nội địa mạnh mẽ. Trong bảy năm, dân số Philippines sẽ tăng lên 110 triệu người (dự báo của Liên hiệp quốc) từ con số 96 triệu năm 2012. Mặc dù Việt Nam có một dân số nhỏ hơn (89 triệu), nhưng nguồn cung lao động mạnh mẽ và rẻ ở khu vực nông thôn (khoảng 70% dân số sống ở nông thôn) cho thấy Việt Nam có lợi thế về sản xuất cần nhiều lao động.

Việt Nam có một mô hình đặt trọng tâm xuất khẩu tương tự với Trung Quốc. Việt Nam đặt mục tiêu thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất thông qua chính sách và các ưu đãi một cách mạnh mẽ hơn Philippines nhiều. Trong khi tiềm năng về kích cỡ thị trường nhỏ hơn, Việt Nam cũng sẽ gia nhập câu lạc bộ 100 triệu vào giữa các năm 2020. Nếu thu nhập tiếp tục tăng, Việt Nam sẽ trở thành một đích đến ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Nếu tính tỷ lệ với GDP, Việt Nam là nước lớn đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đông Nam Á sau Singapore. Thành quả này có được là do Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ nhất trong số các nước Đông Nam Á và môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn so với Ấn Độ, Philippin, Indonesia, mặc dù Việt Nam vẫn còn thua đáng kể so với Thái Lan và Malaysia.

Tỷ lệ đô thị hóa vẫn còn thấp ở mức 30% và sẽ tiếp tục tăng tốc trong vài năm tới. Điều này có nghĩa rằng sự gia tăng năng lực sản xuất từ những người nông dân di cư vào thành phố trong hai thập kỷ qua sẽ còn tiếp tục diễn ra. Cùng với điều này, hơn 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi và chúng tôi hy vọng lực lượng lao động sẽ gia tăng trong hai thập kỷ tới. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có nhu cầu trong nước nhiều hơn và áp lực tiền lương ít hơn các nước khác.

Trong vài năm qua, Việt Nam đã phần nào đánh mất hào quang là một trong những nước thực hiện tốt nhất đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực do lạm phát không ổn định và quản lý kinh tế chưa hiệu quả. Điều này đã làm dòng vốn FDI chậm lại nhưng Việt Nam vẫn là một đất nước phát triển mạnh mẽ so với quy mô quốc gia.

Điều này giúp Việt Nam có thị phần trong thị trường sản xuất hàng hoá cần tay nghề thấp như dệt may và giày dép. Xuất khẩu của Việt Nam cũng đang gia tăng về giá trị do đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việc Nhật Bản tăng nhanh đầu tư vào Việt Nam được xem là dấu hiệu tích cực cho năng lực sản xuất và tăng trưởng trong ngành sản xuất trong tương lai. Năm 2011, đầu tư của Nhật Bản chiếm 25% tổng số dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, và từ đầu năm đến tháng 10.2012, con số này đã tăng tới 58%.

Theo một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn do chi phí sản xuất thấp, lực lượng lao động dồi dào và ổn định về mặt chính trị. Họ đánh giá Việt Nam có chi phí rẻ hơn và ổn định hơn so với Thái Lan và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam tụt hậu so với cả Trung Quốc và Thái Lan về kết nối với các thị trường trong khu vực và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản có đầu tư tại đây. Đồng Yên Nhật mạnh hơn tiền Đồng là một điểm tích cực nữa, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản cho các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Cuộc khảo sát cho thấy nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện các điều kiện kinh tế thì đầu tư trực tiếp nước ngoài có khả năng tăng tốc. Các lĩnh vực quan ngại bao gồm cơ sở hạ tầng, tiếp cận với nguyên vật liệu thô, thuế hải quan, thủ tục hành chính, tham nhũng và hàng hóa trung gian cho sản xuất. Ngay cả trong môi trường kinh doanh hiện tại, nhiều công ty Nhật Bản đang đổ xô đến Việt Nam để giảm chi phí và mở rộng cơ sở sản xuất của họ.

Với việc Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô hơn là tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, chúng ta vẫn còn hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều tiến bộ. Trong thập kỷ tới, khi chi phí sản xuất tăng lên ở Trung Quốc và Thái Lan, Việt Nam có thể được định vị để lấp đầy khoảng trống và di chuyển lên cao trong chuỗi giá trị.

“Nhìn chung, chúng tôi rất lạc quan về tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở đa số các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Nếu các công ty đa quốc gia ưu tiên nhiều cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, họ có thể đem lại công nghệ cần thiết để xây dựng năng lực sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo rằng các khoản đầu tư này được sử dụng phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước họ. Nếu họ thực hiện chính sách để thúc đẩy khả năng tiếp thu công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, họ có thể nâng cao năng lực sản xuất và tạo ra một nguồn tăng trưởng bền vững về lâu dài”, tác giả viết.

(Theo Vneconomy)

  • 2013 sẽ là “năm bận rộn” của đầu tư PPP?
  • Bước ngoặt 2013
  • Thu phí đường bộ từ năm 2013: Lo ngại phí chồng phí?
  • Góc nhìn kế hoạch năm 2013
  • 'Lạm phát Việt Nam tiếp tục tăng năm 2013'
  • Tập đoàn thua lỗ, lương cao vẫn đúng quy định
  • Luật pháp có trị được tham nhũng?
  • Việt-Nga: Nền tảng và hấp lực mới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi