Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý nợ công: Không thể xem nhẹ yếu tố rủi ro

Theo Bộ Tài chính, số dư nợ công đến cuối năm 2009 của nước ta ước khoảng 52,6% GDP. Với dân số hơn 86 triệu người, mức nợ công bình quân hơn 10 triệu đồng/người. Xét về tốc độ tăng nợ, từ năm 2001 đến 2009, dư nợ của nước ta tăng từ 36% GDP lên 41,9% GDP; bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) ở mức cao.

Tại hội thảo "Tổ chức kiểm toán đối với việc quản lý và sử dụng các khoản nợ công", do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức diễn ra mới đây tại Hà Nội, Tổng KTNN Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề lớn nhất trong quản lý nợ công ở nước ta là tăng tính minh bạch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nợ. Bởi, nếu Chính phủ vay một đồng mà tạo ra tăng trưởng GDP và thu ngân sách lớn hơn một đồng thì càng vay nhiều càng có lợi, nhưng mấu chốt là phải quản lý rủi ro...

Bất cập trong quản lý nợ công

Cầu Thanh Trì được xây dựng bằng nguồn vốn ODA. Ảnh: Lê Tuấn

Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nợ công "vẫn trong ngưỡng an toàn". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã chỉ ra bất cập trong quản lý nợ công. TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt (Học viện Tài chính) cho rằng, khi tính không đúng, không đủ các khoản nợ công có thể đưa đến nhìn nhận thiếu khách quan về ngưỡng an toàn nợ. Hệ quả, nợ công có thể tăng nhanh khó kiểm soát. Đồng quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tình hình bội chi ngân sách lớn, kéo dài khiến vay nợ trở thành nguồn lực chính sẽ là nguyên nhân khiến nợ công trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan với vấn đề quản lý nợ công. Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán đánh giá, khó khăn lớn nhất hiện nay là phân định trách nhiệm giữa các cơ quan trong việc nợ công. Ở nước ta, có trường hợp người đi vay không phải người trả nợ và người trả nợ không phải người đi vay. Các đầu mối về quản lý nợ công chưa có, dẫn đến tình trạng trách nhiệm trong quản lý nợ công chưa rõ ràng. Chẳng hạn, năm 2003, Kho bạc Nhà nước đã huy động trong nhân dân được 4.000 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu để kiên cố hóa trường học. Đến năm 2008 là thời điểm phải trả nợ, việc giải ngân vẫn chưa xong. Thời điểm đó, lãi vay trái phiếu là 13,5%/năm, tức là gần 70% trong 5 năm. Như vậy, việc giải ngân chậm trách nhiệm thuộc về ai? TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cảnh báo, trong bối cảnh chúng ta sẽ triển khai nhiều dự án lớn, như xây dựng nhà máy điện nguyên tử, đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc…, tỷ lệ nợ nước ngoài tăng nhanh với rủi ro tỷ giá đi kèm. Nhiều khoản vay được Chính phủ thực hiện khi 1 USD quy đổi được 11.000 đồng, đến nay 1 USD quy đổi là 20.000 đồng. Như vậy, rủi ro lớn nhất của chúng ta khi vay nợ chính là tỷ giá hối đoái.

Xung quanh vấn đề quản lý nợ công, TS. Lê Đình Thăng (KTNN) cho rằng, hoạt động quản lý nợ công cần được kiểm toán độc lập, kiểm toán hằng năm, tuy nhiên điều này chưa được thực hiện ở nước ta. Kể từ khi được thành lập đến nay, KTNN chưa kiểm toán nợ công với tư cách là một cuộc kiểm toán độc lập, mà chỉ thực hiện cùng với kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm. Qua kiểm toán quyết toán NSNN, KTNN sẽ đưa ra một số ý kiến mang tính cảnh báo với tình hình vay nợ của ngân sách địa phương. Nhiều vấn đề về quản lý nợ Chính phủ như cơ cấu vay nợ, nguồn vaỵ, tính bền vững của việc vay nợ, chi phí vay nợ, cơ chế quản lý vay nợ… chưa được KTNN đề cập nhằm đưa ra ý kiến độc lập của mình góp phần hoàn thiện việc quản lý nợ công.

Nâng cao tính minh bạch khi sử dụng nợ công

Theo Tổng KTNN Vương Đình Huệ, việc kiểm toán nợ công trước hết là xác nhận các chỉ tiêu về tài chính, tổng số nợ, cơ cấu các khoản nợ, vay trong nước, vay nước ngoài, trả nợ gốc, trả nợ lãi trong quyết toán NSNN. Sau đó, các cơ quan chức năng phải kiểm toán việc tuân thủ pháp luật trong quản lý nợ công. Hiện, chúng ta đã có cơ sở pháp lý về quản lý nợ công và đây là nội dung quan trọng mà KTNN phải thực hiện. Kiểm toán nợ công không phải là kiểm toán từng khoản nợ, vay thế nào, trả thế nào, sử dụng ra sao, mà còn phải kiểm toán hoạt động nói chung, đánh giá tính kinh tế trong quản lý nợ công. Đối tượng kiểm toán gồm cả các cơ quan quản lý nợ công chứ không phải chỉ là từng khoản nợ công trên báo cáo tài chính. Hiện, KTNN mới kiểm toán nợ công có mức độ trong phạm vi được giao kiểm toán. Tới đây, KTNN sẽ mở rộng kiểm toán theo chuyên đề đối với quản lý sử dụng nợ công của từng niên khóa, từng thời kỳ để minh bạch hơn nữa việc sử dụng nợ.

PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam cho rằng, quản lý nợ công có nhiều rủi ro, trong đó lớn nhất là quy trình, thủ tục của từng giai đoạn đi vay nợ. Để toàn bộ quy trình này luôn được thực hiện hiệu quả, những người thực thi phải tỉnh táo, có bản lĩnh để bảo đảm mọi khoản vay nợ được sử dụng với hiệu quả cao nhất. Các chuyên gia cũng cho rằng, để khắc phục những rủi ro, trước hết Nhà nước phải hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, hạn chế tối đa những kẽ hở trong khâu quản lý nợ. Ngoài ra, cần rà soát kỹ quy trình vay và trả nợ, nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản lý nợ công.

(Theo Hương Ly/HNMO)

  • Sông Nhuệ bị lấn chiếm nghiêm trọng
  • Sự ổn định ở ngay trước mắt
  • Việt Nam không dễ có tên trên bản đồ F1 thế giới
  • Ổn định kinh tế nhờ sản phẩm công nghiệp sáng tạo
  • Nỗ lực hành động vì môi trường kinh doanh
  • GS. Trần Văn Thọ: Xác lập tinh thần Nguyễn Trãi trong quan hệ kinh tế Việt - Trung
  • Năm 2020, phấn đấu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 35%
  • 5 giải pháp cơ bản để thi đua trở thành động lực lớn hơn của toàn dân tộc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi