Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bước ngoặt 2013

Năm 2013 không chỉ là năm vượt khó, mà còn là năm thế giới và Việt Nam đón bắt tốt hơn xu thế phát triển mới. 

Các nhà kinh tế đã đúng khi nhận định rằng, dư âm tiêu cực của cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu còn kéo dài và những cách thức đối phó bằng biện pháp nới lỏng tiền tệ và thực thi các gói kích cầu chỉ có ý nghĩa tình thế. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 có thể cao hơn đôi chút so với năm 2012 (3,6% so với 3,3% theo dự báo của IMF tháng 10/2012). Song rủi ro, bất định cao sẽ còn là những đặc trưng kéo dài. Bên cạnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng và những cơn thịnh nộ của thiên nhiên trong những năm gần đây, thế giới đang phải đối mặt với ba "sai lệch lớn".

Đáng kể đầu tiên là sai lệch giữa kinh tế thực và kinh tế tiền tệ. Bong bóng tài sản tài chính đã lớn hơn GDP thế giới nhiều lần. Thế giới tiền tệ có cuộc chơi riêng, xa rời dần vai trò phương tiện trung gian chuyển tiết kiệm vào đầu tư tạo giá trị gia tăng.

Sai lệch thứ hai được tạo ra do sự phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi (đặc biệt là nhóm BRICS) và khả năng thích ứng của các nền kinh tế phát triển. Mất cân đối vĩ mô toàn cầu cùng dịch chuyển và cả căng thẳng quyền lực địa kinh tế và địa chính trị đang tạo ra nhiều kịch bản với không ít khoảng trống còn thiếu cách giải quyết thỏa đáng. Cũng không thể không kể đến sự sai lệch giữa kinh tế "nâu" - tận khai, phá hủy tài nguyên, gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng và kinh tế "xanh" - thân thiện với môi trường và giảm khí thải nhà kính. Thế giới thực sự đang trong thời kỳ chuyển đổi có tính cách mạng. Thách thức là làm sao có thể chuyển sang một thế giới "thực" hơn, "xanh" hơn và cân bằng hơn về địa chính trị, với những tác động tích cực đến sự ổn định và phát triển nói chung.

Việt Nam không nằm ngoài những vấn đề của thế giới, cả trong ngắn hạn và trong dài hạn.

Bức tranh tổng thể của kinh tế Việt Nam trong 5 năm gia nhập WTO (2007-2011) là xuất khẩu tiếp tục cải thiện, đầu tư gia tăng, kể cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, song cả tăng trưởng và hiệu quả đều giảm, trong khi bất ổn kinh tế vĩ mô trở thành căn bệnh khó chữa. Các nền tảng kinh tế vĩ mô suy yếu: chênh lệch đầu tư - tiết kiệm quá lớn (trên 40% so với khoảng 30% GDP), thâm hụt ngân sách cao (trên 5%GDP), thâm hụt thương mại và cán cân vãng lai lớn (có khi tới 9-10% GDP), lạm phát cao và biến động mạnh, rủi ro tài chính - ngân hàng gia tăng. Khả năng chống đỡ của nền kinh tế (khả năng duy trì tăng trưởng hay phục hồi trước những cú sốc bên trong và bên ngoài) yếu hơn nhiều so với các nước khu vực Đông Á.

Không chỉ vật lộn với những khó khăn trước mắt, Việt Nam còn cần thay đổi mô hình tăng trưởng và cách thức phát triển nói chung. Trải nghiệm hơn 26 năm đổi mới với những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng, giảm nghèo, song kinh tế Việt Nam cũng phải trả giá cao do phân bổ nguồn lực (nhất là trong đầu tư công và khu vực doanh nghiệp nhà nước) thiếu hiệu quả, môi trường bị hủy hoại và khoảng cách giàu - nghèo (cả về thu nhập và tài sản) ngày càng giãn rộng. Bước ngoặt cải cách và chính sách kinh tế của Việt Nam năm 2011 là đưa ra thông điệp mạnh mẽ và tiếp tục thực thi nhất quán cao chính sách lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, coi đây là một tiền đề quan trọng đảm bảo tăng trưởng hiệu quả trong dài hạn, cho dù phải chịu đau trong ngắn hạn. Bước ngoặt nữa là bước vào năm 2012, Việt Nam thể hiện quyết tâm đi vào tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung cải tổ những lĩnh vực đang cản trở phân bổ hiệu quả nguồn lực và gây bất ổn vĩ mô, đó là đầu tư công, khu vực doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính - ngân hàng. Một số chương trình cải tổ kinh tế, dù còn cần tiếp tục hoàn thiện, đã được thông qua là cơ sở cho việc triển khai trên thực tế.

Câu hỏi lớn nhất là trong năm 2013, liệu Việt Nam có đủ khả năng vượt qua những khó khăn trước mắt và bắt tay vào thực sự tái cấu trúc nền kinh tế? Hiện có không ít thuận lợi. Việt Nam đã nhận thức được yêu cầu cấp bách phải chuyển hướng căn bản trong tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả và phát triển bền vững. Ý chí chính trị đó lại có sự đồng thuận xã hội cao. Việt Nam cũng ít nhiều có kinh nghiệm cải cách và lại được sự hỗ trợ nhiệt tình của cộng đồng quốc tế.

Thách thức cũng rất lớn. Trước hết đó là lực cản từ tư duy còn rơi rớt của một nền kinh tế kế hoạch hóa và từ các nhóm lợi ích vốn được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi trong thời gian dài vừa qua. Cải tổ, tái cấu trúc cũng đồng nghĩa với những tổn phí kinh tế - xã hội nhất định trong ngắn hạn. Tối thiểu hóa tổn phí chuyển đổi cùng với hỗ trợ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương và người nghèo không đơn giản. Phân chia nguồn lực còn hạn chế để đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi dần sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế thực sự là một thử thách lớn.

Thế giới và cả Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức. Kinh tế phục hồi chậm chạp, rủi ro tài chính cao, tính khó lường gia tăng. Song khó khăn và thậm chí khủng hoảng, cũng mở ra những ý tưởng mới, xu thế mới về phát triển bền vững hơn, vì con người hơn. Sự phát triển đó có lẽ là sự giao thoa, hài hòa giữa tâm thức với xã hội thông tin và kinh tế "xanh". Năm 2013 rõ ràng tiếp tục sẽ là một năm vượt khó. Nhưng hy vọng thế giới và Việt Nam đón bắt tốt hơn xu thế phát triển mới và bước đầu có những cải cách hữu hiệu, hiện thực hóa xu thế đó.
 
Tiến sĩ Phó Viện trưởng
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

(Theo Võ Trí Thành // Doanh nhân)

  • Thu phí đường bộ từ năm 2013: Lo ngại phí chồng phí?
  • Góc nhìn kế hoạch năm 2013
  • 'Lạm phát Việt Nam tiếp tục tăng năm 2013'
  • Tập đoàn thua lỗ, lương cao vẫn đúng quy định
  • Luật pháp có trị được tham nhũng?
  • Việt-Nga: Nền tảng và hấp lực mới
  • Việt Nam: Nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương
  • Tham nhũng, ai chống và chống như thế nào?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi