Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý kinh tế vĩ mô vì sự tăng trưởng bền vững: Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Năm 2008 được coi là năm “thử lửa” đối với nền kinh tế vốn được coi là năng động và phát triển mạnh của Việt Nam. Điều đó đòi hỏi Chính phủ phải thực thi các chính sách quản lý vĩ mô hữu hiệu, để nền kinh tế có thể vượt qua được những khó khăn, thách thức trong ngắn hạn, vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững trong dài hạn.
   

Hàn Quốc là nước có sự phát triển nhanh, có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trong quá trình phát triển. Việc nghiên cứu những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trong quản lý kinh tế vĩ mô của Hàn Quốc sẽ giúp tìm ra những bài học quý giá đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Những bước phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc

Vào năm 1953, sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc còn là một nước nghèo, với mức thu nhập quốc dân bình quân đầu người chỉ có 67 USD/người; đến năm 1960 mới tăng lên 80 USD/người. Năm 1961, đảo chính quân sự đã đưa Park Chung Hy lên ngôi vị Tổng thống Hàn Quốc. Thực hiện đường lối cải cách và mở cửa, bằng sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực cá nhân cao nhất cùng với năng lực quản lý và tầm nhìn của nhà lãnh đạo, Park đã đưa Hàn Quốc vượt qua khó khăn sau chiến tranh, kinh tế được khôi phục và phát triển nhanh.

Giai đoạn 1965 – 1995, với việc thực hiện 6 kế hoạch 5 năm, kinh tế Hàn Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; riêng giai đoạn 1988 – 1992 đạt 8,4%, giai đoạn 1993 – 1997 đạt 7,1%. Năm 1977, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc đã đạt 1000 USD/người (tương đương Việt Nam hiện nay). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ. Năm 1963, lao động nông nghiệp chiếm 63%, chỉ có 28,3% là lao động dịch vụ; đến 2005 lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm 6,4%, khu vực dịch vụ đã tăng lên 74,9%.  Năm 1960, hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc là nông sản chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng đến năm 1973 hàng công nghiệp nặng chiếm tỷ trọng chủ yếu (80%). Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, các vấn đề xã hội cũng được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ dân sống dưới mức chuẩn nghèo giảm thấp nhanh chóng, từ 48% năm 1961 xuống còn 9,8% năm 1980, đặc biệt giảm nhanh đối với khu vực thành thị. Đến 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở thành thị và nông thôn hầu như không còn chênh lệch, đạt ở mức 7,6%. Việc phân phối thu nhập hợp lý, bình đẳng, tập trung cao cho công tác xoá đói giảm nghèo ở cả thành thị và nông thôn đã góp phần ổn định chính trị và tạo tiền đề cho Hàn Quốc phát triển kinh tế với tốc độ cao trong thời gian dài.

 Khủng hoảng kinh tế và xu hướng tụt dốc của nền kinh tế: Sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, trong một giai đoạn dài đã dẫn tới những mất cân đối vĩ mô. Khủng hoảng kinh tế (1997) xảy ra ở Hàn Quốc là điều mà ít ai ngờ tới. Đến trước khi xảy ra khủng hoảng, đa số các chỉ số kinh tế vĩ mô không có sự biến động nhiều, chỉ riêng chỉ số thâm hụt tài khoản vãng lai tăng mạnh, từ hệ số 1 năm 1994 tăng vọt lên 4,8 năm 1996. Các nhà kinh tế Hàn Quốc cho rằng, có 5 nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng là: (1) mất cân đối trầm trọng giữa nợ ngắn hạn và cho vay dài hạn; (2) Quản lý các tập đoàn kinh tế chưa tốt; (3) hiệu ứng lan truyền từ khủng hoảng tài chính của các nước trong khu vực; (4) chính sách không hiệu quả, thiếu minh bạch; và (5) các biện pháp đối phó chậm chạp. Có luồng ý kiến cho rằng yếu tố tự mãn, chủ quan với thành tựu tăng trưởng kinh tế đạt được cũng là yếu tố quan trọng dẫn tới khủng hoảng.

Khủng hoảng tài chính ở Hàn Quốc đã để lại ảnh hưởng tương đối nặng nề và kéo dài. Để giải quyết tình trạng khủng hoảng, Hàn Quốc không còn cách nào khác là phải vay tiền và nhận sự hỗ trợ từ phía Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hệ luỵ tất yếu là bị áp đặt những điều khoản ràng buộc về cải cách thể chế, tái cấu trúc lại cơ cấu kinh tế, điều hành vĩ mô nền kinh tế. Điều này đã trở thành một bài học sâu sắc đối với Hàn Quốc mà đến nay vẫn còn được nhắc đến. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc giai đoạn sau khủng hoảng (từ 1997 đến nay) chỉ đạt bình quân 4,4%/năm, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khủng hoảng.

Kinh nghiệm từ các chính sách của Hàn Quốc

Thứ nhất, thực thi chính sách quản lý hữu hiệu, nhất quán trên cơ sở mục tiêu chiến lược phát triển đúng đắn.


Sau khi lên nắm quyền lãnh đạo chính phủ, Tổng thống Park đã thực hiện chính sách kinh tế mở, với chiến lược tập trung phát triển các ngành công nghiệp nặng, chuyển từ mô hình sản xuất thay thế hàng nhập khẩu sang mô hình phát triển hướng ngoại, đẩy mạnh xuất khẩu. Các ngành công nghiệp chế tạo và hoá chất được chọn ưu tiên phát triển. Để phát triển được các ngành công nghiệp trên, tiếp cận được với trình độ công nghệ tiên tiến của thế giới, Hàn Quốc đã thực hiện chính sách hợp tác chặt chẽ với các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản để tranh thủ kỹ thuật, công nghệ cũng như các khoản vốn từ các quỹ tái thiết chiến tranh, tạo tiền đề quan trọng cho việc “cất cánh” của kinh tế Hàn Quốc sau này.

Vai trò của công tác kế hoạch trong giai đoạn đầu của công nghiệp hoá được chính phủ Hàn Quốc đặc biệt coi trọng. Các kế hoạch phải thể hiện được tầm nhìn chiến lược, được phổ biến rộng rãi để người dân ủng hộ chính phủ. Bằng việc xây dựng và tập trung chỉ đạo thực hiện các kế hoạch 5 năm, Hàn Quốc đã thực hiện thành công những mục tiêu chiến lược của mình, phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Một trong những chính sách có hiệu quả cao, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết sách của Chính phủ trong giai đoạn công nghiệp hoá ban đầu là chính sách đào tạo nguồn nhân lực tri thức công nghệ cao. Hàn Quốc đã ưu tiên đầu tư, xây dựng các trường công nghệ cao đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề. Công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại nhất của các nước được ưu đãi nguồn vốn để nhập khẩu vào Hàn Quốc phục vụ cho việc đào tạo.

Năm 1965, sau khi Hàn Quốc thực hiện bình thường hoá với Nhật Bản, chính phủ có chính sách khuyến khích thuê các chuyên gia giỏi về công nghệ, kỹ thuật người Nhật Bản giảng dạy tại các trường công nghệ cao của Hàn Quốc, với mức tiền lương cao hơn nhiều lần so với mức lương của giáo sư bản địa. Việc này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Hàn Quốc, song chính sách trên vẫn được thực thi. Học sinh theo học nghề tại các trường đào tạo công nghệ cao đạt kết quả học tập khá giỏi được miễn giảm học phí, miễn đi nghĩa vụ quân sự, được ưu tiên tuyển vào làm việc tại các doanh nghiệp lớn,... Chính vì vậy, số học sinh đăng ký theo học ngày càng đông, có tới 50% học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học loại ưu đăng ký theo học nghề. Giai đoạn 1977 đến 1991, Hàn Quốc đã 9 lần đạt được giải thưởng cao nhất tại Hội thi tay nghề sinh viên các nước trên thế giới. Những học sinh đạt giải cao được Tổng thống đón chào, coi như những người anh hùng của dân tộc.

Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc cũng rất coi trọng việc tham vấn và đối thoại trong việc ban hành và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm nâng cao hiệu quả chính sách, hạn chế thấp nhất những sai lầm chính sách. Từ năm 1965 – 1979, chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức trên 300 cuộc họp với các cơ quan kinh tế, với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp; trong đó riêng họp với các doanh nghiệp xuất khẩu chiếm khoảng 50%. Những vấn đề nêu ra tại cuộc họp đòi hỏi cán bộ, công chức của các cơ quan chính phủ phải có chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu tìm hiểu kỹ để trả lời, giải đáp. Xã hội Hàn Quốc coi đây là những cuộc sát hạch đối  với những người lãnh đạo các cơ quan chính phủ.

Thứ hai, áp dụng phương châm chính sách “Cây gậy và củ cà rốt”.

Đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của Hàn Quốc. Chính sách khuyến khích xuất khẩu của Hàn Quốc được thực hiện thông qua cơ chế ưu đãi của ngân hàng nhà nước. Việc ưu đãi không mang tính dàn trải. Các doanh nghiệp, các tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển của chính phủ, có được đơn hàng xuất khẩu lớn, có các chỉ số xuất khẩu (hiệu quả, hàm lượng công nghệ của sản phẩm,…) tốt hơn sẽ được ưu tiên nhận các khoản tín dụng với mức ưu đãi nhiều hơn. Chính sách khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa được tuyên truyền mạnh mẽ đến từng người dân, dưới những khẩu hiệu hết sức giản dị nhưng mang lại hiệu quả cao, như câu nói “Nếu mẹ bạn mua nhiều hàng nước ngoài thì bố bạn sẽ sớm bị mất việc làm” ở các trường tiểu học.

Xây dựng các “Làng kiểu mới” ở nông thôn Hàn Quốc đã trở thành phong trào diễn ra trong một giai đoạn dài và trở thành điển hình của sự thành công, được nhiều nước quan tâm học hỏi. Vào những năm 70, Hàn Quốc có khoảng 34.000 làng ở nông thôn. Bên cạnh việc huy động các nguồn lực của cộng đồng dân cư nông thôn, chính phủ có chính sách hỗ trợ ban đầu như cấp miễn phí 300 – 350 bao xi măng, 1 tấn thép, … cho mỗi làng để xây dựng hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của nhà nước không mang tính bình quân, dàn đều mà theo cơ chế hỗ trợ dựa trên cạnh tranh. Sau đợt đầu, trong đợt hỗ trợ lần thứ hai chỉ có 16.600 làng (gần 50%) thực hiện các dự án có kết quả tốt mới tiếp tục được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính sách điện khí hoá nông thôn Hàn Quốc cũng được thực thi theo phương châm trên: Điện chỉ được ưu tiên lắp đặt cho các làng có được sự thành công trong xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế.

Thứ ba, thực hiện kiềm chế lạm phát bằng chính sách thắt chặt tiền tệ.

Tăng trưởng kinh tế cao gắn chặt với việc kiềm chế lạm phát. Lạm phát cao sẽ dẫn tới một kết quả là giảm thấp tăng trưởng trong ngắn hạn và nếu xử lý vĩ mô không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tăng trưởng trong dài hạn. Theo các nhà kinh tế Hàn Quốc, lạm phát chủ yếu do sự gia tăng lớn của giá cả đầu vào, dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư, hạn chế tiêu dùng. Hệ quả là doanh nghiệp hạn chế đầu tư mà chuyển sang tranh thủ đầu cơ trục lợi qua tăng giá.

Vào thập niên 70 – 80, Hàn Quốc thực hiện đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp nặng, với quy mô lớn. Cùng với đó là 2 cú sốc về giá dầu thế giới năm 1973 và 1978 đã tác động tới kinh tế Hàn Quốc. Lạm phát của Hàn Quốc lúc này cũng lên đến 20% năm 1971 và 7-8% giai đoạn 1981 1985. Để kiềm chế lạm phát, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, Hàn Quốc đã phải thực hiện biện pháp tình thế là tăng lãi suất tiền gửi để hút tiền khỏi lưu thông. Đồng thời, đây còn là biện pháp hữu hiệu để khuyến khích các doanh nghiệp và người dân quan tâm hơn nữa tới chất lượng và hiệu quả đầu tư, tiết kiệm tiêu dùng. Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách tăng lương cho công chức theo chỉ số lạm phát, từ đó tạo sức ép thúc đẩy doanh nghiệp nâng lương cho người lao động. Chính sách thu nhập đặc biệt có hiệu quả, tạo nên lòng tin của người dân vào chính phủ, là cơ sở để có thể thực thi các chính sách về huy động tiết kiệm, khuyến khích đầu tư và xuất khẩu, góp phần phục hồi mức tăng trưởng sau giai đoạn lạm phát cao. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, củng cố lòng tin của người dân, của doanh nghiệp vào chính phủ là một kinh nghiệm vô cùng quý báu.

Thứ tư, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm tránh các cuộc khủng hoảng kinh tế.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 xẩy ra, nhu cầu đặt ra là phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để tránh bị bất ngờ, hạn chế thấp rủi ro và có biện pháp chủ động đối phó một cách hữu hiệu. Từ năm 1999, Hàn Quốc bắt tay vào xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm (EWS) trong lĩnh vực tiền tệ. Năm 2004 mở rộng ra 4 lĩnh vực khác như tài chính, nhà đất, lao động, …và gần đây là lĩnh vực lương thực. Hệ thống cảnh báo sớm ở Hàn Quốc rất phức tạp, quy mô lớn, do nhiều cơ quan chuyên ngành thực hiện. Mỗi ngành được phân công tổng hợp và theo dõi từng lĩnh vực, có mô hình dự báo riêng. Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc tổng hợp thông tin từ các ngành, tiến hành phân tích và hình thành bản báo cáo, trong đó nêu rõ tình huống dự kiến, kịch bản ứng phó, kế hoạch dự phòng,… Báo cáo được gửi lên Văn phòng Tổng thống, Chính phủ. Hàng tháng, Hội đồng chính sách kinh tế vĩ mô, cơ quan điều hành toàn bộ nền kinh tế đất nước, tiến hành họp và đưa ra kết luận về các chỉ số cảnh báo. Cấp độ cảnh báo từ mức Bình thường – Chú ý – Cảnh báo – Nghiêm trọng – Rất nghiêm trọng. Các thông tin cảnh báo được công bố công khai trên “Quyển sách xanh” (bản tin kinh tế).

Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy Hệ thống cảnh báo sớm rất quan trọng đối với công tác quản lý vĩ mô. Thông tin về các chỉ số cảnh báo buộc các Bộ chuyên ngành cũng như chính phủ phải có các giải pháp phù hợp khi xuất hiện những dấu hiệu khủng hoảng ngay trong từng lĩnh vực. Hệ thống cảnh báo sớm cần được đánh giá và hoàn chỉnh mô hình thường xuyên vì mỗi cuộc khủng hoảng đều có thể sinh ra một mô hình nghiên cứu mới. Để hoạt động của mô hình có hiệu quả cần có những phân tích về mặt định tính trên cơ sở các kết quả định lượng của mô hình và kết hợp với ý kiến của chuyên gia./.

(1). Nguồn KDI school of Public Policy and Management-2008
    

(ThS. Nguyễn Bá Thân - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Giá tiêu dùng: Khúc dạo đầu của xu thế mới
  • Ngân hàng Thế giới: Việt Nam vượt qua hai cú sốc kinh tế
  • Khởi đầu chu kỳ giảm
  • TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long - Nâng tầm hợp tác để cùng phát triển
  • Sẽ có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế
  • Một góc nhìn về ứng phó khủng hoảng tại Việt Nam
  • Kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm: “Hồng” hay “xám”?
  • ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam: Nên “hết sức thận trọng”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi