Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rắc rối …tạm trữ

Lấy nước vào ruộng muối ở Cần Giờ-Ảnh: Quang Chung.

Tin Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đề nghị chính quyền thành phố hỗ trợ cho vay không lãi suất để doanh nghiệp mua hơn 60.000 tấn muối ứ đọng của diêm dân huyện Cần Giờ không có gì mới, bởi trước đó Chính phủ đã nhận văn bản kiến nghị của ngành nông nghiệp mua tạm trữ 200.000 tấn muối trên phạm vi cả nước.

Còn trong phần trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng có nói là đồng tình với phương án tạm trữ muối của ngành nông nghiệp trước tình cảnh giá muối rớt thêm thảm, ứ đọng không tiêu thụ được.

Phong trào

Giá muối đã liên tục giảm trong thời gian qua, từ 1.200 đồng/kg xuống còn 600 - 700 đồng/kg, có lúc giá muối, cụ thể ở huyện Cần Giờ, TPHCM, chỉ có 400 đồng/kg thì việc cơ quan quản lý đề xuất mua tạm trữ nhằm nâng đỡ diêm dân là điều hiển nhiên. Thế nhưng, vài năm gần đây, dường như cứ tới mua vụ thu hoạch, giá nông sản rớt xuống thấp thì cơ quan quản lý chuyên ngành, rồi các doanh nghiệp lại đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất để vay vốn mua tạm trữ - một biện pháp chữa cháy, không phải là chính sách bình ổn giá căn cơ, lâu dài.

Có lẽ lúa gạo ở ĐBSCL là loại nông sản đầu tiên được áp dụng giải pháp cấp thời là hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp vay vốn mua tạm trữ. Thường vào vụ thu hoạch lúa Đông xuân hàng năm thì giá lúa gạo lại giảm. Như vụ Đông xuân 2009-2010, giá lúa tụt giảm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đứng ra lo mua tạm trữ. Các năm trước, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng phải mua gạo tạm trữ theo giá sàn có khi do hiệp hội tạm tính, có khi do Chính phủ ban hành.

Câu hỏi ở đây là tại sao tạm trữ chỉ là giải pháp chữa cháy mà năm nào cũng phải thực hiện trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo? Mà nào đâu chỉ có gạo, năm nay, lần đầu tiên sau gần 10 năm, Chính phủ cũng đã đồng ý cho các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội cà phê Việt Nam mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê trong thời hạn 3 tháng, mua và tạm trữ cả thảy 6 tháng, với mức hỗ trợ 6% lãi suất vay ngân hàng, tức gần một nửa lãi suất thương mại mà các doanh nghiệp đang phải trả cho ngân hàng.

Rồi giờ tới lượt hạt muối. Đó là chưa kể hàng loạt hiệp hội ngành hàng nông sản cũng nhăm nhe “đòi” Chính phủ cho mua tạm trữ khi vào vụ thu hoạch rộ, với lý do khá thuyết phục rằng biện pháp này sẽ hỗ trợ nông dân, có lợi cho cộng đồng, từ nông dân tới nhà xuất khẩu nông sản.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói với PV rằng “Hiện tại, Chính phủ có chính sách hỗ trợ giá cho lúa gạo, mua tạm trữ cà phê vậy thì tại sao không có có chính sách trợ giá hay một chính sách cụ thể nào đó cho diêm dân?”.

Thậm chí có vị chức sắc trong ngành cà phê trong một hội thảo còn lấy kim ngạch xuất khẩu, sản lượng cà phê và tác động của nó đến với đời sống hàng trăm ngàn hộ nông dân để khẳng định ngành mình quan trọng đối với cộng đồng không thua kém lúa gạo, cho nên cũng cần được mua tạm trữ như lúa gạo.

Điều khó hiểu là đa phần chính sách mua tạm trữ lại xuất phát từ đề xuất của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nếu từ cơ quan quản lý thì cũng do đề nghị của doanh nghiệp; nên chỉ tiêu mua tạm trữ gạo, cà phê cũng chỉ được phân bổ chủ yếu cho doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước. Ngay cả việc đề xuất mua muối tạm trữ, doanh nghiệp dự kiến được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn mua tạm trữ cũng là doanh nghiệp nhà nước, là Tổng công ty Lương thực miền Bắc.

Thường thì nông sản rớt giá thì mới chữa cháy bằng mua tạm trữ để nâng đỡ giá trong nước nhưng ngay cả khi giá đường lên cơn sốt vào năm ngoái và hiện đã giảm song vẫn ở mức cao nhưng Hiệp hội Mía đường Việt Nam vẫn đề xuất mua tạm trữ đường. Điều đó nói lên rằng mua tạm trữ không chỉ đơn thuần là nâng đỡ giá cho nông dân mà phải chăng có khả năng doanh nghiệp coi mua tạm trữ là biện pháp trục lợi từ lãi suất vay thấp?

Tạm trữ giá nào?

Giá lúa mua tạm trữ mức sàn 4.000 đồng/kg mà hiệp hội lương thực cho là đảm bảo nông dân có lợi nhuận tối thiểu 30% được công bố trong vụ Đông xuân năm nay. Chính phủ sau đó có văn bản giao Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương tính toán giá thành sản xuất lúa để từ đó có giá sàn mua tạm trữ phù hợp nhưng tới nay, ngoại trừ An Giang là tỉnh có công bố giá thành sản xuất lúa vào đầu tháng 4, các tỉnh khác không công bố giá thành.

Chính quyền các địa phương cho rằng việc tính toán giá thành là trách nhiệm của Bộ Tài chính, còn người đại diện Cục quản lý giá, Bộ Tài chính thì cho rằng bộ này chỉ hướng dẫn phương pháp tính, còn cụ thể tính toán thế nào là tùy thực tế ở địa phương.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp An Giang thì giá thành lúa Đông xuân 2009 -2010 của tỉnh là 2.960 đồng/kg (tăng 30% so với vụ Đông xuân 2008- 2009). Do đó để cho nông dân sản xuất lúa có lãi trên 30% thì giá mua lúa của nông dân tối thiểu phải từ 4.250đồng/kg trở lên. Nếu căn cứ trên giá thành này thì giá sàn mua lúa ở tỉnh này cao hơn giá sàn do hiệp hội lương thực ban hành 250 đồng/kg.

Điều đó cho thấy, rất có thể các tỉnh không hoặc ngại công bố giá thành còn một lý do khác. Một lãnh đạo tỉnh ở ĐBSCL trong một cuộc họp gần đây nói với người viết bài này rằng đúng là giá thành sản xuất lúa ở các tỉnh trong vùng khác nhau, có vùng thuận lợi thì giá thành thấp, vùng khó khăn, xa sâu thì giá thành cao hơn và ngay trong từng tỉnh, giá thành sản xuất lúa ở từng nơi cũng khác nhau, nên nếu cả vựa lúa mà mua theo một giá sàn như lâu nay thì có chỗ nông dân có lời 30%, thậm chí cao hơn nhưng có vùng, nông dân lỗ nặng.

Thế nhưng cái khó không phải là tính toán giá thành, mà ở chỗ thu mua lúa gạo ở ĐBSCL không có địa giới hành chính. “Không ai bắt thương lái ở tỉnh này không được mua lúa gạo ở tỉnh khác, nên nếu công bố giá thành đúng với thực tế và ở mức cao và theo quy định của Chính phủ, giá sàn mua lúa địa phương đó cũng cao thì thương lái, doanh nghiệp nào dám vào mua”, vị lãnh đạo này cho hay.

Đây có thể là lý do mà tới giờ, quy định của Chính phủ yêu cầu từng tỉnh công bố giá thành sản xuất lúa đã không thực hiện được .

Tương tự, khi đề xuất mua cà phê tạm trữ, Hiệp hội cà phê Việt Nam cũng nói giống như Hiệp hội lương thực Việt Nam là đảm bảo người trồng cà phê có lãi tối thiểu 30%. Tuy nhiên, cho tới nay, thời gian mua cà phê tạm trữ đã gần kết thúc (từ 15-4 tới 15-7) nhưng nông dân không thấy ai nói mua cà phê theo giá nào hay mua theo giá thị trường?

Dù là biện pháp chữa cháy nhưng điều quan trọng nhất của biện pháp tạm trữ là mua theo giá nào để có thể giúp nâng đỡ giá trong nước, giảm thiệt hại cho nông dân. Thực tế, lúa gạo thì mua theo mức ấn định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cà phê thì càng tệ hơn vì lâu nay, nó không liên quan tới an ninh lương thực quốc gia nên chẳng có một cơ quan quản lý hay cơ quan khoa học nào đứng ra tính toán giá thành từng vùng...

Bây giờ là tới biện pháp mua tạm trữ muối nhưng trong đề xuất lên Chính phủ, không thấy ai tính toán rằng mua muối theo giá nào, bởi vùng muối Ninh Thuận lớn nhất cả nước chắc chắc có giá thành sản xuất thấp hơn ở Cần Giờ hay Bạc Liêu. Rồi mai này, nếu Chính phủ có đồng ý mua tạm trữ muối thì doanh nghiệp được giao mua tạm trữ sẽ tự mình tính toán giá mua hay sao?.

(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Bất cập và rối rắm trong điều hành thị trường xăng dầu
  • Hết thời lao động giá rẻ?
  • Kinh tế sau hơn 3 năm gia nhập WTO: Cần kế hoạch tổng thể để “cất cánh”
  • Chỉ nên làm cổng chào nhỏ
  • Cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ rừng
  • Sáu tháng đầu năm 2010: Kinh tế tăng trưởng khá
  • Giảm ùn tắc giao thông: Cần giải pháp tổng thể
  • “Nghèo trên đống vàng”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi