Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ở Việt Nam đầu tư vào đâu lãi nhất?

Hiện nay việc đầu tư bảo vệ bờ biển, cửa sông là lãi nhất. Không phải một vốn bốn lời mà… 100 lời. Bởi nếu chúng ta không quan tâm đến lĩnh vực này ngay từ bây giờ thì đến đời con của chúng ta phải trả giá rất đắt.

 

 
Đây là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Trung tâm Khảo sát, Nghiên cứu, Tư vấn môi trường biển thuộc Viện Cơ học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
 
TS cho biết rằng, vùng ven bờ biển cũng là khu vực hứng chịu trực tiếp các hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua mực nước biển dâng. Nước biển dâng có thể dẫn đến những hậu quả rất lớn đối với sinh kế và sự thịnh vượng của cư dân ở những vùng này. Những vùng đất có giá trị cao có thể sẽ bị mất. Các đầm tôm, cua có thể bị di dời và các ngư trường ven biển có thể chịu thiệt hại. Những vùng không ngập mặn thường xuyên ở khu vực lân cận có thể bị ảnh hưởng và không còn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp. 
 
Sự đa dạng của các hệ động thực vật ven biển Việt Nam có thể bị suy giảm và một số môi trường sống đặc thù có thể biến mất. Rừng ngập mặn -  hệ sinh thái quan trọng ở vùng đất thấp – có thể bị giảm về quy mô hoặc hoàn toàn biến mất. Các vùng đầm lầy ở các vùng cửa sông hình phễu, những nơi trú ngụ của các loài chim sẽ bị đe dọa bởi mực nước biển dâng. 
 
Xói ở nơi cần bồi, bồi ở nơi cần vét

 Bờ biển bị sạt lở
 
Trong những năm gần đây quá trình xói lở ở bờ biển nước ta phát triển mạnh và gây nhiều hậu quả xấu đối với cuộc sống của nhân dân ven biển. Nhiều nhà cửa, các công trình phúc lợi xã hội công cộng bị tàn phá và nhiều đất đai hoa màu bị thu hẹp lại. Những vũng bờ xói lở mạnh, điển hình như Cát Hải (Hải Phòng), Văn Lý, Hải Triều, Hải Hậu (Nam Định), Ngư Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa), Cảnh Dương (Quảng Bình), Phan Rí (Bình Thuận), Cần Thạnh (tp Hồ Chí Minh), Gò Công Đông (Tiền Giang), Hồ Tàu, Đông Hải (Trà Vinh), Cửa Tranh Đề (Sóc Trăng), Ngọc Hiền (Bạc Liêu)…
 
Hiện trạng xói lở bờ biển đang diễn ra ở hầu hết dải ven biển Việt Nam. Mức độ phát triển và thời gian xảy ra không đồng nhất, liên quan chặt chẽ với địa hình đường bờ, cấu tạo địa chất đối bờ và vai trò tác động lực biển (sóng, dòng chảy, thủy triều, nước dâng do bão và gió mùa, lượng bùn cát được vận chuyển…). Các hiện tượng xói lở xảy ra và phát triển mạnh mẽ ở các đoạn bờ thẳng hoặc hơi lồi của hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.
 
Có thể chia thành 5 cấp xói lở: Ngắn (có độ dài đoạn bờ nhỏ hơn 200 m); Đáng kể (có độ dài đoạn bờ 200 – 1.000 m), Trung bình (có độ dài đoạn bờ 1.000 – 2.000 m); Lớn (có độ dài đoạn bờ 2.000 – 6.000 m); Rất lớn (có độ dài đoạn bờ >6.000 m).
 
Có thể chia thành 4 cấp tốc độ xói lở trung bình/năm: Chậm (nhỏ hơn 5 m/năm); Trung bình (5 – 10 m/năm); Nhanh (10 – 30 m/năm); Rất nhanh (>30 m/năm).
 
Mức độ xói lở được phân cấp theo thời gian 10 - 12 năm: Đến năm 1940 có 14  đoạn xói lở; Đến năm 1950 có 81  đoạn xói lở; Đến năm 1962 có 92  đoạn xói lở; Đến năm 1970 có 129 đoạn xói lở; Đến năm 1980 có 198 đoạn xói lở; Đến năm 1992 có 244 đoạn xói lở. Hiện tượng xói lở bờ tăng dần từ năm 1930 cho đến nay.
 
Đặc điểm quan trọng nhất đối với bờ châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long là quá trình bồi tụ lấn biển rất mạnh và kéo dài liên tục, tốc độ nhanh (trung bình 80 m/năm). Tiêu biểu nhất là những khu vực bồi tụ của Ba Lạt, cửa Đáy ở phía Bắc, cửa Định Anh và vùng Tây mũi Cà Mau ở phía Nam. Tổng diện tích bồi tụ từ năm 1965 – 1995 là 33.000 ha. Nguyên nhân chính là do lượng phù sa rất lớn từ các sông đổ ra, lắng đọng và phân bố dọc vùng ven bờ. 
 
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, biến động bờ biển, cửa sông ở Việt Nam thuộc loại phong phú trên thế giới vì chúng ta có đủ các loại bờ biển, cửa sông. Ngoài ra, các điều kiện thời tiết nguy hiểm như bão, lũ là một trong những tác động gây ra sự biến động rất lớn. 
 

Theo đánh giá của các chuyên gia, một cơn bão có thể gây ra sự biến động bờ biển tương ứng với 20 năm tác động của các điều kiện thời tiết bình thường. Bên cạnh đó còn có một quy luật là tác động của bão lên các vùng bờ biển, cửa sông mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào các đặc điểm chế độ động lực của khu vực. Một cơn bão như bão số 5 (Linda, năm 1997) nếu tác động đến vùng bờ biển miền Trung thì chắc chắn sẽ không gây ra sự tàn phá ghê gớm như nó đã đổ bộ vào vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long và ven bờ biển Tây Nam Việt Nam, là một vùng bờ có động lực sóng yếu, bờ biển, bãi biển chủ yếu là cát mịn, bùn, sinh lầy.


 

 
Làm sao bảo vệ bờ biển? Đó chính là mục tiêu của dự án “Sự tiến triển và quản lý bền vững các vùng bờ biển Việt Nam”. Dự án này do Trung tâm Khảo sát, Nghiên cứu, Tư vấn môi trường biển (CMESRS) thuộc Viện Cơ học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, Trường Đại học Lund (Thụy Điển) phối hợp thực hiện từ năm 2004 đến cuối năm 2011. Chủ nhiệm dự án từ phía Việt Nam là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng ở Trung tâm Khảo sát, Nghiên cứu, Tư vấn môi trường biển.
 
Mục tiêu tổng quát của dự án là phát triển một chiến lược tổng hợp để quản lý các vùng bờ biển của Việt Nam ứng phó với các quá trình xói lở, ngập lụt và sa bồi cảng cửa sông. Mục tiêu trước mắt là tăng cường năng lực của CMESRC để giải quyết các vấn đề biến động bờ biển (xói lở, ngập sụt, sa bồi) phục vụ cho chiến lược quản lý bền vững vùng bờ biển. 
 
PGS Nguyễn Mạnh Hùng và các cộng sự đã thu thập và tổng hợp số liệu (gồm các số liệu trường sóng, dòng chảy, lưu lượng sông, lịch sử và hiện trạng bờ biển, ảnh viễn thám v.v…), tiến hành 4 đợt đo đạc tổng hợp bổ sung tại khu vực châu thổ sông Hồng. 
 
Đồng thời các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu các quá trình vật lý và mô hình hóa toán học các quá trình ven biển (quá trình sóng, dòng chảy, vận chuyển bùn cát, biến động đáy biển v.v…), phân tích và tổng hợp bộ số liệu thu thập và đo đạc để phục vụ cho hiệu chỉnh mô hình toán.
 
Những người thực hiện đề tài cũng đã xây dựng mô hình toán các quá trình động lực và bùn cát ven bờ phục vụ dự tính và dự báo biến động bờ biển (mô hình tính sóng, dòng chảy, vận chuyển bùn cát, biến động bờ biển, trao đổi nước…). Tiếp đó, họ đã phân tích kết quả tính toán theo các phương án khác nhau gồm tính sóng, mực nước, dòng chảy, vận chuyển bùn cát, biến động bờ, đáy biển… Điều quan trọng là các nhà khoa học của (CMESRS) và Trường Lund đã đưa ra phương án bảo vệ bờ biển phòng chống xói lở và quản lý các khu vực sa bồi quá mức. 
 
Các đại biểu dự Hội thảo về dự án “Sự tiến triển và quản lý bền vững các vùng bờ biển Việt Nam"
 
Dự án đã tiến hành thu thập tổng hợp các số liệu về động lực và biến động bờ biển hiện có cho toàn bộ các vùng bờ biển Việt Nam, tập trung vào khu vực châu thổ sông Hồng bao gồm: các số liệu khí tượng thủy văn biển (gió, bão), số liệu động lực học biển (sóng, dòng chảy, mực nước, nước dâng trong bão và gió mùa), số liệu địa hình (biến động địa hình ven biển, bờ biển, ảnh vệ tinh…) đặc biệt tập trung cho vùng châu thổ sông Hồng. Các số liệu này được tập hợp thành ngân hàng dữ liệu trên cơ sở hệ thống thông tin địa lý GIS, có thể dễ dàng cập nhật các bộ số liệu mới và xây dựng các bản đồ về biến động bờ biển cửa sông. 
 
Dự án đã tiến hành 4 “chiến dịch” đo đạc tổng hợp tại khu vực châu thổ sông Hồng với các hạng mục đo đạc về động lực biển, vận chuyển bùn cát và biến động đáy biển, bờ biển. Dự án đã thực hiện một số đo đạc trực tiếp trong thời gian các cơn bão mạnh đổ bộ vào vùng châu thổ sông Hồng (ví dụ cơn bão Damrey năm 2005), đo động lực biển và biến động đáy biển tại các mặt cắt trước và sau cơn bão.

Trần Quang Vinh // Tầm Nhìn

 

  • Để tre Việt thành thương hiệu thời hội nhập
  • Thu phí giao thông: khó giảm ùn tắc, dễ tăng bức xúc
  • Cần phải làm gì với những cái "nhất" đặc trưng của kinh tế Việt Nam?
  • Tết làm “méo” bức tranh kinh tế tháng 1
  • FDI tháng 1 quá thấp vì... đợi năm Rồng
  • Miếng bánh hay quả bóng?
  • Tăng trưởng, chỉ số giá và an sinh xã hội
  • Vốn FDI đăng ký tháng 1 bằng... 1/40 cùng kỳ năm ngoái
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi